Hà Nội quản chặt cụm công nghiệp

Để siết chặt quản lý CCN, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành khắc phục những tồn tại, bảo đảm hoạt động tại các CCN tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Tính đến hết tháng 6/2019, Hà Nội đã có 70 CCN đang hoạt động, diện tích là 1.337 ha với khoảng 3.100 cơ sở sản xuất đang hoạt động. Trong số này có 3 CCN tập trung gồm: CCN Chương Mỹ rộng 50 ha; CCN Sơn Tây rộng 70 ha; CCN Phúc Thọ rộng 55 ha. Ðây là điều kiện cơ bản để phát triển làng nghề, kinh tế nông thôn và kêu gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của Hà Nội.

Nhiều CCN chưa đảm báo "tiêu chí CCN"

Tuy nhiên, thời gian qua, sự không thống nhất trong các quy định tại một số văn bản pháp lý khiến Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, phát triển CCN trên địa bàn. CCN La Phù (xã La Phù, huyện Hoài Đức) là một ví dụ. Từ khi có quyết định thành lập năm 2001 đến nay, CCN đã lấp đầy 100% diện tích, với 312 doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động sản xuất trong cụm. Tuy nhiên, công tác quản lý, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng tại CCN này vẫn nhiều bất cập. Mặc dù cán bộ địa chính xã luôn chủ động phối hợp với thanh tra xây dựng kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng do lực lượng quản lý về trật tự xây dựng, đô thị mỏng, nên việc kiểm tra các địa bàn rất khó khăn.

Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động

Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động

Ông Nguyễn Hữu Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã La Phù - cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, xã đã xử lý hàng chục nhà xưởng vi phạm, song chủ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh thường lợi dụng ngày nghỉ lễ, ban đêm để xây dựng nhà xưởng.

Theo ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thành phố có 70 CCN đang hoạt động, được hình thành trước khi Nghị định số 68/2017/NĐ-CP (ngày 25/5/2017) của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN có hiệu lực. Trong đó, các CCN do Ban Quản lý cấp huyện làm chủ đầu tư chưa được xây dựng hạ tầng đồng bộ như: thiếu điểm thu gom, tập kết chất thải, thiếu hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhà điều hành, hệ thống phòng cháy, chữa cháy…

Để bảo đảm đáp ứng các tiêu chí CCN theo Nghị định 68/2017/NĐ-CP, các CCN này cần được đầu tư đồng bộ để hoàn thiện, chuẩn hóa kỹ thuật. Tuy nhiên, đây là các CCN do các cơ quan nhà nước làm chủ đầu tư, vì vậy việc triển khai đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phải sử dụng ngân sách. Trong khi, tại khoản 2, điều 20 của nghị định này quy định chủ đầu tư được huy động vốn để xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, nhưng việc huy động như thế nào thì chưa có hướng dẫn cụ thể, gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư triển khai dự án, nhất là đối với những dự án do các huyện, thành phố, hoặc doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Ngoài ra, Nghị định chưa quy định rõ việc bàn giao chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN từ các đơn vị sự nghiệp công lập sang các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng để đầu tư mở rộng...

Một vấn đề khác, do phê duyệt tại các thời điểm khác nhau, nên mặc dù có nhiều CCN đã nằm trong quy hoạch phát triển, nhưng khi triển khai thành lập cụm theo Nghị định 68/2017/NĐ-CP lại “vướng” vào một số diện tích đất không phải của CCN, hoặc mục đích sử dụng đất chưa được cập nhật. Vì vậy, cần phải làm rõ việc thành lập, mở rộng CCN trước, hay sau đó để điều chỉnh các quy hoạch khác liên quan, hay ngược lại.

Siết chặt quản lý

Theo ông Đàm Tiến Thắng, cả CCN và khu công nghiệp đều là nơi đầu tư hạ tầng kỹ thuật để phát triển công nghiệp. CCN tuy là đối tượng nhỏ hơn, nhưng phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp không hấp dẫn bằng khu công nghiệp. Do đó, cần có các chính sách phù hợp và công bằng cho cả hai đối tượng.

Trước những vướng mắc gặp phải trong công tác quản lý, phát triển CCN, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Công văn số 4517/UBND-KT, yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý các CCN đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Theo đó, yêu cầu Sở Công Thương nghiên cứu, hoàn thiện, báo cáo UBND thành phố ban hành “Quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn thành phố” làm cơ sở cho việc triển khai công tác quản lý các CCN trên địa bàn thành phố; Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, các sở, ngành liên quan xây dựng chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo nhằm giải quyết, khắc phục những tồn tại, vướng mắc, đảm bảo hoạt động tại các CCN tuân thủ theo đúng quy định của Nhà nước và thành phố.

Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, xử lý những vi phạm theo quy định về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, quản lý và sử dụng đất tại các CCN (trong đó có việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các CCN đã hình thành từ nhiều năm trước, còn diện tích đất công nghiệp nhưng chưa giao các hộ sản xuất, doanh nghiệp đã đóng góp tiền đầu tư hạ tầng trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Phúc Thọ...

Thu Hoài

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/ha-noi-quan-chat-cum-cong-nghiep-160108.html