Hà Nội: Số ca tay chân miệng tăng gấp 4, đặc biệt chú ý 3 dấu hiệu này

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 721 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng tuần từ 13-19/6, thành phố ghi nhận 135 ca mắc, rải rác ở khắp các quận huyện như Sóc Sơn, Mê Linh, Chương Mỹ, Đống Đa, Thanh Trì, Đông Anh, Ba Vì. Hầu hết bệnh nhân nhẹ, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Ghi nhận của VOV tại khoa Cấp cứu Nội - Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, số trẻ bị sốt, nôn, nhiễm khuẩn tiêu hóa, tay chân miệng… nhập viện viện gia tăng thời gian qua. Trung bình một ngày, khoa tiếp nhận 20 - 25 bệnh nhi, với số lượng trẻ cần nhập viện để điều trị chiếm khoảng 60%.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ đến khám vì tay chân miệng cũng gia tăng. Trong tháng 4 và tháng 5, Bệnh viện ghi nhận có 776 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đến khám, tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó. Trong số đó có 114 trẻ phải nhập viện điều trị.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), số ca tăng là tất yếu khi trẻ quay lại trường học. Trong khi đó, tay chân miệng là bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, qua tiếp xúc, giọt bắn. Tuy nhiên, số ca chỉ tăng nhẹ, phân bố rải rác ở nhiều quận huyện, không có ổ dịch lớn.

Ông Tuấn so sánh, giai đoạn năm 2018-2019, số ca tay chân miệng có lúc lên đến 3.000, nhiều ổ dịch phức tạp, nguy hiểm gấp 4 đến 5 lần hiện nay.

Lãnh đạo CDC Hà Nội khẳng định mức tăng hiện nay chỉ cao so với với năm ngoái và vẫn trong tầm kiểm soát. Do trong năm 2021, ảnh hưởng bởi việc cách ly diện rộng, học sinh nghỉ học tập trung nên số trẻ mắc giảm mạnh.

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Ảnh minh họa.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra, do hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi.

Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Với Coxsackievirus A16 thường gặp vào mùa hè và giao mùa.

Bệnh có thể kéo dài 3 đến 10 ngày với các triệu chứng điển hình như loét miệng, phát ban phỏng nước, sốt nhẹ, nôn, nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ 2 đến 5 ngày của bệnh.

Thời gian ủ bệnh thường từ 3 đến 7 ngày, giai đoạn khởi phát từ 1 đến 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Hiện chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng, do vậy, phụ huynh cần chú ý 3 dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh diễn biến nặng:

- Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt.

- Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

Nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng nêu trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên chủ quan tự theo dõi ở nhà, tránh hậu quả đáng tiếc.

Để phòng bệnh hiệu quả, bác sĩ còn khuyến cáo các bậc phụ huynh thực hiện và hướng dẫn trẻ khi đi học về cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy.

Đối với người lớn, chăm sóc trẻ cũng cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; vật dụng ăn uống được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; dùng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Các gia đình khi có con mắc tay chân miệng cần báo ngay cho trường học để có phương án vệ sinh các bề mặt, dụng cụ mà trẻ đã từng tiếp xúc, đồng thời theo dõi sức khỏe của các bé đã tiếp xúc với trẻ mắc bệnh.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ha-noi-so-ca-tay-chan-mieng-tang-gap-4-dac-biet-chu-y-3-dau-hieu-nay-a557695.html