Hà Nội thay vỉa hè bằng đá xanh: Đắt, bền làm gì?

Lát vỉa hè bằng đá tự nhiên bền, đắt tiền cũng tốt nhưng bền làm gì nếu ít lâu lại đào lên, sửa chữa phía dưới.

Thời gian gần đây, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đang cho thay gần 3,5km gạch đỏ bằng đá tự nhiên trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi.

Chi phí lát loại vật liệu này khoảng 500.000 đồng/m2, đắt hơn nhiều so với lát bằng gạch trước đây.

Cùng với việc lát đá, vỉa hè cũng được thiết kế các vị trí hạ hè dành cho người khuyết tật.

Dự kiến đến năm 2020, vỉa hè của hơn 930 tuyến đường tại Hà Nội sẽ được thay thế bằng đá tự nhiên.

Năm 2010, Hà Nội từng cho lát đá tự nhiên tại khu vực Hồ Gươm nhưng sau đó phải dừng lại vì gặp phản ứng trái chiều.

Đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cải tạo, trong đó vỉa hè được lát đá tự nhiên thay vì gạch như trước đây. Ảnh: Dân trí

Bình luận về việc Hà Nội thay vỉa hè gạch đỏ bằng đá tự nhiên, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc lát vỉa hè là cần thiết nhưng phải đảm bảo các yêu cầu. Trước hết phải xem các vỉa hè hiện nay lát đã đạt chưa, nếu chưa đạt thì lát lại, nếu đạt rồi mà cứ bóc lên rồi lát lại thì "chẳng qua chỉ là một cách để tiêu tiền".

TS Phạm Sỹ Liêm chỉ rõ, việc lát vỉa hè phải không cản trở, gây tổn hại gì cho người đi bộ. Muốn vậy, lát phải thẳng nhưng không được trơn trượt. Khi lát phải dốc từ trong mép nhà ra ngoài đường chứ không phải ngược lại.

"Đặc biệt, đừng có kiểu nay lắp một dây cáp, đục một đường ống lại bóc gạch lên rồi lại đặt gạch xuống rất... vô duyên. Khi lát vỉa hè thì tất cả những thứ dưới vỉa hè phải ổn định thì mới được lát. Nếu các ngành khác còn nhiều nhu cầu đào vỉa hè lên thì lát vội làm gì?", ông Liêm lưu ý.

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam dùng từ "vớ vẩn" khi nhìn vào thực tế tại nhiều vỉa hè tại Hà Nội hiện nay.

Theo đó, trước đây do tiền ít thì Hà Nội lát bằng gạch bê tông tương đối bằng phẳng, từng viên vuông to và không trơn trượt, gắn kết được.

Thế nhưng, sau đó Hà Nội sử dụng gạch chữ S để lát vỉa hè mà không có vữa kết nối. Người ta chỉ cần cho cát xuống rồi đặt gạch lên, tính tiền, lâu lâu ai đó cậy lên vài viên, người ta lại mang gạch đến lát lại, hoặc có khi cứ để bong tróc từng mảng như thế.

"Cái đó rất dở! Công làm không tốn nhưng công sửa chữa lại rất tốn. Cho nên, vỉa hè phải lát thế nào để không phải tốn công sức trong việc bảo trì, sửa chữa...", ông Liêm bức xúc.

Vị chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra một điểm hạn chế của việc lát vỉa hè là không ai kiểm soát giá cả như thế nào.

"Nếu xây dựng có dự toán thì khi lát vỉa hè, từng cơ quan quản lý vỉa hè cứ đặt gạch rồi tính tiền, chẳng biết ai duyệt cho cơ quan đó.

Thường thường đầu năm thì họ đủng đỉnh nhưng cuối năm, vỉa hè không hỏng họ cũng bóc lên để làm cho hết kế hoạch.

Những chuyện đó bây giờ phải chấn chỉnh cùng với việc phải tính toán kế hoạch dùng bao nhiêu tiền làm đá lát tự nhiên này", TS Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh.

Trở lại với kế hoạch lát vỉa hè bằng đá tự nhiên của Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho hay, việc này cũng tốt khi đá tự nhiên có độ bền hơn bê tông với tuổi thọ lên tới 50-70 năm. Nhưng "bền làm gì nếu ít lâu lại phải bóc lên, đào xới, sửa chữa phía dưới".

"Cho nên phải rất thận trọng. Chẳng hạn, những vỉa hè ở Tràng Tiền, Bờ Hồ đã ổn định và có lẽ cũng chẳng ai bới lên bới xuống làm gì nữa, cho nên lát đá ở đó cũng tốt. Còn như ở quận Thanh Xuân, tôi không rõ những đoạn định lát liệu đã ổn định chưa. Nếu chưa ổn định mà mang một đống tiền ra rải vào thì không ổn.

Làm vỉa hè đắt tiền, có tuổi thọ cao phải chọn những địa điểm nào đã ổn định, đông người đi. Còn như thực tế hiện nay, nơi đông người đi thì gạch lung tung, nơi ít người thì lại lát với mục đích tiêu tiền, chưa phải là phục vụ nhu cầu đi lại của người dân", TS Phạm Sỹ Liêm nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ha-noi-thay-via-he-bang-da-xanh-dat-ben-lam-gi-3342289/