Hà Nội: Sẵn sàng xả nước để bảo vệ đê sông Bùi

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, nếu nước tiếp tục lên cao, cần thiết có thể báo cáo UBND thành phố phương án xả nguồn nước để giữ được đê Tả Tích, Tả Bùi.

Theo báo Tiền phong, ngày 31/7, UBND TP. Hà Nội họp giao ban công tác tháng 7 năm 2018. Báo cáo về tình hình phòng chống lũ tại địa bàn huyện Chương Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết đến thời điểm này, mực nước sông Bùi đã ổn định, đến sáng cùng ngày, mực nước là 7,42m, xuống được 10cm nước, tuy nhiên nước xuống rất chậm.

Nước sông Bùi nếu tiếp tục dâng cao sẽ đe dọa an toàn đê tả Bùi trên địa bàn xã Thanh Bình (Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: Trường Phong/báo Thanh niên

Lãnh đạo Sở NN&PTNT thông tin: Từ ngày 17/7-21/7 trên địa bàn thành phố có lượng mưa xấp xỉ 300mm/h, mưa trong điều kiện bất lợi do lúa vừa cấy xong. Do lượng mưa lớn ở Lương Sơn, Kim Bôi nên nước sông Bùi, sông Tích lên nhanh, tràn toàn bộ hệ thống đê Bùi, một phần đê Tả Tích, đê bao sông Tích cũng bị tràn. Vào cuối tháng 7 tiếp tục có đợt mưa lớn, mực nước sông Bùi, sông Tích tiếp tục dâng cao, mực nước cao hơn năm 2008, cao nhất hôm qua tại sông Bùi là 7,52m, cao hơn báo động số 3 là 1m; mực nước tràn qua đê Tả Bùi, Tả Tích.

Ông Mỹ cho biết sẽ phối hợp để khảo sát toàn bộ đê Hữu Bùi, Hữu Tích, đê bao, các xã của Quốc Oai, Thạch Thất nếu nước tiếp tục lên cao cần thiết có thể báo cáo UBND thành phố phương án xả nguồn nước để giữ được đê Tả Tích, Tả Bùi. Phối hợp bảo đảm cứu trợ cho đời sống người dân.

Theo báo VOV, nằm trong vùng rốn lũ của Hà Nội, những năm gần đây hầu như năm nào huyện Chương Mỹ cũng phải gồng mình gánh chịu những cơn lũ lớn gây thiệt hại nặng nề về tài sản, cơ sở vật chất, hạ tầng.

Hàng nghìn gia đình chịu cảnh ngập lụt, chìm sâu trong nước lũ; hàng nghìn héc-ta hoa màu, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, gia súc gia cầm... bị cơn lũ dữ hủy hoại.

Các khu vực ngập sâu nhất của huyện Chương Mỹ đó là các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến và Hoàng Văn Thụ hiện đang bị cô lập nhiều ngày nay với mức ngập sâu có nơi đường bị ngập đến gần 2m.

Cảnh ngập nước xảy ra ở Chương Mỹ hàng chục ngày nay, người dân phải bơi thuyền để đi lại sinh hoạt trong làng. Ảnh: Báo VOV

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội đã có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do đợt mưa lũ trên địa huyện Chương Mỹ. Theo đó, có hơn 12km đê, hồ, đập bị sạt lở; 35 cầu, cống bị hư hỏng.

Trên địa bàn huyện Chương Mỹ cũng có 3.629 hộ dân bị ngập nước, trong đó có 858 hộ bị ngập lối đi, 2.771 nhà bị ngập sâu trong nước từ 0,5-2m; 5.167 người phải đi sơ tán. Ngoài ra, còn có hàng chục công trình đình chùa, trường học bị ngập, hư hỏng.

Trước tình hình trên, chiều 31/7, Huyện ủy Chương Mỹ đã có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị liên quan đề nghị tập trung ứng phó với mưa lớn trên địa bàn.Văn bản nêu rõ, hiện nay nước ở thượng lưu các sông tiếp tục dồn về, mực nước ở các sông dâng cao tới mức nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng đến các tuyến đê trên địa bàn huyện.

Để khẩn trương ứng phó với những diễn biến bất thường của tình hình mưa, lũ, ngập úng trên địa bàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra, Ban Thường vụ huyện Chương Mỹ yêu cầu các đơn vị liên quan dừng ngay các hội nghị, hội họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với tình hình mưa lũ, ngập úng đang diễn ra trên địa bàn.

UBND huyện, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, cùng các đơn vị liên qua tiếp tục theo dõi tình hình mưa, lũ, ngập úng trên địa bàn huyện; thường xuyên kiểm tra các tuyến đê, hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn, kịp thời nắm bắt và có biện pháp khắc phục ngay các điểm đê xung yếu có nguy cơ tràn, vỡ, lở.

Đặc biệt, Huyện ủy Mỹ Đức yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động triển khai các phương án sơ tán các hộ dân ra khỏi vùng ngập úng khi có chủ trương. Phương án sơ tán dân phải cụ thể, rõ ràng và phải đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho nhân dân khi sơ tán đến địa điểm mới, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Hồng Minh (Tổng hợp)

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/ha-noi-san-sang-xa-nuoc-de-bao-ve-de-song-bui-104872