Hà Nội: Tạo đột phá về chính sách để nâng cao vị thế Thủ đô trong lĩnh vực văn hóa, thể thao

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, để đạt được mục tiêu đưa văn hóa, thể dục, thể thao, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô thì các cơ quan Thành phố phải tập trung đổi mới tư duy, tạo bước đột phá về chính sách và các giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa, thể thao.

Sáng 3/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đã báo cáo sơ bộ tình hình thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian qua và cho biết 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sẽ triển khai trong thời gian tới.

Đáng chú ý, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ hoàn thiện dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội; xây dựng cơ sở dữ liệu văn hóa Thăng Long - Hà Nội trên nền tảng công nghệ 4.0; tham mưu Thành ủy xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy; tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố các chương trình, kế hoạch thực hiện cam kết với Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), của thành phố Hà Nội khi tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo; triển khai chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đặt mục tiêu hoàn thành công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức thi đấu tại SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11; phấn đấu đóng góp 30% lực lượng và 30% huy chương cho thể thao Việt Nam tại Đại hội.

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn, ông Trần Thế Cương nêu 5 nhóm kiến nghị với Thành phố. Trong đó, Sở kiến nghị Thành phố cho phép tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, thể thao như có chế độ đãi ngộ, tuyển dụng không qua thi tuyển đối với những nghệ sĩ, vận động viên có thành tích xuất sắc; tiếp tục xây dựng thiết chế thể dục, thể thao ngoài trời giai đoạn 2 để phục vụ nhân dân tập luyện, nâng cao sức khỏe…

Lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp của Sở Văn hóa và Thể thao như: Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long... cũng đã nêu những kiến nghị, trong đó mong muốn Thành phố sớm có nhà hát, tạo điều kiện cho các nhà hát biểu diễn thường xuyên, bán vé giá rẻ cho người dân vào xem...

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương báo cáo tại buổi làm việc

Sau khi nghe các đại biểu tham dự buổi làm việc trao đổi, thảo luận, phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, văn hóa, thể thao của Hà Nội còn dư địa, tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng hiện nay, lĩnh vực văn hóa, thể thao còn nhiều bất cập, hạn chế, yếu kém. Đầu tư phát triển lĩnh vực này chưa tương xứng, còn dàn trải, hiệu quả thấp.

Ông Vương Đình Huệ đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tập trung phân tích, đánh giá kỹ hơn về những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và xây dựng con người Hà Nội; trong đó, cần phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; trọng tâm là nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, mục tiêu của Thành phố là phải đưa văn hóa, thể dục, thể thao, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô; Hà Nội thực sự là trung tâm lớn về văn hóa; con người Hà Nội trở thành con người Việt Nam tiêu biểu trong thời đại mới.

Để làm được điều đó, ông Vương Đình Huệ yêu cầu, các cơ quan Thành phố phải tập trung đổi mới về tư duy, tạo bước đột phá về chính sách và các giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa, thể thao. Trước hết, cần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa và Thể thao sang hoạt động theo cơ chế tự chủ; đổi mới cơ chế thu hút, đãi ngộ tài năng.

Tuy nhiên, trước khi tham mưu, ban hành những quyết sách mới, các cơ quan Thành phố phải trao đổi kỹ với các nhà hát, trung tâm; không phải thực hiện tự chủ là để cho nhà hát, trung tâm tự lo hết; tạo điều kiện cho đơn vị tuyển chọn bổ sung nhân sự nếu còn biên chế…

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc

Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo tập trung giải quyết ngay những kiến nghị của các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa và Thể thao. Trong đó, bằng các nguồn vốn, sớm đầu tư xây dựng rạp mới phục vụ công tác biểu diễn cho Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội (Nhà hát chưa có rạp biểu diễn) và xem xét, bố trí rạp biểu diễn cho Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.

Bên cạnh đó, ông Vương Đình Huệ cũng cho rằng, Sở Văn hóa và Thể thao cần nghiên cứu tham mưu đề xuất đổi mới chính sách phí tham quan các di tích văn hóa, lịch sử; bảo đảm phù hợp các đối tượng, không để quá thấp như hiện nay.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo, trên cơ sở nội dung buổi làm việc, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp ban hành thông báo kết luận, trong đó làm rõ việc phân công cụ thể cơ quan, đơn vị phụ trách, thời hạn hoàn thành giải quyết các kiến nghị, đề xuất.

Sau buổi làm việc, các cơ quan Thành phố phải vào cuộc quyết liệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Thành ủy; tạo ra thay đổi thực chất, nâng cao vị thế của Thủ đô trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; văn nghệ sĩ, vận động viên sống được bằng nghề.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-tao-dot-pha-ve-chinh-sach-de-nang-cao-vi-the-thu-do-trong-linh-vuc-van-hoa-the-thao-119816.html