Hà Nội sẽ gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực của nền kinh tế

Tại Kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải đã phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ những ý kiến của đại biểu HĐND TP. Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải giải trình, làm rõ những ý kiến của đại biểu HĐND TP.Hà Nội tại kỳ họp Ảnh: Diệu Hoa

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý thu tiền sử dụng đất

Làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm, trong đó liên quan đến thu ngân sách và khơi thông nguồn lực của nền kinh tế, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, nguồn thu từ đất đai là tồn tại hạn chế năm 2023. Thành phố sẽ nỗ lực triển khai thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất; nguồn thu từ quỹ đất quy hoạch 2 bên tuyến đường Vành đai 4; nguồn thu từ phát triển mô hình đô thị TOD và nguồn thu từ quản lý, khai thác tài sản công.

Theo ông Hà Minh Hải, các khoản thu từ nhà, đất 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục đạt thấp so với dự toán và suy giảm mạnh so với cùng kỳ do một số nguyên nhân chủ yếu về kinh tế - xã hội. Ngay từ cuối quý II/2022, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng, hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng... đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn, các dự án đang triển khai phải tạm dừng.

Số dự án còn lại cần tiếp tục xử lý vẫn còn khá lớn: 50/135 dự án chưa được giao đất; 150/404 dự án đã được giao đất tiếp tục cần các cơ quan hậu kiểm, giám sát việc xử lý; 93/173 dự án do các quận, huyện, thị xã phát hiện đề xuất. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội trực tiếp chủ trì làm việc với các sở, ngành để xem xét, chỉ đạo xử lý, giải quyết cụ thể đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn từng quận, huyện, thị xã.

Thời gian qua, UBND thành phố đã làm việc với các quận, huyện: Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy. Ngay sau kỳ họp HĐND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố tiếp tục làm việc với các quận, huyện có nhiều dự án chậm, như: Hoàng Mai, Long Biên, Hoài Đức...

Chính sách pháp luật không quy định về cơ sở điều chỉnh giá khởi điểm trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, giá khởi điểm để đấu giá cao so với thị trường. Việc tạo lập quỹ đất còn khó khăn do công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất chưa nhận được sự đồng thuận; việc xác định vị trí, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận 2 bên tuyến đường để đấu giá quyền sử dụng đất còn khó khăn… Nhiều đơn vị tư vấn từ chối tham gia công tác xác định giá khởi điểm hoặc tiến hành chậm do tâm lý e ngại trách nhiệm trong công tác xác định giá khởi điểm.

Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm, UBND thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đề xuất, triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý thu tiền sử dụng đất nói chung, đặc biệt là trong công tác đấu giá đất làm cơ sở tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện đấu giá theo kế hoạch trong 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo” - ông Hà Minh Hải cho biết.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung quyết liệt kiểm tra, thu hồi các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai (hơn 712 dự án, tổng diện tích đất được cấp cho các dự án trên là hơn 5.000ha) để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tập trung thu hút các nguồn lực để phát triển (qua rà soát, đã giảm được 419 dự án (tương đương 58,8%) của tổng số 712 dự án chậm triển khai).

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Diệu Hoa

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Về việc chuẩn bị đầu tư các dự án giai đoạn sau, UBND thành phố cần thiết có cơ chế đặc thù để khắc phục tình trạng chậm trễ trong triển khai công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, chuẩn bị tốt cho các dự án giai đoạn sau, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm, quan trọng của thành phố giai đoạn 2026 - 2030. Hà Nội xác định đây là một trong những chính sách đặc thù, đột phá của thành phố trong thời gian tới, nhất là để chuẩn bị thực hiện đối với các dự án trọng tâm, trọng điểm, dân sinh bức xúc.

UBND thành phố sẽ chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm rà soát để đề xuất, bổ sung vào cơ chế chính sách trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); đồng thời cũng giao Sở Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất thêm những giải pháp phù hợp, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Về Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực là một trong những kế hoạch lớn của thành phố, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, từ nay đến giữa năm 2025 là phải tập trung cao độ triển khai thực hiện để chuẩn bị cho đánh giá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, đặc biệt là gắn với việc thực hiện chỉ tiêu, mục tiêu Đại hội. Kế hoạch này do rất nhiều đơn vị tổ chức triển khai thực hiện.

UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phải khẩn trương xây dựng lộ trình, giải pháp cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII trong lĩnh vực di tích, giáo dục, y tế; xác định đây là nội dung quan trọng, cần phải thực hiện ngay...

TP. Hà Nội đang triển khai quyết liệt các giải pháp để tạo cơ chế và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là thành lập tổ công tác đặc biệt do chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ theo Chương trình của Chính phủ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Ưu đãi về thuế, phí, tín dụng; hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp theo quy định của thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của các quỹ trên địa bàn…

Diệu Hoa

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ha-noi-se-go-vuong-mac-khoi-thong-nguon-luc-cua-nen-kinh-te-131320.html