Hà Nội phố, ta còn em

1- Năm nào, Báo SGGP cũng tổ chức họp cộng tác viên tại thủ đô Hà Nội. Lần đó báo cử những người Sài Gòn chưa biết Hà Nội, như một phần thưởng. Đã vui càng vui, nhất là Hà Nội cuối năm lạnh tê, cái lạnh lạ lẫm với người Sài Gòn. Hà Nội có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử, hồ huyền thoại và cây cổ thụ. Thoải mái và ân tình là đi bộ dạo phố. Mùa đông các cô gái Hà Nội đẹp như lửa, nhìn xa thì ấm, xáp gần là… cháy.

So với anh chị em, Bích Ngà, cô biên tập be bé, có lý do để mê “Phố Phái” hơn, vì chồng, bố mẹ chồng là họa sĩ người Hà Nội. Dạo khắp phố phường, ra ngoại ô xem hoa đào phai, hoa cải vàng, ăn đặc sản Hà thành. Sáng phở Lò Đúc không giá; trưa dự chiêu đãi khách; chiều cơm bụi Lý Thường Kiệt nhiều rau, thịt sườn non nấu sấu; tối tìm chả cá Lã Vọng. Đêm dạo quanh 36 phố phường thưởng thức kem Thủy Tạ Hồ Gươm. Ăn kem giữa mùa lạnh Hà Nội có một cảm giác lạ lùng, không đâu có. Ai cũng quấn mình như kén tơ tằm, khoác vai nhau trò chuyện, xuýt xoa cười. Đi bộ ấm người, để hưởng cái lạnh Hà Nội, chúng tôi đi chậm. Bỗng Bích Ngà nói khẽ đề nghị… gọi xích lô về. Ngồi sa-lông-xích-lô, mới hay đôi giày Bích Ngà mang từ Sài Gòn ra, đi bộ nhiều… bị gãy gót. Chuyện vui buồn Hà Nội theo anh chị em về Sài Gòn. Và thật thú vị là sau đó không lâu, Báo SGGP số chủ nhật đăng bài tùy bút như thơ, cảm động “Hà Nội ơi” của Bích Ngà. Hà Nội thành văn thơ trong cảm nhận cô gái Sài Gòn! 2- Hà Nội có nhiều sáng tác văn hóa nghệ thuật (VHNT) hay, lay động và nhớ lâu. Hà Nội là nơi hội tụ, gởi gắm tâm linh tình cảm, vẻ đẹp và bản lãnh Việt Nam. Những tác phẩm VHNT hay về Hà Nội trở thành lời nói, tiếng gọi cửa miệng và bảng hiệu ở nhiều phố thị trong và ngoài nước. Có người nói Về Hà Nội để yêu, Ở trọn ngày ta là dân Hà Nội. Từ sau Cách mạng Tháng Tám và ngày giải phóng thủ đô, Hà Nội càng là nơi sản sinh, tạo dựng những tác phẩm, tác giả văn hóa nghệ thuật hàng đầu Việt Nam. Hà Nội là đất của cầm kỳ thi họa, mỗi người mang đến vẻ thánh thiện nhất làm nên phong cách Hà Nội ngàn năm văn hiến. Ai cũng có những vần thơ hay Hà Nội. Ở thế hệ chúng tôi, thơ thấm đậm tâm hồn Hà Nội phải kể tới Lưu Quang Vũ và Bằng Việt trong Hương cây và Bếp lửa (xuất bản 1968, tái bản 2005). Thời đó hai anh đại diện cho hai lớp người của Hà Nội. Chàng lính trẻ Hà Nội Lưu Quang Vũ thiết tha: Trong thành phố có một vườn cây mát Trong triệu người có em của ta… Em muốn nói trăm câu ngàn câu Mà chỉ nghiêng đầu chào khe khẽ… Ta đi giữ nước yêu thương lắm Mỗi xóm thôn qua mỗi nghĩa tình… Người trí thức trẻ Hà Nội Bằng Việt trầm lắng: “Những gác xép bộn bề hy vọng/Mỗi ngõ nhỏ dấu một lời tâm sự”… “Tôi trở lại những lối mòn tình tự/Cánh bướm màu hạnh phúc cứ bay đôi”… “Ôi rất lâu, rất lâu/Tôi mới lại đi một ngày thong thả/Thành phố như tim tôi yên ả/Sau rất nhiều