Hà Nội phát triển nông nghiệp đô thị, hướng tới kinh tế xanh

Để nông nghiệp phát triển xứng tầm tiềm năng, lợi thế riêng có, thời gian tới, Hà Nội cần tập trung 'khơi thông' các điểm nghẽn, phát triển nền nông nghiệp đô thị, hướng đến kinh tế xanh.

Khơi thông điểm nghẽn để nông nghiệp phát triển xứng tầm

Hà Nội có nhiều tiền đề quan trọng để phát triển một nền nông nghiệp đô thị, một nền kinh tế xanh phù hợp với xu hướng phát triển đô thị. Tuy nhiên, vẫn đang tồn tại nhiều điểm nghẽn khiến nông nghiệp Hà Nội chưa phát triển xứng tầm tiềm năng, lợi thế. Nông nghiệp Hà Nội đang chịu áp lực lớn từ quá trình đô thị hóa, trong khi đó, “điểm nhìn” về nông nghiệp đô thị, kinh tế nông thôn vẫn chưa định hình rõ nét ở nhiều địa phương.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền mới đây trao đổi với báo chí đã chỉ ra những điểm nghẽn mà thành phố sẽ tập trung tháo gỡ “khơi thông” trong thời gian tới.

Mô hình trồng chè an toàn tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn.

Cụ thể, điểm nghẽn lớn là tình trạng nông dân bỏ ruộng, không sản xuất canh tác. Theo ông Quyền, tốc độ đô thị hóa nhanh, việc quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp tập trung và công trình hạ tầng kinh tế - xã hội đang trong quá trình xây dựng… dẫn đến một số diện tích đất nông nghiệp bị chia cắt, nhiều tuyến kênh mương, thủy lợi nội đồng bị ách tắc không phục vụ được tưới, tiêu... là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên.

Bên cạnh đó, sự chuyển dịch mạnh mẽ lực lượng lao động trẻ từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng, dịch vụ… đã tác động trực tiếp đến lực lượng lao động sản xuất. Trong đó phải kể đến tình trạng “già hóa” lực lượng sản xuất nông nghiệp, thiếu lao động vào thời vụ sản xuất.

Tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao. Sản xuất chủ yếu mang tính nông hộ manh mún, tự phát; tích tụ ruộng đất gặp nhiều khó khăn; chi phí sản xuất tăng cao…

Một điểm nghẽn nữa được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ ra đó là áp lực từ chất lượng môi trường. Thực tế cho thấy, lượng chất thải từ các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản... ngày càng tăng nhưng chưa được quản lý và xử lý triệt để. Nước thải (phần lớn không qua xử lý) từ các khu dân cư, cụm công nghiệp, làng nghề, trang trại chăn nuôi xả trực tiếp ra hệ thống kênh, mương gây ô nhiễm môi trường.

Điểm nghẽn khác là cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, tỷ lệ nông sản được chế biến sâu, chế biến tinh còn thấp; công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất và xử lý tình huống mùa vụ; việc sử dụng các phế phẩm, phụ phẩm chưa được quan tâm đúng mức; công nghiệp hỗ trợ để hoàn thiện sản phẩm chậm phát triển...Hiện Hà Nội cũng chưa có nhiều cơ chế chính sách mang tính đột phá, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến.

PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhận định, sự chuyển dịch mạnh mẽ lực lượng lao động trẻ từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, tình trạng “già hóa” lực lượng sản xuất nông nghiệp dẫn đến thiếu lao động vào thời vụ sản xuất. Trong khi đó, tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao. Sản xuất chủ yếu mang tính nông hộ manh mún, tự phát; tích tụ ruộng đất gặp nhiều khó khăn; chi phí sản xuất tăng cao…

Đặc biệt, những năm gần đây, biến đổi khí hậu khiến thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có xu hướng diễn biến phức tạp, nông dân phải đối mặt nhiều thách thức, rủi ro, trong khi giá trị từ sản xuất nông nghiệp thấp hơn so với các lĩnh vực kinh tế khác nên không nông dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp.

Đầu tư bài bản cho các mô hình nông nghiệp theo hướng chuyên sâu

Nói về giải pháp hóa giải những khó khăn, thách thức biến những lợi thế riêng có của Thăng Long – Hà Nội trở thành động lực phát triển Nông nghiệp Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội sẽ lựa chọn đầu tư bài bản cho các mô hình nông nghiệp theo hướng chuyên sâu phù hợp với khả năng tích tụ đất đai của thành phố...

Thành phố khuyến khích nông dân khai thác thế mạnh từ nông nghiệp để phát triển du lịch cộng đồng hướng tới hai mục tiêu: Khu vực nông thôn sẽ là không gian thư giãn cuối tuần của người nội đô và là những miền quê đáng sống của chính cư dân sở tại.

Hà Nội cũng đang từng bước hình thành những vùng cây giống chất lượng cao (cây ăn quả, hoa cây cảnh, cây đô thị...) đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị xanh của Thủ đô và các tỉnh, thành phố. Các vùng sản xuất nông nghiệp được đầu tư về công nghệ và tài chính sẽ trở thành những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái phát triển vững chắc. Ví dụ: Gia Lâm có thể hình thành khu nhà vườn công nghệ cao, nơi cung ứng giống cây trồng cho cả khu vực; Mê Linh sẽ trở thành “thủ phủ” của hoa cây cảnh; Sóc Sơn, Ba Vì, Thường Tín... là miền đất của nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm cao cấp…

Theo ông Quyền, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, nông nghiệp Thủ đô cần phát huy nguồn lực trí tuệ, khoa học công nghệ và tài chính xây dựng các mô hình theo hướng liên kết, nâng cao giá trị.

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, lấy ý kiến tham vấn đề xuất các cơ quan chức năng điều chỉnh, sửa đổi Luật Thủ đô, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp.

“Lãnh đạo thành phố luôn trăn trở làm sao để nông nghiệp Thủ đô phát huy được thế mạnh đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội, có những bứt phá mới và trở thành điển hình của cả nước về khoa học, công nghệ, chất lượng sinh thái” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh. Đồng thời tin tưởng, nếu giải quyết được những “điểm nghẽn” nêu trên, bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hà Nội sẽ thay đổi một cách rõ nét và sớm trở thành hình mẫu lý tưởng về phát triển nông nghiệp gắn với đô thị hóa nông thôn.

Hà Nội có diện tích đất nông, lâm nghiệp lên đến 200 nghìn ha, chiếm 58,91% tổng diện tích, dân số khu vực nông thôn là 4,184 triệu người, chiếm 50,7% dân số, lao động khu vực nông thôn là 2,271 triệu người, chiếm trên 56% lực lượng lao động của thành phố. Hà Nội đã phát triển được các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, trong đó có 22 vùng sản xuất rau an toàn, 25 vùng sản xuất lúa chất lượng cao, 14 vùng sản xuất cây ăn quả, 10 vùng sản xuất hoa, cây cảnh, 5 vùng sản xuất chè...; 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 20 vùng nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường...

Mời độc giả xem thêm video Ngành nông nghiệp không muốn lỡ chuyến tàu chuyển đổi số

Nguồn: VTV24

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/ha-noi-phat-trien-nong-nghiep-do-thi-huong-toi-kinh-te-xanh-1763808.html