Hà Nội: Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng dần qua các năm dù dịch Covid-19

Giai đoạn 2016-2021, Hà Nội đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn.

Rào cản tham gia bảo hiểm do mức hỗ trợ còn thấp

Chiều ngày 12/9, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Xã hội làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2021 và việc thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế - xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Tại buổi làm việc, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã báo cáo về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2021.

Ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh: Quochoi.vn).

Ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh: Quochoi.vn).

Theo đó, ông cho biết, số người tham gia bảo hiểm xã hội hàng năm của thành phố đều đạt và vượt kế hoạch được giao. Năm 2016, số người tham gia bảo hiểm xã hội là 1.433.704 người đến năm 2021 là 1.926.377 người, tăng 34,36% so với năm 2016. Năm 2020 và năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội vẫn đạt được kết quả tích cực, số người tham gia bảo hiểm xã hội năm 2020 tăng 47.074 người (tăng 2,6%) so với năm 2019; năm 2021 tăng 80.366 người (tăng 4,4%) so với năm 2020.

Đánh giá, xác định số lao động, số doanh nghiệp thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa tham gia, ông Chử Xuân Dũng cho biết: Đối với các đơn vị chưa tham gia bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội thành phố rà soát 65.091 đơn vị với 352.494 lao động. Kết quả rà soát, khai thác mới 10.381 đơn vị với 30.840 lao động. Đối với đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội chưa đầy đủ cho người lao động: bảo hiểm xã hội thành phố rà soát 98.624 đơn vị với trên 2 triệu lao động. Kết quả rà soát, 7.188 lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng cho biết, đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng dần qua các năm, năm 2018 có 21.247 người tham gia đến năm 2021 đã có 63.304 người tham gia, tăng 42.057 người tương ứng tăng 197,9% so với năm 2018.

Về tình hình và kết quả thu - chi bảo hiểm xã hội từng năm trong giai đoạn 2016-2021, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ, hằng năm, Bảo hiểm xã hội thành phố luôn hoàn thành chỉ tiêu thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao, số thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2021, tổng thu tăng 66,97% so với năm 2016. Giai đoạn 2016-2021, Bảo hiểm xã hội thành phố chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho gần 10 triệu lượt người hưởng. Số lượt người hưởng từ nguồn Ngân sách nhà nước bảo đảm là 1.316.409 lượt người; số lượt người hưởng từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm là 5.390.106 lượt người. Trong giai đoạn từ 2016-2021, Bảo hiểm xã hội thành phố đã chi trả từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho 3.255.324 lượt người.

Đưa ra ý kiến về nội dung này, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát cũng lưu ý, công tác này còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể, các đối tượng lao động tự do có thu nhập không ổn định còn gặp nhiều khó khăn, rào cản trong tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi mức hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ ngân sách còn thấp, quyền lợi hưởng chỉ có 02 chế độ là hưu trí và tử tuất, thời gian tham gia để được hưởng chế độ hưu trí kéo dài 20 năm.

Cần có giải pháp với đơn vị doanh nghiệp “ma”

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng cần có giải pháp phù hợp để hạn chế tình trạng nhiều đơn vị có đăng ký thành lập, mã số thuế nhưng không tồn tại ở địa chỉ kinh doanh đã đăng ký, thành lập trong thời gian ngắn rồi giải thể.

Các đại biểu Quốc hội cũng cho biết, Hà Nội hiện có số lượng khá lớn lao động phi chính thức, nên cần quan tâm thu hút lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội… Nhấn mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện chính sách pháp luật là rất quan trọng, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội của thành phố phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan quản lý về thuế, kế hoạch đầu tư, lao động, thương binh, xã hội, an ninh trật tự.

Các thành viên Đoàn giám sát đưa ra ý kiến tại cuộc làm việc. (Ảnh: Quochoi.vn).

Bên cạnh đó, các thành viên Đoàn giám sát, các đại biểu cũng chỉ ra rằng việc xử lý đối với doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động… vẫn là một vấn đề nan giải.

Ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội của một số đơn vị sử dụng lao động chưa cao; nhiều đơn vị hoạt động cầm chừng dẫn tới nợ kéo dài. Vẫn còn có những doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội và không chấp hành các Quyết định, kết luận thanh tra, kiểm tra, tiếp tục nợ kéo dài ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Một số ý kiến trong Đoàn giám sát đề nghị cần tiếp tục chú trọng hơn nữa, đa dạng hóa phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, các thành viên Đoàn giám sát cũng kiến nghị các cơ quan hữu quan sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện các thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, một số ý kiến từ các chuyên gia cũng nêu thực trạng, trong thời gian đầu khi triển khai chính sách hỗ trợ, quy định trong thành phần hồ sơ của một số thủ tục chưa phù hợp với thực tế; một số khái niệm về đối tượng, nghề nghiệp chưa rõ ràng… khiến quá trình xét duyệt hồ sơ cho người lao động và nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp gặp khó khăn.

