Hà Nội: Thay thế cây phong lá đỏ là cần thiết

Những cây phong lá đỏ sau hơn 2 năm trồng trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng không đem về kết quả khả quan sẽ được thay thế bằng cây bàng lá nhỏ. Đây là việc làm cần thiết để thay đổi vẻ đẹp cảnh quan của tuyến đường này.

Hàng cây phong lá đỏ héo khô trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2018, 262 cây phong được trồng thử nghiệm từ trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng. Trong đó, tuyến Nguyễn Chí Thanh trồng 119 cây, tuyến Trần Duy Hưng trồng 143 cây với mục tiêu thay đổi diện mạo cho Thủ đô. Sau 2 năm, bước đầu cho thấy cây chưa thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội, 45 cây chết, 217 cây sống nhưng sinh trưởng, phát triển kém. Lá cây sau một thời gian bị héo, cành, nhánh bị khô và hay bị sâu bệnh.

Trước tình hình này, vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng về việc thay thế hàng cây phong lá đỏ trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng bằng cây bàng lá nhỏ, đường kính thân 10 - 15cm; chiều cao vút ngọn 6 - 8m. Việc trồng thay thế hệ thống cây xanh mới trên dải phân cách tuyến Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng sẽ được thực hiện trong tháng 4/2021 và hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2021.

Theo các chuyên gia, cây bàng lá nhỏ đã được Thành phố Hà Nội trồng trên các tuyến đường như Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Xã Đàn, Kim Mã… Sau thời gian trồng, cây bàng lá nhỏ phát triển ổn định, phù hợp với không gian đô thị. Loại cây này ít bị sâu bệnh, ít rụng lá, dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc. Thân cây bàng thẳng, lá bàng xanh mướt, tán rộng. Cây vừa tạo bóng mát cho mùa hè vừa đem đến không gian cảnh quan xanh cho Thủ đô.

Trong khi đó, cây phong lá đỏ là không phù hợp để trồng tại Hà Nội, cây chỉ hợp với điều kiện khí hậu ôn đới, thời tiết lạnh trong khi nước ta lại là khí hậu nhiệt đới, thời tiết nóng, mưa nhiều. Khi tiến hành dự án trồng cây phong lá đỏ lại quá vội vàng, không trồng thử 1-2 cây trước mà đưa vào trồng ngay trên dải phân cách của tuyến Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng với số lượng lớn. Do đó mới xảy ra tình trạng cây chết, cây phát triển kém khiến cảnh quan tuyến đường được coi như cửa ngõ của Thành phố bị ảnh hưởng nặng nề.

“Ngày trước ai cũng kỳ vọng dàn cây phong lá đỏ sẽ khiến cho tuyến đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng trở thành tuyến đường đẹp nhất Hà Nội. Thế nhưng cây phong lại không thể chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết mà cứ chết và héo dần. Những người dân như tôi thấy rằng Thành phố cứ trồng loại cây mà sống được trong điều kiện khí hậu như cây bàng lá nhỏ hoặc cây lộc vừng chẳng hạn là tốt nhất”, chị Linh cho hay.

Việc thay thế những cây phong lá đỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng là phù hợp và cần thiết để khôi phục lại vẻ đẹp mỹ quan đô thị của hai tuyến đường này. Các dự án trồng hệ thống cây xanh mới cần được triển khai thực hiện đồng bộ, tuy nhiên dự án cần được tiến hành cẩn trọng, không vội vàng để đảm bảo đạt được kết quả tốt nhất.

Cây bàng lá nhỏ là loại cây thích hợp để trồng trong không gian đô thị.

Công ty cây xanh cũng như các bên có liên quan cần thử nghiệm trước loại cây mới một cách kĩ lưỡng rồi mới đem đi trồng ở các tuyến đường chính của Thủ đô để không xảy ra tình trạng cây chết, cây phát triển kém. Đồng thời cần lưu ý chọn loại cây xanh đô thị phù hợp, có thể chịu đựng được khí hậu nhiệt đới để phát triển, sinh trưởng tốt.

Yến Mai

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-thay-the-cay-phong-la-do-la-can-thiet-303543.html