Hà Nội tập trung khắc phục hậu quả do úng ngập

Chiều 7/8, tại hội nghị giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) TP Hà Nội đã thông tin về công tác khắc phục hậu quả úng ngập trên địa bàn thành phố, từ ngày 17/7 đến ngày 6/8/2018.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội Đỗ Đức Thịnh

thông tin tại buổi giao ban báo chí. Ảnh: TA

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, tính đến sáng 7/8, lũ trên sông Bùi đã chấm dứt, trên sông Đáy đã trở xuống dưới bão động 1. Hiện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN đã rút các lệnh báo động trên các tuyến sông.

Về tình hình thiệt hại mưa lũ, theo ông Thịnh, tính đến nay, mưa bão đã gây ngập trắng là 4.425ha lúa, ngập sâu 5.167ha, diện tích hoa màu bị dập nát toàn bộ là 519,3 ha… Lượng mưa lớn, diện rộng khiến nước các sông Bùi, Tích, Đáy dâng cao gây tràn một số tuyến đê vùng, gây úng ngập một số khu vực tại các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Số hộ bị ngập là 4.655 hộ (22.359 người dân). Tại huyện Chương Mỹ - nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua, ước tính tổng thiệt hại khoảng 264,564 tỷ đồng.

Để khắc phục tình trạng úng ngập khu vực ngoại thành, các Công ty Thủy lợi đã vận hành các trạm bơm tiêu. Thời điểm cao nhất đã huy động 298 trạm bơm tiêu với 1.096 máy bơm, tổng lưu lượng bơm là 2.811.000 m3/h. Tính đến ngày 5/8, tiện tích lúa ngập sâu được bơm tiêu thoát, ngập trắng mất gần 2000 ha được cấy lại, hoa màu dập nát một phần đang được bà con phục hồi.

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người cũng như tài sản của nhân dân, Ban đề nghị Ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện trong khu vực sông nói trên cần chủ động phương án di dời dân khỏi vùng trũng thấp, các vị trí nguy hiểm… để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các sông để kịp thời báo cáo thường xuyên về văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN.

Cũng tại buổi giao ban, lãnh đạo các địa phương đã thông tin về tình hình ngập úng và khắc phục thiệt hại mưa lũ trên địa bàn. Ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, tính đến sáng 7/8, mực nước Sông Bùi còn 5,9m xuống dưới mức báo động I là 10cm. Tuy nhiên vẫn còn 486 hộ bị ngập; số hộ đang bị ngập sân, vườn là 354 hộ; công ty điện lực Chương Mỹ đang phải cắt điện 451 hộ và 4 trạm bơm. Theo lãnh đạo huyện, số hộ bị ngập sân vườn và bị cấp điện giảm rất nhanh. Dù vậy, công việc tiếp theo vẫn còn rất lớn bao gồm việc khẩn trương khôi phục sản xuất; tập trung công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ, sớm ổn định cuộc sống người dân... Tính đến sáng 7/8, tổng giá trị hỗ trợ người dân vùng ngập là 6 tỷ 153 triệu đồng. Số tiền này sẽ được hỗ trợ đúng đối tượng, công bằng tới bà con vùng ngập lụt.

Huyện đề nghị thành phố bố trí 447 tỷ đồng vốn đầu tư để xử lý khẩn cấp 11 tuyến đê xung yếu bị tràn và lở; xây dựng trụ sở UBND xã Nam Phương Tiến; tu bổ 5 di tích lịch sử văn hóa và nhà văn hóa bị xuống cấp; 7 dự án trường học để đạt chuẩn quốc gia...

Về tình hình tại huyện Mỹ Đức, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hoạt cho biết, nhờ thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, chủ động thường trực và sẵn sàng ứng phó khi lũ xảy ra nên đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn huyện; ảnh hưởng mưa lũ không đáng kể, không có thiệt hại về người, ước 27,7 tỷ thiệt hại về tài sản. Huyện đang tích cực đang làm sạch vệ sinh môi trường, các trường học để các em học sinh khai giảng đúng lịch.

Tại huyện Quốc Oai, thời điểm ngập úng cao nhất toàn huyện là 538 hộ, 2.278 nhân khẩu. Tại buổi giao ban, lãnh đạo huyện Quốc Oai cho biết, chính quyền và người dân chủ động trong chống lũ, bám sát phương án được duyệt, làm tốt nhận định tình hình, áp dụng huy động lực lượng tốt, phân luồng giao thông, xử lý môi trường… Do đó thiệt hại về người là không có, thiệt hại về tài sản được hạn chế thấp nhất.

Phát biểu kết luận buổi giao ban, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định thành phố đang tập trung khắc phục hậu quả của mưa lũ để sớm ổn định lại đời sống, sản xuất của nhân dân. Thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện các biện pháp quy hoạch lại dân cư, sản xuất, đồng thời phối hợp với các cơ quan trung ương và cơ quan khoa học nghiên cứu, tính toán lại tính toán lại các công trình công cộng nhằm thích ứng được với diễn biến phức tạp của thời tiết.

Chưa ghi nhận dịch bệnh xảy ra tại vùng ngập

Theo báo cáo của Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, trong thời gian ngập ghi nhận tại Chương Mỹ có 59 trường hợp viêm kết mạc, 150 trường hợp bệnh ngoài da, 3 trường hợp đuối nước. Tại Quốc Oai có 13 trường hợp viêm kết mạc và trên 100 trường hợp bệnh ngoài da. Tại Mỹ Đức có trên 100 trường hợp đến khám chủ yếu là bệnh ngoài da. Hiện các ca đau mắt đỏ, bệnh da liễu chỉ xuất hiện đơn lẻ, rải rác và đã được cấp thuốc điều trị kịp thời.

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho hay, với phương châm nước rút đến đâu vệ sinh môi trường khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh đến đó, ngành y tế thành phố đã huy động lực lượng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức phối hợp với lực lượng của địa phương tổ chức vệ sinh môi trường, khử khuẩn cho gần 500 hộ dân.

Trung Anh

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/dua-nghi-quyet-dai-hoi-dang-vao-cuoc-song/ha-noi-tap-trung-khac-phuc-hau-qua-do-ung-ngap-493146.html