Trong công tác thẩm định các điều kiện để hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn, đa số các trường hợp không có cơ sở để kiểm tra, xác minh, mà chủ yếu dựa vào thông tin do người lao động, người sử dụng lao động cung cấp, nên dễ phát sinh trường hợp trùng hưởng chính sách.

Đảm an sinh xã hội cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh

Về việc thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế - xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, đối với công tác chuyên môn phòng, chống dịch, thành phố đã thực hiện được hơn 7,7 triệu xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR; giám sát hơn 14 triệu trường hợp dương tính được xác định bằng test nhanh kháng nguyên. Tính đến ngày 04/9/2022, Hà Nội đã tiếp nhận, phân bổ 17.949.623 liều vắc-xin, trong đó đã sử dụng 17.846.048 liều (99,4%), hiện còn 103.575 liều (0,6%) đang tiếp tục triển khai tiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế.

Về công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai hiệu quả việc quản lý, thu dung, điều người bệnh Covid-19, đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn, từng cấp độ dịch.

Kết quả cụ thể, tổng số bệnh nhân điều trị là 1.622.503 ca trong đó, 1.616.825 người đã khỏi bệnh; 1.401 người tử vong (tỉ lệ 0,086%, thấp hơn so với tỉ lệ tử vong chung trên cả nước là 0,4%).

Đối với việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội theo các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh, thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tham mưu triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn thành phố trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Các quận, huyện, thị xã cũng đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác, hội đồng thẩm định hồ sơ để tiếp nhận, xét duyệt, thẩm định hồ sơ giải quyết chế độ hỗ trợ cho đối tượng đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch đúng theo quy định.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu ý kiến về việc giải quyết kịp thời các vướng mắc trong mua sắm vật tư y tế, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. (Ảnh: Quochoi.vn).

Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định ủy quyền giải quyết chính sách hỗ trợ cho các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện; xem xét rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết chính sách so với quy định của Trung ương. Bên cạnh việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương. Thành phố ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 (các chính sách cụ thể được nêu tại báo cáo tổng thể).

Thảo luận về nội dung này, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, công tác phòng, chống dịch và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được thực hiện tương đối nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, công tác mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 còn bất cập.

Các thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng, trong giai đoạn 2020-2021, một số bệnh viện bị thiếu hụt nguồn thu, ảnh hưởng tới cơ chế tự chủ, do vậy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần thể hiện trách nhiệm cao đối với các cơ sở y tế.

Các đại biểu tham dự cuộc làm việc. (Ảnh: Quochoi.vn).

Một số thành viên Đoàn giám sát đề nghị các đơn vị liên quan cần tiếp tục phối hợp giải quyết kịp thời các vướng mắc trong mua sắm vật tư y tế, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tại phiên làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị cần tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về việc thực hiện các biện pháp đặc biệt, đặc thù theo Nghị quyết 30, trong đó có biện pháp xét nghiệm diện rộng, việc thực hiện tiêm chủng, khả năng thích nghi, đáp ứng của các yếu tố kỹ thuật, phương pháp tổ chức thực hiện trong khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm, điều trị… qua đó, có được kinh nghiệm ứng phó cho các tình huống tương tự trong tương lai.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận. (Ảnh: Quochoi.vn).

Phát biểu kết luận phiên làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã nghiêm túc, kịp thời chỉ đạo triển khai kế hoạch giám sát của Ủy ban Xã hội, chuẩn bị các báo cáo tương đối đầy đủ theo yêu cầu của Đoàn.

Đoàn giám sát ghi nhận sự nỗ lực chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố trong việc kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện, làm tốt công tác tuyên truyền đối với các chính sách lớn, bảo đảm chăm lo đời sống an sinh xã hội của người dân, đặc biệt là đưa ra nhiều sáng kiến trong việc thực hiện các chính sách pháp luật này, huy động cả hệ thống chính trị thực hiện chính sách thông qua các chỉ thị, các kế hoạch, văn bản cụ thể, khả thi, bám sát tình hình thực tế của thành phố.

Mộc Hương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ha-noi-so-nguoi-tham-gia-bhxh-tu-nguyen-tang-dan-qua-cac-nam-du-dich-covid-19-post229598.gd