Hà Nội tăng cường phòng chống bệnh dại: Cần nâng cao ý thức của người dân

Thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã tăng cường tuyên truyền về phòng chống bệnh dại cho cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, khuyến cáo người dân đến ngay cơ sở y tế để khám và được tư vấn kịp thời khi bị chó, mèo cắn.

Cán bộ thú y tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó.

Chính quyền quyết liệt

Theo Sở Y tế Hà Nội, Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh dại. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan nên hằng năm, tại một số huyện ngoại thành, vẫn ghi nhận bệnh nhân tử vong do bệnh dại. Cụ thể, từ năm 2014 đến 2016, toàn thành phố ghi nhận 8 trường hợp tử vong do bệnh dại. 9 tháng năm 2017 ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại tại Quốc Oai và Ba Vì. Qua điều tra dịch tễ, tất cả các trường hợp tử vong đều bị chó cắn mà không được tiêm vắc xin phòng bệnh dại hoặc tiêm muộn.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút dại gây ra. Khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong hầu như là 100% (đối với cả người và động vật).

Nhận thức tầm quan trọng của việc phòng chống bệnh dại, Sở Y tế Hà Nội đã tăng cường tuyên truyền về phòng chống bệnh dại cho cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống bệnh dại; khuyến cáo người dân đến ngay cơ sở y tế để khám và được tư vấn kịp thời khi bị chó, mèo cắn.

Nhờ có sự tuyên truyền vận động tốt, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo đạt hơn 85% tổng đàn. Đối với các con chó, mèo nghi bị dại, khi phát hiện, các lực lượng chức năng tiến hành diệt để bảo đảm không gây nguy hại cho người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, cho biết, trong thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý chó nuôi, các đơn vị trong ngành sẽ quản lý chặt chẽ và nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán chó trong vùng dịch; thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng chống bệnh dại tại các địa bàn trọng điểm. Đồng thời rà soát số lượng chó, mèo nuôi trên địa bàn và kết quả tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo. Chú trọng công tác phòng bằng việc tổ chức các đợt tiêm phòng bổ sung nhằm bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% so với tổng đàn; tăng cường giám sát để phát hiện sớm bệnh dại trên động vật, ngăn chặn triệt để và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Người dân còn thờ ơ vì thiếu hiểu biết

Huyện Sóc Sơn hiện có khoảng 80.000 con chó, mèo, chiếm gần 20% tổng đàn chó, mèo toàn thành phố. Do địa hình trung du, bán sơn địa, đất đai rộng nên tập quán của nhân dân chủ yếu nuôi chó để giữ nhà, hầu hết là nuôi thả rông, gây khó khăn cho công tác quản lý đàn chó nuôi và tổ chức tiêm phòng dại. Năm 2013, huyện Sóc Sơn đã bùng phát dịch bệnh dại tại 4 xã Bắc Sơn, Nam Sơn, Việt Long, Minh Phú.

Ông Vương Xuân Thạch, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Sóc Sơn, cho biết, trong thời gian qua, huyện có 134 người bị chó nghi mắc bệnh dại cắn phải đi tiêm phòng, trong đó, riêng xã Bắc Sơn là 88 người. Ý thức của người dân về bệnh dại mặc dù dã được nâng lên rất nhiều, tuy nhiên nhận thức về tính nguy hiểm của bệnh dại vẫn chưa được người dân coi trọng. Hầu hết các gia đình nuôi chó đều thả rông, không được đeo rọ mõm, vì vậy, nguy cơ bị chó dại cắn là rất cao.

Hỏi về hiểu biết bệnh dại, cách phòng ngừa, chị Trần Thị Lan ở xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) cười cho biết: “Cứ đến đầu mùa hè là xã tổ chức tiêm phòng cho chó, mèo; còn nuôi chó thì cứ thả rông, làm gì có xích hay rọ mõm. Nói chung, người dân chưa quan tâm đến việc chó mắc bệnh dại này”.

Chính quyền thì quyết liệt trong việc phòng ngừa để ngăn chặn bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng, tuy nhiên, việc người dân còn thờ ơ với căn bệnh nguy hiểm này là vấn đề đáng được lưu tâm. Việc tuyên truyền đã được thực hiện một cách sâu rộng, nhưng nâng cao được ý thức của người dân trong việc phòng chống bệnh dại phải chăng cần những biện pháp quyết liệt hơn nữa.

Ngọc Thủy

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/ha-noi-tang-cuong-phong-chong-benh-dai-can-nang-cao-y-thuc-cua-nguoi-dan-post9670.html