Hà Nội sẽ sớm ban hành cơ chế đấu giá đất, tránh trục lợi

Sáng 5/7, kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã khai mạc, nhằm xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022 và các nội dung quan trọng khác. Dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Tại phiên làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã kiến nghị có chế tài xử lý các trường hợp gây nhiễu loạn đấu giá thị trường bất động sản, đấu giá với giá trúng cao nhiều hơn giá thị trường sau đó không thực hiện kết quả đấu giá. Theo các đại biểu Hội đồng nhân dân Hà Nội, cần thay đổi cơ chế đấu giá đất để tránh hành vi trục lợi.

Hiện có 143 dự án, khu đất đang chuẩn bị các thủ tục để đấu giá. Phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong công tác này, ông Bùi Duy Cường - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chia sẻ, công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất để thực hiện các dự án đấu giá quyền sử dụng đất chưa thực sự nhận được sự đồng thuận cao của người dân bị thu hồi đất. Việc phát sinh các thủ tục hành chính trong công tác đấu giá và công tác xác định giá khởi điểm còn chậm, nhiều nội dung vướng mắc trong chính sách giá khởi điểm nên nhiều dự án bồi thường giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn.

Ông BÙI DUY CƯỜNG, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội:Công tác xác định giá khởi điểm còn chậm. Nhiều nội dung vướng mắc trong chính sách xác định giá khởi điểm như phải xác định giá cụ thể với các phương pháp trực tiếp, so sánh, chiết trừ, thặng dư và gặp rất nhiều khó khăn khi xác định. Về hạn chế, các đơn vị được giao chủ đầu tư còn thiếu chủ động trong việc thực hiện các quy trình, thủ tục liên quan đến công tác đấu giá. Các đơn vị tham gia thực hiện có tâm lý e ngại, do sợ vi phạm các quy định, dẫn đến các thủ tục hành chính thực hiện việc đấu giá còn chậm”.

Ông NGUYỄN THANH XUÂN, Bí thư Quận ủy Hà Đông: Có một đề xuất là trước đây có quy định đấu giá của Hà Nội là chúng ta được đấu giá theo từng lô nhưng tôi nắm bắt qua ủy ban báo cáo công tác trong lúc giao ban thì thấy hiện nay phải mở phiên từng thửa. Như vậy cũng có mặt thuận lợi nhưng quan điểm cá nhân của tôi là rất lâu. Cả một phiên đấu giá từng thửa thì cả ngày không đấu giá được bao nhiêu mà đấu giá từng thửa thì việc bảo mật thông tin, bảo mật khách hàng cũng khó khăn hơn so với đấu giá từng lô. Do vậy, rất dễ xảy ra trường hợp ta bị lộ, lọt thông tin dẫn tới thông đồng trong công tác đấu giá".

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định; cho phép thực hiện thí điểm đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất và không thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất, nên sau khi trúng thầu xong thì nhà đầu tư thực hiện thỏa thuận giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, tiếp tục đề xuất sửa đổi Luật Đất đai quy định rõ các dự án thu hồi đất giải phóng mặt bằng không đầu tư hạ tầng thực hiện đấu giá dùng vốn thông qua quỹ phát triển đất với dự án đấu giá quỹ sử dụng đất, có chế tài xử lý các trường hợp gây nhiễu loạn đấu giá thị trường bất động sản, đấu giá với giá trúng cao nhiều so với giá thị trường sau đó không thực hiện các kết quả đấu giá.

Thực hiện : Hải Yến Tùng Dương

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ha-noi-se-som-ban-hanh-co-che-dau-gia-dat-tranh-truc-loi