Hà Nội: Quyết tâm xây dựng Thủ đô xanh, thông minh, bền vững!

Bạn bè khắp năm châu khi nhắc tới Hà Nội thường bằng cụm từ 'Hà Nội – Thành phố vì hòa bình'. Đó là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu nổi bật của Thủ đô Hà Nội trong tiến trình đổi mới, cũng như khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Ngày nay, song song với sự phát triển của thế giới với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Hà Nội đã và đang có những bước tiến vững chắc, quyết tâm xây dựng một Thủ đô xanh, thông minh và phát triển bền vững.

Đô thị thông minh - hướng đi không thể khác của Hà Nội

Ngày 01/08/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 950/QĐ-TTg về việc Quyết định phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là một Quyết định chiến lược của Chính phủ nhằm hướng đến phát triển toàn diện kinh tế - văn hóa – xã hội của đất nước.

Với mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.

Theo đó, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vực, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh, có khả năng lan tỏa. Hà Nội – trái tim của cả nước chính là một hạt nhân vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển này.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay còn gọi là Cuộc cách mạng 4.0 đã khiến cả thế giới thay đổi một cách chóng mặt. Hà Nội không nằm ngoài xu thế phát triển chung đó, nhiều kế hoạch phát triển đã được lãnh đạo, các ban, ngành Hà Nội đón đầu xu thế một cách vô cùng nhanh chóng, hiệu quả.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung trước đó đã khẳng định: Xây dựng thành phố thông minh là hướng đi bắt buộc của các đô thị lớn. Việc xây dựng chính phủ điện tử và thành phố thông minh sẽ giúp Hà Nội giảm chi phí quản lý của bộ máy chính quyền, chi phí của doanh nghiệp và là công cụ chính để cải cách hành chính. Với Hà Nội, xây dựng thành phố thông minh nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Thách thức đồng thời là thời cơ để Hà Nội vươn mình phát triển

Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội vừa nhận được văn bản và hồ sơ đề nghị thực hiện dự án đầu tư thành phố thông minh của các nhà đầu tư Việt Nam - Nhật Bản. Theo đó, dự án có quy mô 271,82ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc huyện Đông Anh. Tổng vốn đầu tư đăng ký vào khoảng 94.348 tỷ đồng (tương đương 4,138 tỷ USD). Trong đó vốn góp để thực hiện dự án là 14.260 tỷ đồng (625,4 triệu USD). Riêng Sumitomo (Nhật Bản) góp 50%, còn lại là các nhà đầu tư Việt Nam. Dự án là một khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại để ứng dụng công nghệ thông tin vào vận hành, quản lý khu đô thị xanh. Thành phố thông minh này sẽ có lõi chính là ga cuối của tuyến đường sắt đô thị số 2.

Một đô thị sạch là một đô thị xanh, Hà Nội đã triển khai thực hiện chương trình mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn (2016 - 2020), trong 02 năm 2016 - 2017, đến nay đã thực hiện trồng được gần 800 nghìn cây xanh. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã nhanh chóng hoàn thành các quy hoạch và phê duyệt dự án: Công viên Yên Sở, giai đoạn 1; Công viên Yên Hòa, Cầu Giấy. Đã khởi công các dự án Công viên Bắc Mai Dịch, Công viên trong Khu ĐTM Cầu Giấy; Công viên Thanh Xuân... Phát triển hạ tầng gắn liền với xây dựng lá phổi xanh cho thành phố thực sự là một bước đi đúng đắn, vững chắc.

Thực tế ghi nhận trong thời gian qua, cử tri và nhân dân đã nhận thấy được sự sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền thành phố, đặc biệt là trong việc cải cách thủ tục hành chính. Hà Nội cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng trong hai năm qua, là địa phương duy nhất cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tới tất cả xã, phường, thị trấn. Không chỉ dừng lại ở quản lý hành chính.

Điển hình như tại quận Long Biên là một trong những đơn vị đi đầu của thành phố trong ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Các cán bộ, công nhân viên chức của quận đều thành thạo ứng dụng dùng chung trong công việc. Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 thuộc thẩm quyền ngay tại cấp phường.

Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho biết: “Trong công tác quy hoạch kiến trúc, việc đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính đăng ký qua mạng được Sở hết sức chú trọng. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật đặc biệt là công nghệ thông tin vào quản lý đô thị. Ứng dụng công nghệ thông tin với sự phối hợp trách nhiệm của các cấp, ngành, công nghệ xử lý bản đồ và GIS...”.

Việc hình thành hệ thống giao thông thông minh của ngành giao thông vận tải là một phần quan trọng trong định hướng đưa Thủ đô thành đô thị thông minh. Hệ thống Giao thông thông minh sẽ là nền tảng và là trục tích hợp cho toàn bộ các đối tượng, dịch vụ giao thông thành một thể thống nhất, phục vụ vận hành, khai thác và quản lý hiệu quả cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp vận tải và người dân.

Trong thời gian qua, Thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông thông minh, trong đó tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông, các phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành và tổ chức giao thông, xử lý vi phạm về giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe IPARKING; lắp đặt hệ thống camera giám sát theo dõi giao thông và xử lý vi phạm giao thông cho gần 200 nút giao thông trọng điểm; Một số bãi đỗ xe cao tầng thông minh với công nghệ hiện đại đã được đầu tư hình thành.

Đặc biệt phải kể đến việc đầu tư hoàn thành dự án “Nâng cấp Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi - giai đoạn 1” vào tháng 10/2014, với mục tiêu nhằm từng bước hiện đại hóa Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông với công nghệ tiên tiến, hiện đại, có khả năng kiểm soát, điều khiển linh hoạt tất cả các nút đèn tín hiệu giao thông từ trung tâm; tăng cường khả năng giám sát giao thông bằng hình ảnh để đảm bảo ANTT, ATGT trên địa bàn Thủ đô...

Thực hiện xây dựng đô thị thông minh không chỉ có những thuận lợi mà còn phải trải qua nhiều khó khăn, gặp nhiều rào cản lớn. Trả lời báo chí, ông Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng cho biết: “Phát triển hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng của người dân. Tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến... Hệ thống hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, công viên cây xanh đạt thấp so với quy chuẩn cũng là những rào cản rất lớn. Trong khi đó, hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị rất mỏng, phân tán, chưa số hóa trong khi tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh làm hạn chế khả năng thông minh hóa công tác quy hoạch đô thị cũng như quản lý phát triển đô thị”.

Tuy nhiên, với những thành tựu đã đạt được, đặc biệt là từ khi Hà Nội trải qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đang tự tin bước vào một xu thế mới, một vận hội mới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thách thức nhưng cũng là thời cơ để Hà Nội vươn mình sánh ngang với những thủ đô phát triển trên khắp thế giới.

Trâm Anh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/giao-thong-do-thi/ha-noi-quyet-tam-xay-dung-thu-do-xanh-thong-minh-ben-vung-43626