Hà Nội sẽ có các giải pháp thu hút đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp, nông thôn

Nhiệm kỳ tới Hà Nội vẫn xác định việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm. TP sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và triển khai một loạt giải pháp. Trong đó, tiếp tục gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua các kênh chế biến, lưu thông, phân phối; thu hút mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…

Đây là một trong những nội dung được Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại Hội nghị làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ NN&PTNT về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ NN&PTNT và UBND TP.

Đánh giá, phân hạng trên 300 sản phẩm OCOP

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội là Thủ đô, đô thị đặc biệt, song ngành nông nghiệp vẫn có vai trò hết sức quan trọng. Toàn TP có 30 quận, huyện, thị xã nhưng vẫn còn 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận còn sản xuất nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp chiếm 58%. TP có tới khoảng 50% dân số sống ở khu vực nông thôn. Vì vậy, trong những năm qua, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 02 về lĩnh vực này do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Riêng trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp của TP tăng trưởng 2,5%. Hà Nội cũng có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước, cuối năm nay, dự kiến đạt 368-371 xã (chiếm 96% số xã). Thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn cũng đạt khoảng 55 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Thủ đô vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Vì vậy, Bí thư Thành ủy mong muốn thông qua buổi làm việc với Bộ NN&PTNT sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, giúp TP chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, thu hút nhiều hơn các DN, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch 2 bên sông Hồng và các dòng sông khác của Hà Nội.

Báo cáo tại buổi làm việc về kết quả phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, thời gian qua, hai bên đã có những quan tâm, chỉ đạo, phối hợp triển khai có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, kế hoạch liên quan đến NN&PTNT trên địa bàn TP.

Đến nay, toàn TP đã cơ cấu diện tích lúa được chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao, dự kiến, đến hết năm 2020 đạt 60%; quy hoạch diện tích sản xuất bưởi đạt 6.749ha, giá trị sản xuất đạt từ 500-650 triệu đồng/ha/năm. Toàn TP cũng hình thành 60 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn, với tổng diện tích 7.229ha (diện tích quy hoạch là 9.167ha)…

Cùng với xây dựng nông thôn mới, Hà Nội cũng tập trung thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Năm 2019, TP đã đánh giá, phân hạng tổng số 301 sản phẩm, trong đó, có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 207 sản phẩm 4 sao và 88 sản phẩm 3 sao (đạt 100,3% kế hoạch năm 2019). Dự kiến, năm 2020, hoàn thiện và tổ chức đánh giá, phân hạng 700 sản phẩm trở lên. Ngoài ra, Hà Nội duy trì và phát triển 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đã cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 8 cơ sở với 18 điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi nông sản an toàn được sản xuất trên địa bàn TP và các địa phương lân cận...

Hà Nội đặt mục tiêu tới năm 2025, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 2,5%/năm trở lên; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 70% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của TP; toàn TP có 100% các huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 65 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1% (theo tiêu chí mới)...

Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội kiến nghị, đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ trong tổ chức sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp; quy hoạch đê điều, phòng chống lũ; xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại xã Yên Thường (huyện Gia Lâm); hỗ trợ, xúc tiến kêu gọi các đơn vị đầu tư chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm; thúc đẩy chăn nuôi, tái đàn lợn; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: H.K

Nông nghiệp Hà Nội đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của cả nước

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường ghi nhận những kết quả toàn diện trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân của Hà Nội. Những kết quả của Hà Nội đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng ngành nông nghiệp của cả nước.

Thời gian tới, Bộ sẽ cử lực lượng khoa học chuyên môn cao nhất từ các Viện trực thuộc, tập trung cùng với TP tổng rà soát để tổ chức triển khai Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng-Thái Bình. Trong đó, những vấn đề bức xúc sẽ được ưu tiên đánh giá trước để xử lý riêng trên tinh thần là phải nhanh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp Hà Nội trước hết phải đặt mục tiêu đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường Thủ đô, với những sản phẩm ngon nhất, chất lượng nhất. Nông nghiệp Thủ đô cũng phải ở vị trí trung tâm và có sự lan tỏa ra cả nước... Người nông dân Thủ đô cũng phải là nông dân 4.0, thu hút được người tài vào tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp…

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, Hà Nội xác định việc thực hiện Chương trình 02 mới trong nhiệm kỳ tới vẫn là một trọng tâm, với định hướng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ gắn với phát triển du lịch, dịch vụ.

Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và triển khai một loạt giải pháp, trong đó, tiếp tục gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua các kênh chế biến, lưu thông, phân phối. Song song đó, TP tiếp tục tổ chức các chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm chất lượng với các tỉnh, TP trong và ngoài Vùng đồng bằng sông Hồng. Tổ chức hiệu quả việc tiêu thụ nông sản; đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, TP cũng có các giải pháp để thu hút mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến cho sản xuất, hướng tới mục tiêu Hà Nội là trung tâm khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến và giống cây trồng, vật nuôi của cả nước.

Đối với vấn đề thúc đẩy sản xuất trong điều kiện hậu Covid-19, Bí thư Thành ủy cảm ơn Bộ NN&PTNT đã chấp nhận với đề xuất của Hà Nội trong việc tạo điều kiện để các DN của Thủ đô nhập khẩu lợn giống và thương phẩm. Hà Nội rất mong muốn hợp tác với các cơ quan chức năng của Bộ trong vấn đề này.

Phong Châu

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-se-co-cac-giai-phap-thu-hut-dau-tu-manh-me-vao-nong-nghiep-nong-thon-201110.html