gian lao”… Hà Nội cổ kính và thanh tân. Thơ cổ “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (Bà Huyện Thanh Quan); Thơ mới “Hàng liễu đìu hiu đứng chịu tang” (Xuân Diệu) và “Chân đi đôi guốc cao/ Em mang dải lụa đào/ Quần lĩnh áo the mới/ Tay cầm nón quai thao” (Nguyễn Nhược Pháp); Thơ kháng chiến “Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm” (Quang Dũng)… Thơ Hà Nội thời Lưu Quang Vũ - Bằng Việt ít tính ước lệ mà nồng hậu tươi mới, cởi mở đón đợi… Hà Nội đều hiện diện trong sự nghiệp lớn của các thế hệ văn nghệ sĩ! 3- Trường ca Hà Nội phố của Phan Vũ sáng tác những năm 60, 70 thế kỷ XX, hoàn chỉnh tháng 12-1972. Trường ca Hà Nội phố đạt mấy kỷ lục: Bài thơ có nhiều dị bản nhất, mặc dầu tác giả còn sống khỏe; bài thơ về Hà Nội được Phú Quang phổ nhạc hay nhất và tên bài thơ bài hát được người đời “chơi chữ” nhiều nhất. Bài hát Em ơi Hà Nội phố, Phú Quang phổ nhạc trong những ngày nhiều lá vàng rơi trên đường phố Sài Gòn. Còn nhớ chiều ấy, giờ tan tầm, trong căn phòng nhỏ nhìn ra quảng trường đầu đường Đồng Khởi, nhạc sĩ Phú Quang vui và có vẻ hồi hộp gọi chúng tôi ngồi lại nghe anh đàn và hát Em ơi Hà Nội phố. Chúng tôi có may mắn với tác giả bài thơ Phan Vũ và bản nhạc của nhạc sĩ Phú Quang. Mọi người vẫn gọi đùa Phan Vũ (sinh 1926) là Ông già Hà Nội bụi và Phú Quang (sinh 1949) là Người đàn piano trên phố hát. Nhà thơ Phan Vũ nhiều giai thoại. Bài thơ Hà Nội phố cũng nhiều giai thoại. Cha người Đà Nẵng, Phan Vũ sinh tại Hải Phòng, 13 tuổi ông vào Sài Gòn; Nam bộ kháng chiến về miền Tây chiến đấu; năm 1954, tập kết ra Hà Nội; sau 1975 về Sài Gòn sống, làm đạo diễn phim, vẽ tranh. Hà Nội phố có thể xem là một trong những sáng tác thành công nhất, hay nhất và mới lạ về Hà Nội. Khi nhạc sĩ Phú Quang, một người Hà Nội, chắt lọc, phổ thành ca khúc Em ơi Hà Nội phố thì thơ-nhạc bay lên, lắng sâu. Chúng ta có Người Hà Nội Nguyễn Đình Thi hùng tráng hào hoa, trữ tình chồng chất… và có Hà Nội phố Phan Vũ-Phú Quang quý phái và đời thường, hoài niệm và nhấp nhô xô đẩy… Một Hà Nội phố như là tranh Bùi Xuân Phái, như là văn Nguyễn Tuân, như là đàn Đặng Thái Sơn… Sau Em ơi Hà Nội phố Phú Quang thành công trong nhiều bài hát về Hà Nội. Còn Phan Vũ có một trường ca Hà Nội để đời: “Em ơi! Hà Nội phố/ Ta còn em tiếng trống tan trường/ Áo thiên thanh điệp màu liễu rủ/ Đôi guốc cao mài mòn phố cổ/ Một ngã nào lưu dấu gót hào hoa/ Còn em mãi mãi dáng kiêu sa/ Ta còn em/ Hà Nội phố”… 4- Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, sau năm 1954, hàng ngàn người miền Nam tập kết ra Bắc, đêm 30 Tết nhớ nhà, về thủ đô, đến Hồ Gươm tìm nhau, tạo nên một mỹ tục mang tính cộng đồng, của Hà Nội, lan tỏa - Đón Giao thừa quanh hồ Gươm, ngoài phố đông người! - Hà Nội phố! Em ơi! VŨ ÂN THY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/2009/10/205117/