Hà Nội phạt 8B Lê Trực cho tồn tại: Tại sao?

Hà Nội quyết định thống nhất cắt 2 tầng 17, 18 tòa nhà 8B Lê Trực nhưng phần diện tích tăng thêm thì sẽ cho nộp phạt để tồn tại.

Đó là thông tin được ông Trần Việt Trung - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong Hội thảo Quản lý phát triển công trình cao tầng khu vực nội đô lịch sử mở rộng TP. Hà Nội diễn ra vào cuối tháng 10/2018.

Theo ông Trung, tòa nhà phải đảm bảo chiều cao nên cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục phát dỡ tầng 17 - 18.

Sau khi phá dỡ xong 2 tầng này thì diện tích công trình vẫn tăng thêm so với giấy phép được cấp và phần giật cấp không được làm như trong thiết kế.

Mặc dù vậy, việc giật cấp có thể ảnh hưởng đến kết cấu tòa nhà Hà Nội thống nhất phạt để cho tồn tại.

Tòa nhà 8B Lê Trực được phạt cho tồn tại phần diện tích tăng thêm.

“Cái lúng túng ở chỗ là nếu xử lý đúng theo giấy phép là phải cắt giật cấp, nhưng cắt giật cấp thì kết cấu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì thế, vừa qua Hà Nội quyết định thống nhất cho phép tiếp tục cắt ngang và giảm chiều cao.

Nếu cắt 2 tầng 17, 18 thì diện tích sàn mà chủ đầu tư vi phạm vẫn còn dư. Và dự kiến phần dư đó sẽ giải quyết nộp phạt”, ông Trung nói.

Nói về điều này, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Trưởng Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc xin không tháo dỡ, giật cấp tòa nhà là đang cố tình chây ỳ, tìm mọi cách không thực hiện chỉ đạo của cơ quan chức năng.

Ông Thám cho hay, về nguyên tắc phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực chỉ là những phần xây thêm, dựa trên kết cấu chính mà đã được cơ quan chức năng phê duyệt nên việc phá dỡ, giật cấp không ảnh hưởng gì đến kết cấu của tòa nhà.

"Chỉ khi nào anh xây không giống như trong thiết kế mà cơ quan chức năng đã phê duyệt trong hồ sơ dự án thì khi đó mới tính đến chuyện kết cấu bị ảnh hưởng" - ông Thám nói.

Chủ đầu tư nói rằng việc phá dỡ phần giật cấp 8B Lê Trực làm ảnh hưởng đến kết cấu tòa nhà, điều đó cho thấy chủ đầu tư đã tự ý thay đổi toàn bộ thiết kế, kết cấu, không giống như trong giấy phép của chủ đầu tư phê duyệt?

Theo ông Thám, việc phá dỡ phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực cùng lắm chỉ mất hơn 1 năm, nhưng để kéo dài đến 3 năm mà vẫn chưa xong cũng có một phần trách nhiệm đến từ sự quản lý không nghiêm minh của cơ quan chức năng.

"Những khó khăn liên quan đến việc xử lý sai phạm của tòa 8B Lê Trực có thể là chỉ là cái cớ để kéo dài thời gian. Từ đó, chủ đầu tư có thể thuyết phục chính quyền đồng ý để lại phần sai phạm của tòa nhà" - ông Thám nêu quan điểm.

Đầu tháng 10/2018, trong báo cáo của UBND TP. Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình phá dỡ phần sai phạm tại công trình 8B Lê Trực nêu rõ vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực là vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật về xây dựng nghiêm trọng.

UBND TP. Hà Nội cho biết sẽ yêu cầu các đơn vị phối hợp cung cấp hồ sơ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để xem xét, tiến hành điều tra các sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan tại dự án 8B Lê Trực.

Vân Tùng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/bat-dong-san/bao-ve-nguoi-mua-nha/ha-noi-phat-8b-le-truc-cho-ton-tai-tai-sao-3368139/