Hà Nội phát hiện hơn 26.000 cơ sở vi phạm ATVSTP

Qua thanh kiểm tra, Ban chỉ đạo công tác ATVSTP TP Hà Nội đã phát hiện hơn 26.000 cơ sở vi phạm và xử phạt với số tiền hơn 38 tỷ đồng, tăng 10 tỷ đồng so với năm 2016.

Đây là thông tin được ông Trần Văn Chung, PGĐ Sở Y tế, Thường trực BCĐ công tác ATVSTP TP Hà Nội đưa ra tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 20-3.

Ông Chung cho biết, thời gian qua công tác thanh kiểm tra chuyên ngành, liên ngành được tăng cường, đặc biệt trong dịp lễ hội và đợt cao điểm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Năm 2017 thanh kiểm tra 111.166 lượt cơ sở, phát hiện 26.310 cơ sở vi phạm ATVSTP, phạt tiền 7.221 cơ sở với số tiền phạt hơn 38 tỷ đồng. Số cơ sở bị xử phạt nhiều hơn so với năm 2016 do BCĐ tăng cường chỉ đạo thanh tra nhất là ở phường, xã.

Trong năm 2017, đoàn kiểm tra liên ngành TP về ATVSTP đã xử phạt nhiều cơ sở vi phạm. ẢNH:H.T

“Ngay từ đầu năm 2017 có vụ việc liên quan đến ngộ độc methanol với 38 người mắc, 10 người tử vong nên TP đã có kế hoạch, văn bản chỉ đạo thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, thu giữ hàng nghìn chai... Vì thế, số cơ sở được kiểm tra ATVSTP trong năm 2017 tăng so với năm 2016 và số tiền phạt cơ sở vi phạm cũng tăng 10 tỷ đồng”, ông Chung nêu rõ.

Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả xe kiểm nghiệm nhanh chuyên dụng về ATVSTP, BCĐ đã xét nghiệm hơn 1.000 mẫu, phát hiện 85 mẫu dương tính, trong đó có 32 mẫu liên quan đến rau củ quả, 3 mẫu thịt, 45 thực phẩm ăn ngay có hàn the...

BCĐ công tác ATVSTP cũng thực hiện tốt các chương trình, mô hình điểm về ATVSTP, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát, kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người, mô hình cảnh báo nhanh về ATVSTP. Duy trì 60 chuỗi liên kết ATVSTP, phối hợp với các tỉnh trong quản lý ATVSTP theo chuỗi.

Trong năm 2017, TP đã ban hành Quyết định về Bộ tiêu chí chấm điểm công tác ATVSTP tại các quận, huyện, xã/phường và cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh và tổ chức triển khai đánh giá, chấm điểm công tác ATVSTP tại 30 quận/huyện; triển khai Đề án “Thí điểm quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội".

Đối với Đề án Thí điểm quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành, bà Trần Thị Phương Lan, PGĐ Sở Công thương Hà Nội cho biết: Đến nay đã cấp 112 biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây, đạt trên 80%. Các cửa hàng cho biết doanh thu tăng 30%-50% từ khi được cấp biển. Mục tiêu tháng 3 cấp trên 300 biển hiệu, lộ trình cuối tháng 11 cấp xong toàn bộ biển nhận diện cho các cửa hàng.

Để triển khai thực hiện Đề án, Sở Công thương tăng cường phối hợp các địa phương cấp giấy chứng nhận, kiểm tra ATVSTP; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm tra điều kiện gắn biển nhận diện logo cửa hàng. “Qua rà soát, đánh giá chúng tôi thống kê cửa hàng nào chưa đủ điều kiện kinh doanh trái cây thì tuyên truyền, vận động đến hết tháng 3, sang tháng 4 bắt đầu kiểm tra rà soát và xử lý vi phạm. Tuyên truyền để các hộ kinh doanh sắm trang thiết bị bảo quản phục vụ kinh doanh”, bà Lan nói.

Cùng đó, Chi cục QLTT thành lập 1 đội kiểm tra chung trên địa bàn TP và 12 đội trên địa bàn trực tiếp kiểm tra việc kinh doanh trái cây trên địa bàn. Kế hoạch triển khai đề án bắt đầu từ 1-3 mới kiểm, trước vẫn tuyên truyền vận động nhưng thời điểm trước Tết Nguyên đán chúng tôi vẫn quan tâm cửa hàng đảm bảo đủ tiêu chí. Từ 1-3 đến nay kiểm tra 28 vụ, xử lý 12 vụ, đang xử lý 3 vụ, xử phạt gần 11 triệu đồng. Các lỗi vi phạm như: chưa khám sức khỏe, chưa niêm yết giá công khai...

Qua kiểm tra đã yêu cầu 12 quận và QLTT kiểm tra tuyên truyền vận động để bà con hiểu đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Chi cục QLTT cũng phát tài liệu hướng dẫn kiểm tra xử lý vi phạm cho các cửa hàng kinh doanh để nắm được quy định thế nào, nếu bị phạt sẽ ra sao để nâng cao nhận thức.

Thời gian tới tiếp tục tập huấn, xác nhận kiến thức, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện cho đối tượng thuộc diện cấp, gắn biển nhận diện logo của Đề án cho các cửa hàng đáp ứng điều kiện.

Thành lập 6 đoàn thanh kiểm tra ATVSTP trong “Tháng hành động 8

Căn cứ Kế hoạch Hành động vì ATVSTP năm 2018, BCĐ liên ngành Trung ương về ATVSTP giao các Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 12 tỉnh, TP.

Theo đó, Đoàn số 1 tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Khánh Hòa, Phú Yên; Đoàn số 2 tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Gia Lai, Kon Tum; Đoàn số 3 thanh tra, kiểm tra tại Hà Nội, Ninh Bình; Đoàn số 4 thanh tra, kiểm tra tại Cần Thơ, Sóc Trăng; Đoàn số 5 thanh tra, kiểm tra tại TP HCM, Long An và Đoàn số 6 kiểm tra tại Nghệ An, Hà Tĩnh.

Bên cạnh 6 Đoàn liên ngành Trung ương, các Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công thương giao các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, TP nhằm triển khai hiệu quả Tháng hành động (từ 15-4 đến 15-5).

Chủ đề của Tháng hành động Vì ATVSTP năm 2018 là tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm với mục tiêu tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATVSTP.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATVSTP. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề.

Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về ATVSTP của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Vân Hà

Thịnh An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ha-noi-phat-hien-hon-26000-co-so-vi-pham-atvstp-112476.html