Hà Nội: Sẽ sáp nhập phường, 'xóa sổ' Hội đồng nhân dân?

Cho ý kiến vào Đề án xây dựng mô hình chính quyền đô thị Hà Nội, bí thư, chủ tịch phường cho rằng nên sáp nhập một số phường, 'xóa sổ' hội đồng nhân dân cấp phường, xã vì hoạt động không hiệu quả.

Sáp nhập phường, xã, thị trấn

Cụ thể, ông Võ Nguyên Phong - Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho rằng, hiện nay, quy mô các đơn bị hành chính xã, phường, thị trấn như hiện nay là không phù hợp bởi mọi thứ đã thay đổi, từ cơ sở hạ tầng đến năng lực, trình độ của cán bộ, công chức và nhân dân. Do đó, không nên giữ quy mô (diện tích và cư dân), đặc biệt là quy mô của các đơn vị hành chính cấp xã.

Theo đó, các xã, phường, thị trấn cần phải có quy mô bằng hai hoặc ba lần so với hiện tại. Tương tự, quy mô đối với một số tỉnh, huyện trên địa bàn cả nước cũng cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với sự phát triển và sự phân cấp quản lý.

Ông Võ Nguyên Phong - Chủ tịch UBND quận Đống Đa, TP.Hà Nội

Theo ông Phong, việc mở rộng quy mô các đơn vị hành chính và tổ chức lại các cơ quan chính quyền địa phương có nhiều cái lợi, vừa giảm bớt được các đơn vị hành chính mà lại thuận lợi cho việc quản lý hơn nhất là các đơn vị hành chính cấp phường.

Cụ thể, giảm bớt được số lượng các đơn vị hành chính, việc quản lý thuận lợi hơn, nhất là các đơn vị hành chính cấp phường. Cùng với đó, giảm bớt đáng kể số lượng đội ngũ những người nhận lương từ ngân sách nhà nước, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức.

“Với quy mô đơn vị hành chính như hiện nay, số lượng các cơ quan chính quyền nhiều, tương ứng với số lượng cán bộ, công chức, số lượng cán bộ làm trong các cơ quan của Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ... cũng sẽ nhiều. Do đó, làm tăng đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước” – ông Võ Nguyên Phong – Chủ tịch UBND quận Đống Đa

"Nếu sáp nhập, các đơn vị hành chính sẽ lớn còn số lượng đơn vị hành chính sẽ ít đi, đội ngũ cán bộ, công chức trong một đơn vị hành chính có thể tăng lên, nhưng tổng số cán bộ, công chức, những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước của cả nước sẽ giảm đi đáng kể. Khi số lượng cán bộ, công chức, cũng như số lượng những người hưởng lương từ ngân sách giảm bớt, sẽ có điều kiện để nâng lương cao hơn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, đồng thời có thể giảm bớt số người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, nâng cao hơn trách nhiệm công vụ của họ” - ông Phong thông tin.

Bên cạnh đó, việc sáp nhập các đơn vị hành chính lại với nhau tạo điều kiện phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho địa phương nhất là cấp phường và áp dụng được nhiều thành tựu khoa học, công nghệ vào quản lý.

"Do quy mô các đơn vị hành chính, nhất là đơn vị hành chính cấp phường đã lớn hơn, việc phân cấp, phân quyền cho các đơn vị hành chính và chính quyền của mỗi đơn vị đó sẽ nhiều hơn, tạo điều kiện cho họ chủ động và có đủ quyền hạn để có thể giải quyết được hầu hết các vấn đề liên quan đến địa phương mình và việc áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào hoạt động quản lý nhà nước sẽ có điều kiện tốt hơn" - ông Phong lý giải.

Ngoài ra, vị Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho rằng, do sự phát triển kinh tế xã hội, sự phát triển của giao thông, thông tin liên lạc, sự phụ thuộc, gắn kết giữa các địa phương với nhau ngày càng nhiều. Cho nên việc sáp nhập các phường liền kề với nhau thành các đơn vị hành chính lớn hơn sẽ dễ dàng vì các đơn vị hành chính này không có sự khác biệt đáng kể và có mối liên hệ mật thiết với nhau về nhiều phương diện như kinh tế, văn hóa, giao thông, điện nước,v.v...

Muốn "xóa sổ" hội đồng nhân dân

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Quang Trung (quận Đống Đa) đánh giá, về bản chất quyền hạn của HĐND cấp phường rất lớn, nhưng thực tế không thể hiện được nhiều ngoài chức năng giám sát thì HĐND cấp phường phần lớn công việc làm theo “chỉ đạo” của cấp trên. Do đó, ông Tuấn cho rằng ở cấp TP nên tổ chức cả HĐND, còn cấp quận và phường nên bỏ.

“Khi bỏ HĐND, nhiều người băn khoăn đơn vị nào sẽ đại diện nhân dân thực hiện chức năng giám sát. Thực tế, có rất nhiều cơ quan, tổ chức sẽ làm thay chức năng này của HĐND. Nhưng cái quan trọng nhất vẫn là sự giám sát của người dân, họ có thể giám sát 360 ngày trong năm” - ông Tuấn bày tỏ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Quang Trung ( Đống Đa, Hà Nội).

Ông Đinh Nguyên Mạnh – Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND phường Thổ Quan cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng các đại biểu HĐND phần lớn là cán bộ hưu trí, tuổi cao không có kinh nghiệp hoạt động dẫn đến HĐND quận, phường hoạt động không hiệu quả.

“Ngân sách của quận, phường chủ yếu được điều tiết chứ HĐND không có quyền quyết. Còn khi giám sát, các đại biểu thường làm theo gợi ý của Chủ tịch hay Phó Chủ tịch HĐND. Khi chất vấn, đại biểu cũng được giao hoặc gợi ý cả câu hỏi”, ông Mạnh nói và đề nghị bỏ HĐND cấp phường

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tùng – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Đống Đa cũng thống nhất phương án không tổ chức HĐND cấp phường. “Thử hỏi 100 người dân, liệu có ai biết đại biểu HĐND cho mình là ai không. Theo tôi rất ít người biết. Như vậy HĐND đang hoạt động không hiệu quả” - ông Tùng quả quyết.

Ông Chủ tịch UBND quận Đống Đa cũng cho rằng, nên thực hiện phương án không tổ chức HĐND phường mà chỉ có UBND. Đây là phương án có tính khả thi, tinh gọn được bộ máy mà vẫn đảm bảo tổ chức và thi hành hiến pháp và pháp luật trên địa bàn phường; đồng thời vẫn thực hiện được nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở phường.

Theo đó, vị Chủ tịch quận Đống Đa nhấn mạnh: "Nên tổ chức cơ quan hành chính quận, phường, thị xã theo thiết chế thủ trưởng hành chính đứng đầu là quận trưởng, phường trưởng, thị trưởng thay vì thiết chế UBND như hiện nay. Cụ thể, thiết chế thủ trưởng hành chính được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn quận, phường, thị xã".

Hoàng Thành

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/ha-noi-se-sap-nhap-phuong-xoa-so-hoi-dong-nhan-dan-862656.html