Hà Nội: Sự hài lòng của người dân là thước đo

Hai năm liên tiếp (2018, 2019), Hà Nội có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của thành phố đạt trên 80%; đạt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 'Bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt trên 80% vào năm 2020'.

Bức tranh khá toàn diện

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, công tác CCHC của thành phố tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Thành phố hoàn thành xây dựng và công bố 1.717 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các phường, xã, thị trấn (đạt 100%). Đến nay, thành phố đã đơn giản hóa 481 TTHC, với số chi phí tiết giảm khoảng trên 91 tỷ đồng/năm.

Chất lượng cung ứng dịch vụ công của thành phố ngày càng nâng cao

Năm 2019, các chỉ số thành phần trong kết quả Chỉ số CCHC của thành phố được đánh giá khá toàn diện, 6/8 chỉ số thành phần đạt kết quả trên 80%, cụ thể: Chỉ số thành phần “Công tác chỉ đạo điều hành CCHC” được 8/8,5 điểm (đạt 94,12%); chỉ số “Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật” 8,782/10 điểm (đạt 87,82); chỉ số “Cải cách thủ tục hành chính” 13/14 điểm (đạt 92,86%); chỉ số “Cải cách tổ chức bộ máy” 10,166/12 điểm (đạt 84,71%); chỉ số “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” 11,87/14 điểm (đạt 84,76%); chỉ số “Cải cách tài chính công” 9,245/12,5 điểm (đạt 73,96%); chỉ số “Hiện đại hóa nền hành chính” 10,835/13 điểm (đạt 83,35%); chỉ số “Đánh giá tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố” 12,742/16 điểm (đạt 79,64%).

Đáng chú ý, mặc dù là năm thứ 3 Chỉ số SIPAS được triển khai trên phạm vi toàn quốc, song TP. Hà Nội đã có 2 năm liên tiếp đạt chỉ số này trên 80% (năm 2017: 76,53%, năm 2018: 83%, năm 2019: 80,09%). Kết quả đã đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của thành phố.

Nâng cao chất lượng dịch vụ công

Để tiếp tục duy trì thứ hạng Chỉ số CCHC, nâng cao Chỉ số SIPAS của thành phố và khắc phục những chỉ số thành phần chưa được cải thiện, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính của các cơ quan, đơn vị thuộc TP. Hà Nội năm 2020.

Hài lòng về sự phục vụ hành chính giúp tăng thu hút đầu tư

Theo đó, thành phố sẽ đo lường Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức, thông qua khảo sát trực tiếp tổ chức, cá nhân giao dịch và đã nhận kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa của cơ quan, địa bàn từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm khảo sát. Sở Nội vụ chủ trì tổ chức triển khai thực hiện; Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội triển khai nghiệp vụ điều tra, khảo sát; nhập liệu, tổng hợp kết quả, xây dựng báo cáo nghiên cứu, phân tích. Thành phố cũng sẽ đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ ở một số lĩnh vực dịch vụ: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp phép xây dựng; dịch vụ y tế công; dịch vụ giáo dục công. Thời gian thực hiện từ tháng 8 đến hết năm 2020.

Thời gian tới, tiếp tục kiện toàn bộ phận “một cửa” các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn; rà soát, sử dụng cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn và tinh thần cao trong phục vụ nhân dân, kỹ năng giao tiếp để thực hiện tốt các nhiệm vụ. Tổ chức thanh tra, kiểm tra trong cung cấp dịch vụ công; xử lý nghiêm những trường hợp không thực hiện giải quyết TTHC theo đúng trình tự, thủ tục và thời gian quy định; những cán bộ, công chức gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ. Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, các kỹ năng trong giải quyết công việc hành chính và kỹ năng giao tiếp của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

TP. Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát các TTHC; tập trung rà soát quy trình thực hiện theo cơ chế “một cửa” liên thông; đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC; tổ chức khảo sát, điều tra, đo lường sự hài lòng và thu nhận ý kiến của người dân đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức…

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-su-hai-long-cua-nguoi-dan-la-thuoc-do-141585.html