Hà Nội tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn TP luôn nhận được sự quan tâm tích cực từ các cấp chính quyền, thế nhưng để mang lại hiệu quả thực sự cho công tác này thì cần sự vào cuộc của toàn xã hội…

Thời gian qua vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra tại trường mầm non Xuân Nộn (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) khiến hơn 200 trẻ và 3 giáo viên phải nhập viện đã được làm sáng tỏ, truy cứu rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Hiệu trưởng trường mầm non Xuân Nộn bị tạm đình chỉ công tác. Cty CP Sản xuất và Thương mại Nguyên Cát (địa chỉ Phố Và, phường Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh) - đơn vị cung cấp bánh ngọt nhiễm khuẩn Salmonella gây ra vụ ngộ độc - bị rút khỏi danh sách các cơ sở cung cấp thực phẩm trên địa bàn huyện Đông Anh. Ngoài ra, Cty này còn phải chịu xử phạt và bồi thường toàn bộ những tổn thất cả vật chất và tinh thần cho các trường hợp bị ngộ độc…

Theo ông Trần Văn Chung, PGĐ Sở Y tế Hà Nội, trước đây, mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm còn khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Nhưng với Nghị định 115/2018/NĐ-CP, hầu hết các hành vi vi phạm về ATVSTP đều bị xử phạt tăng từ 2 đến 3 lần. Có những hành vi mức xử phạt tăng gấp từ 7 đến 10 lần. Điều này được đánh giá là sẽ tạo ra được điểm mới trong việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

Bên cạnh những đợt ra quân của cơ quan chức năng thì việc người dân phát hiện những sai phạm được xem là kênh giám sát hiệu quả nhất trong việc bảo đảm ATVSTP.

Cũng vừa qua TP Hà Nội công bố những số liệu hết sức tích cực trong công tác quản lý Nhà nước về ATVSTP trên địa bàn TP trong quý 3-2018. Theo đó, trong quý 3-2018, cơ quan chức năng TP đã tổ chức 725 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATVSTP tại 24.125 cơ sở; số cơ sở đạt yêu cầu về điều kiện ATVSTP là 20.215.

Các đoàn thanh, kiểm tra đã xử phạt 2.024 cơ sở vi phạm với tổng số tiền gần 9,53 tỷ đồng, hủy sản phẩm của 184 cơ sở. Riêng Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức thanh kiểm tra 131 cơ sở, phát hiện 17 cơ sở vi phạm, lý do vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về nhãn hàng hóa, không đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm...

Ngoài ra, 30 trạm thú y ở các quận huyện đã kiểm tra 4.320 cơ sở, phát hiện 382 trường hợp vi phạm, xử phạt với số tiền hơn 552 triệu đồng. Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp liên ngành kiểm tra ATVSTP dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm tại 142 cơ sở.

Qua đó, xử lý vi phạm hành chính 20 cơ sở với tổng tiền phạt hơn 140,3 triệu đồng. Sở Công thương thanh tra, kiểm tra tại 8 DN, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 DN hơn 19,7 triệu đồng; kiểm tra xử lý 363 vụ vi phạm về ATVSTP, phạt hành chính gần 1,75 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 1,85 tỷ đồng...

Theo UBND TP Hà Nội, từ nay đến cuối năm, TP sẽ tiếp tục triển khai 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, các cấp, các ngành chủ động và phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSTP, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATVSTP.

Đồng thời, cơ quan chức năng triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATVSTP tại các quận, huyện, thị xã, và xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP; tăng cường quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP; xử lý vi phạm đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tiến tới xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ; kiên quyết xử lý các vi phạm ATVSTP tại các chợ, siêu thị trên địa bàn, đặc biệt tại các chợ cóc, chợ tạm.

Ông Trần Văn Chung cho rằng, tới đây, trong công tác thanh tra, kiểm tra, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kiểm nghiệm nhanh về ATVSTP cũng được tăng cường. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, điều quan trọng chính là ý thức của cả người bán và người mua, nói không với những điểm bán hàng mất ATVSTP. Bởi dù lực lượng thanh tra, kiểm tra có nhiều cũng khó có thể kiểm soát được hết nếu các chủ cửa hàng vẫn cố tình vi phạm.

Vì thế, kênh giám sát lớn nhất, hiệu quả nhất chính là người dân. Người dân khi phát hiện các sai phạm, thông tin đến cơ quan chức năng, yêu cầu xử lý cũng là tự bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-tang-cuong-cong-tac-bao-dam-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-128616.html