Hà Nội:Phương án thi vào lớp 10 thay đổi xoành xoạch, gây tranh cãi

Trước thông tin Hà Nội đưa ra 3 phương án thi vào lớp 10 đều có môn tổ hợp, hàng loạt phụ huynh lo lắng trong khi các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục cho rằng đây là việc nên làm.

Chỉ với hai môn thi Toán, Văn, kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội vừa qua được nhận định “căng như dây đàn”

Liên tục thay đổi đề xuất thi vào 10

Tháng 4 vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố phương án thi bằng bài tổ hợp để lấy ý kiến. Cụ thể, phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 là thi tuyển với 3 bài, gồm 2 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn); một bài thi tổ hợp (tổ hợp 1 gồm Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân; hoặc tổ hợp 2 gồm Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học). Tổ hợp được chọn thi sẽ công bố vào tháng 3/2019. Các bài thi Toán, Ngữ văn theo hình thức tự luận. Bài tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm với nhiều mã đề thi trong một phòng thi.

Trong khi phương án trên chưa được quyết, mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội lại đề xuất thêm hai phương án nữa để lấy ý kiến lựa chọn. Cụ thể, phương án 1, là học sinh sẽ thi 4 bài độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; bài thi còn lại thuộc một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Bài thi thứ tư do Sở GD&ĐT Hà Nội công bố vào cuối tháng 3. Thời gian làm bài môn Toán và Ngữ văn là 120 phút/bài, đối với 2 môn còn lại là 60 phút/bài. Phương án thứ hai là giữ nguyên kỳ thi như hiện nay.

Ngoài 3 phương án Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra, nhà trường có thể đề xuất phương án tuyển sinh khác. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổng hợp ý kiến đề xuất của các nhà trường về phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 để trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Dự kiến, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 sẽ được công bố trong thời gian học kỳ I năm học 2018-2019.

Trước những đề xuất công bố của Sở GD&ĐT Hà Nội, có nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh học sinh. Chị Trần Hoàng Lan (Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con trai năm nay bước vào lớp 9 phàn nàn: “Năm rồi thi 2 môn Văn, Toán mà con gái lớn nhà tôi đã phải chật vật học ngày, học đêm mới đủ điểm vào trường công. Giờ thêm tổ hợp rồi môn nọ, môn kia chưa biết sắp xếp thời gian học sao cho xuể. Nếu được tôi chỉ mong muốn giữ kỳ thi ổn định như đã từng làm”.

Khuôn mặt hiện rõ sự lo lắng khi nhắc đến kỳ thi vào 10 mà cô con gái sẽ phải đối mặt trong năm tới, anh Chu Thanh Hòa (Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Từ tháng 4, khi nhận thông tin sẽ có sự thay đổi môn thi, bổ sung thêm tổ hợp để thi tuyển vào lớp 10, gia đình đã tham khảo ý kiến các thày cô giáo đang dạy cho con gái mình. Các thày cô trấn an, tổ hợp thi sẽ không khó, không đánh đố. Đến giờ, nghe Sở công bố thêm 2 phương án nữa mà chưa chốt phương án nào, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của các con”.

Phản ứng khá mạnh mẽ trước đề xuất thêm môn thi cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10, anh Trần Bình Minh (Hàng Vôi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: “Xin đừng nghĩ cách đánh đố học sinh nữa. Đừng nêu lý do học sinh học lệch nếu chọn phương án thi 2 môn Toán và Ngữ văn. Sợ học sinh học lệch, sao ngay trong chương trình học không siết chặt các môn đó đi, đừng dạy chơi vơi và học chơi vơi nữa. Nếu dạy đúng, dạy đủ không phân biệt chính, phụ giữa các môn thử hỏi có còn tình trạng học lệch không? Đừng dạy một đằng yêu cầu một nẻo rồi lại đưa ra những quyết định hành khổ học sinh”.

Cần chốt phương án sớm

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, phương thức “kết hợp thi tuyển với xét tuyển” để tuyển sinh vào lớp 10 THPT đã được áp dụng từ năm học 2005-2006 bộc lộ nhiều hạn chế như tạo nên hiện tượng học lệch, chỉ tập trung học 2 môn thi Ngữ văn và Toán, không đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc THCS. Bên cạnh đó, khâu xét tuyển dựa vào việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở bậc THCS chưa thật sự khách quan do việc đánh giá phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của mỗi giáo viên; việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh giữa các trường khác nhau. Khi được hỏi về thời gian cụ thể chốt phương án thi, ông Toản cho biết, sẽ thông tin tới dư luận trong thời gian sớm nhất.

Ông Nghiêm Quý Bình, Hiệu trưởng trường THPT Đông Anh (Hà Nội) nhận định: “Dù thi 2 môn hay 6 môn cũng chỉ đảm bảo tỉ lệ 62% học sinh vào được khối trường THPT công lập. Trong khi học sinh hiện nay “thi gì học nấy” nên muốn đảm bảo toàn diện cần chọn phương án thi nhiều môn”.

Bày tỏ ủng hộ với phương án thi môn tổ hợp bên cạnh các môn Toán, Văn và Ngoại ngữ để xóa bỏ tình trạng học lệch, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục nhận định: “Hiện nay, cả thày cô và học trò cùng có tâm lý môn nào thi thì học, môn nào không thi học qua loa. Trong khi đó, giáo dục toàn diện là một yêu cầu cần thiết đối với học sinh phổ thông. Nếu học sinh học các môn một cách nghiêm túc thì không phải quá lo lắng, căng thẳng với việc thêm môn thi”.

Qua đây, ông Lâm nhấn mạnh: “Việc thi bao nhiêu môn không quan trọng, điều cần là Sở GD&ĐT chốt lại phương án thi sớm. Nếu phương án có tổ hợp môn thi thì cần công bố sớm dạng đề thi để học sinh, phụ huynh nắm được, sẵn sàng cho sự thay đổi này”.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/ha-noiphuong-an-thi-vao-lop-10-thay-doi-xoanh-xoach-gay-tranh-cai-d268420.html