Hà Nội: Thiếu nước sinh hoạt do điều tiết chưa hợp lý

Với tổng công suất cấp nước từ các nhà máy tập trung đạt hơn 1,5 triệu mét khối/ngày đêm, so với nhu cầu sử dụng từ 1,25 triệu mét khối đến 1,35 triệu mét khối/ngày đêm, thành phố Hà Nội cơ bản đáp ứng nhu cầu nước sạch trong phạm vi cung cấp của hệ thống.

Hàng trăm người dân Khu đô thị Thanh Hà xếp hàng chờ lấy nước sạch. (Ảnh THUẬN VŨ)

Tuy nhiên, do việc phân phối nguồn nước còn hạn chế, chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng nước sạch, dẫn đến tình trạng thiếu nước cục bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân.

Thời gian vừa qua, tại khu vực cuối nguồn của hệ thống cấp nước do Công ty Viwaco quản lý, nằm giữa hai quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, nhất là khu vực Trường đại học Hà Nội thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ.

Nguyên nhân là do lượng nước cấp cho địa bàn của Công ty Viwaco từ nguồn nước sông Đà và nguồn nước sông Đuống chỉ đạt khoảng 238.000 m3/ngày đêm, thiếu hụt so với nhu cầu khoảng 240.000 m3 đến 250.000 m3/ngày đêm. Việc thiếu hụt này đã được Công ty Viwaco khắc phục bằng các giải pháp như vận hành hệ thống bơm để cấp cho khu vực xa nguồn; điều tiết nước luân phiên và vận động nhân dân sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm...

Còn tại Khu đô thị Thanh Hà, thuộc địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, tình trạng thiếu nước sạch và chất lượng nước không bảo đảm xảy ra từ đầu tháng 10/2023. Sự việc càng trở nên trầm trọng hơn khi lượng nước từ các đơn vị cung cấp không đủ và Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà, đơn vị cung cấp nước cho khu đô thị dừng hoàn toàn việc khai thác ngầm do việc xử lý kỹ thuật không bảo đảm, khiến lượng nước cấp cho cư dân bị thiếu hụt. Gần 7.000 hộ dân sinh sống tại 23 tòa chung cư cao tầng phải xếp hàng dài chờ đợi suốt đêm để lấy nước từ các xe téc.

Để bảo đảm nguồn nước sạch phục vụ người dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo các đơn vị bằng mọi biện pháp nhanh nhất cấp nước sạch sinh hoạt trở lại và có giải pháp bảo đảm ổn định lâu dài cho người dân khu đô thị. Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, có phương án cấp nước sạch cho người dân. Đến 17 giờ ngày 18/10, nguồn nước cấp cho Khu đô thị Thanh Hà tăng lên khoảng 120 m3/giờ, tương đương gần 2.900 m3/ngày đêm; từ 6 giờ ngày 19/10 đến 6 giờ ngày 20/10 cấp gần 3.160 m3/ngày đêm, cơ bản đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân (từ 3.200 đến 3.500 m3/ngày đêm).

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, do khả năng phân phối nguồn nước chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng nước sạch tại các khu vực đô thị, nhất là khu vực các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông đang sử dụng nguồn từ Nhà máy nước mặt sông Đà, cho nên các phương án duy trì, vận hành các nhà máy, trạm cấp nước; phân bổ, điều tiết nguồn nước bảo đảm hài hòa giữa nguồn cấp và nhu cầu, cũng như khả năng tiếp cận của từng khu vực đã được tính đến.

Để tránh lặp lại tình huống tương tự, Sở Xây dựng Hà Nội cần chỉ đạo các đơn vị cấp nước rà soát nhu cầu và duy trì, phát huy tối đa công suất nguồn cấp của các nhà máy nước hiện có, phối hợp điều tiết nguồn cấp giữa các đơn vị cấp nước; rà soát, kiểm tra công tác cấp nước tại các khu đô thị. Đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành Nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày đêm trong quý I/2024 và đầu tư Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn II nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm, Nhà máy nước Xuân Mai công suất 300.000 m3/ngày đêm. Các đơn vị cấp nước cần xây dựng phương án cấp nước chi tiết đối với các khu vực cuối nguồn như bổ sung bơm tăng áp di động vận hành van cấp nước theo giờ..., bảo đảm nước sinh hoạt phục vụ người dân.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thieu-nuoc-sinh-hoat-do-dieu-tiet-chua-hop-ly-post779046.html