Hà Nội phê duyệt 5 quyết định công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông

Trước diễn biến sạt lở phức tạp, uy hiếp đến an toàn các tuyến đê nếu không được xử lý kịp thời có thể tiếp tục gây sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đê điều, tính mạng và tài sản của nhân dân gần khu vực sạt lở, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt 5 quyết định công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông.

Cụ thể, các bờ sông được công bố tình trạng khẩn cấp gồm: sông Bùi, sông Đáy trên địa bàn xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ; sông Đáy trên địa bàn xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai và xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ; sông Đà trên địa bàn xã Thái Hòa, huyện Ba Vì; sông Bùi trên địa bàn các xã Tốt Động, Quảng Bị, huyện Chương Mỹ.

Diễn biến tình hình, theo Sở NN&PTNT, sự cố sạt lở bờ sông Bùi, sông Đáy trên địa bàn xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ đã làm nhiều bụi tre, cây cối, vật kiến trúc của 18 hộ dân đã bị sạt trượt xuống sông, làm nứt và đổ nghiêng khoảng 125m kè đá bờ sông tại khu vực khuôn viên đình Lưu Xá, xã Hòa Chính.

Sạt lở đê tả sông Bùi đoạn qua địa phận xã Tốt Động: trên tuyến xuất hiện 6 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm có chiều dài từ (10m-50m), chiều sâu cung sạt từ (1m-l,5m) tạo thành vách thẳng đứng. Hiện tượng sạt lở đã làm sụp đổ công trình phụ nhà ông Hà Huy Duấn sát bờ sông.

Sạt lở bờ tả mái thượng lưu đê tả sông Bùi tại thôn 5 xã Quảng Bị: Sạt lở phía thượng lưu từ đầu cầu Đầm Mơ đến giáp kè cũ Đông Quang, xã Quảng Bị dài khoảng 300m, xuất hiện 2 cung sạt dài khoảng 50m, chiều sâu từ (1 đến 1,5m), cung sạt ăn sâu vào thân đê làm nứt, vỡ mặt đường bê tông trên mặt đê gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của 20 hộ dân trong khu vực.

Sự cố sạt lở bờ sông Đáy trên địa bàn xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ: Sạt từ vị trí cuối kè Nguyễn Trãi cũ đến nhà ông Nguyễn Văn Ca, chiều dài khoảng 500m, ảnh hưởng đến khoảng 50 hộ dân; các cung sạt nối tiếp nhau tạo vách thẳng đứng, hàm ếch dưới chân mái bờ sông. Tại xóm 6-8, sạt lở xảy ra từ Bãi Yến đến giáp đầu kè Văn Võ 6-8 chiều dài khoảng 400m, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 16 hộ dân ven sông.

Sự cố sạt lở bờ sông Đáy trên địa bàn xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai: Cung sạt có chiều dài 30m. Đỉnh cung sạt cách mặt đê điểm gần nhất khoảng 2m; vị trí cung sạt nằm trong ao phía thượng lưu đê có chiều dài khoảng 200m.

Sự cố sạt lở bờ sông Đà trên địa bàn xã Thái Hòa, huyện Ba Vì: Vị trí từ bến phà cũ đến gốc Gạo thuộc địa bàn thôn Phú Nhiêu, xã Thái Hòa: Chiều dài sạt lở khoảng 655m, đây là khu vực có 15 hộ dân với 52 nhân khẩu đang sinh sống lâu đời ở bài sông. Các vị trí sạt lở có diễn biến xấu và đang có xu hướng phát triến mở rộng, một số vị trí sạt lở cách nhà dân từ 3-5m gây nguy hiểm cho các hộ dân trong khu vực.

Nhìn chung, siễn biến sạt lở đang phức tạp, uy hiếp đến an toàn các tuyến đê nếu không được xử lý kịp thời có thể tiếp tục gây sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đê điều, tính mạng và tài sản của nhân dân gần khu vực sạt lở.

Biển cảnh báo được lắp đặt tại khu vực sạt lở bờ tả sông Bùi, đoạn qua xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ (ảnh: Trọng Tùng)

Biển cảnh báo được lắp đặt tại khu vực sạt lở bờ tả sông Bùi, đoạn qua xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ (ảnh: Trọng Tùng)

Để tăng cường các biện pháp bảo vệ đảm bảo an toàn công trình và an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, UBND TP Hà Nội giao UBND huyện Chương Mỹ, UBND huyện Quốc Oai, UBND huyện Ba Vì: Ngăn không cho người dân vào khu vực sạt lở; kịp thời tuyên truyền, thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng phạm vi nguy cơ sạt lở tiếp diễn hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố để người dân biết chủ động phòng tránh; hạn chế tàu thuyền qua lại khu vực sạt lở và bố trí cán bộ trực theo quy định.

Phối hợp với Sở NN&PTNT, các cơ quan chuyên môn theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, chỉ đạo UBND các xã Hòa Chính, Tốt Động, Quảng Bị, Văn Võ (Chương Mỹ), xã Yên Sơn (Quốc Oai), xã Thái Hòa (Ba Vì) phối hợp với Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão xây dựng phương án, tổ chức xử lý giờ đầu, sẵn sàng ứng phó sự cố theo phương châm 4 tại chỗ, không để sự cố phát triển thêm, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các công trình đê điều và các hộ dân sinh sống trong các khu vực sạt lở.

UBND TP giao Sở NN&PTNT tổ chức thực hiện ngay việc khoanh vùng vị trí sạt lở và phạm vi sạt lở tiếp diễn hoặc có nguy cơ sạt lở; cảnh báo và đặt biển báo sự cố; thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình diễn biễn sạt lở và tiến độ khắc phục sự cố.

Chỉ đạo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão chủ động phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Chương Mỹ, UBND huyện Quốc Oai, UBND huyện Ba Vì theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố; xây dựng và thực hiện phương án xử lý giờ đầu theo phương châm 4 tại chỗ; báo cáo theo quy định.

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP phối hợp UBND huyện Chương Mỹ, UBND huyện Quốc Oai, UBND huyện Ba Vì thông báo rộng rãi tình trạng khẩn cấp trên.

Về các biện pháp khắc phục sự cố khẩn cấp, UBND TP giao Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, thực hiện dự án Xử lý cấp bách sự cố sạt lở các bờ sông bằng nguồn ngân sách TP. Phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ nghiên cứu tính toán khớp nối các dự án xử lý cấp bách trên tuyến đê tả Bùi với dự án “Nâng cấp đê tả Bùi, hữu Đáy trên địa bàn huyện Chương Mỹ” do UBND huyện Chương Mỹ làm chủ đầu tư để đảm bảo yêu cầu chống lũ sông Bùi và tiết kiệm chi phí đầu tư.

Giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thống nhất tham mưu UBND TP cân đối bố trí vốn để thực hiện dự án khi đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-phe-duyet-5-quyet-dinh-cong-bo-tinh-trang-khan-cap-su-co-sat-lo-bo-song-195834.html