Hà Nội thông tin các vấn đề đời sống dân sinh được dư luận quan tâm

Chiều 9-9, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8-2022. Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng chủ trì buổi họp báo.

Khởi tố vụ án hỏa hoạn tại quán karaoke ở Cầu Giấy

Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, liên quan đến việc cháy ở Cầu Giấy xảy ra 1-8-2022, hiện nay cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam chủ cơ sở kinh doanh karaoke này.

“Chủ cơ sở kinh doanh karaoke tên là Phạm Duy Hùng. Công an TP Hà Nội cũng sẽ xem xét trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan để xảy ra vụ cháy này", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nói.

Trước đó, khoảng 13 giờ ngày 1-8, quán karaoke ISIS tại số nhà 231 phố Quan Hoa đã xuất hiện đám cháy. Thời điểm xảy ra cháy, quán karaoke ISIS đang tạm ngưng hoạt động để sửa chữa.

Quang cảnh buổi họp báo.

Quang cảnh buổi họp báo.

Đám cháy xuất phát từ khu vực tầng 6 quán karaoke cao 6 tầng, ngọn lửa bốc lên trong quá trình hàn xì sửa chữa quán. Hàng chục chiến sĩ cảnh sát PCCC ngay sau đó đã có mặt, với tinh thần dũng cảm không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để dập tắt đám cháy.

Không may, 3 cán bộ, chiến sĩ gồm Thượng tá Đặng Anh Quân - Đội trưởng, Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc thuộc Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn (PCCC&CNCH) Công an quận Cầu Giấy khi lên tới tầng 4 thì cầu thang bị sập, ngăn đứt đường vòi chữa cháy, trần nhà bất ngờ sập xuống đè vào người khiến các anh hy sinh. Trước đó, 3 cán bộ, chiến sĩ đã triển khai tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, hướng dẫn đưa 8 người ra ngoài an toàn.

Về vấn đề PCCC trên địa bàn Thủ đô, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng khẳng định, luôn nhận được chỉ đạo của cấp trên, chủ động phối hợp với các sở, ngành thành phố thực hiện nghiêm công tác PCCC, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh có điều kiện liên quan đến PCCC.

Qua rà soát, nhiều trường hợp chưa chấp hành nghiêm, nhiều trường hợp không đủ yêu cầu về PCCC vẫn lén lút hoạt động. Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan đã xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm.

Nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt tại huyện Chương Mỹ

Thông tin tại cuộc họp báo, ông Phạm Quang Đông, Phó chi cục trưởng Chi cục đê điều Hà Nội cho biết, do mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ từ ngày 7-9 và lũ rừng từ Hòa Bình đổ về khiến mực nước các sông ở Hà Nội dâng cao, áp lực lên hệ thống sông lớn đã xảy ra tình trạng là một số khu vực ở Chương Mỹ, như Bùi Xá, Cầu Sét (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ) ngập lụt. Đến đêm qua 8-9, nước trên sông Bùi lên 6m, vượt báo động 1; đến 22 giờ 30, tiếp tục lên 6,5 m, vượt báo động 2. Cho đến sáng 9-9, nước sông Bùi vẫn ở mức 7,79 m, dưới báo động 3.

Trong đêm ngày 8-9, người dân và các lực lượng chức năng đã dùng bao tải cát ngăn nước từ sông Bùi tràn vào làng, đồng thời hỗ trợ người dân kê cao đồ đạc để tránh bị nước lũ làm ngập gây hư hại. Do đặc thù địa hình Bùi Xá giáp sông Bùi, khi có mưa lớn ở khu vực Hòa Bình thì nước ở hàng trăm con suối lớn, nhỏ sẽ đổ ra sông Bùi. Từ đêm qua, chính quyền địa phương và lực lượng quân đội đã được huy động di dời nhà dân khu vực nguy hiểm, xử lý chống tràn đê Bùi 2.

“Những ngày tới, dự báo nước sông Bùi sẽ tiếp tục dâng cao, do đó, khuyến cáo chính quyền, người dân các xã vùng trũng thấp ven sông như Nam Phương Yên, Quảng Bị, Tốt Động, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Xuân Mai chủ động theo dõi sát tình hình lũ để sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn”, ông Phạm Quang Đông nhấn mạnh.

Không tăng học phí trong năm học 2022-2023

Về Nghị quyết quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập TP Hà Nội năm học 2022-2023 sắp trình HĐND TP sắp tới, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Nguyễn Quang Tuấn cho biết, thực hiện Nghị định 81/2021/NĐ-CP, các địa phương phải quy định mức học phí trong khung quy định của Chính phủ.

Theo đó, mức thấp nhất trong khung học phí của Chính phủ tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP cao hơn mức thu học phí của Hà Nội năm học 2021-2022. Hiện nay, về cơ bản, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, kinh tế thành phố đang từng bước phục hồi, ổn định.

Tuy nhiên, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm giảm tác động do việc điều chỉnh học phí theo lộ trình của Nghị định 81/2021/NĐ-CP, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh học sinh và để bảo đảm an sinh xã hội, UBND TP dự kiến đề xuất học phí học sinh phải đóng thực tế năm học 2022-2023 giữ nguyên như mức học phí phải đóng năm học 2021-2022 (bao gồm cả việc hỗ trợ 50% học phí).

Phần chênh lệch so với mức học phí phải thực hiện theo lộ trình của Nghị định 81/2021/NĐ-CP, ngân sách thành phố sẽ cấp bổ sung cho các đơn vị. Dự kiến ngân sách thành phố phải hỗ trợ khoảng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng cho năm học 2022-2023.

Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng phát biểu tại buổi họp báo.

Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng thông tin thêm, sáng 9-9, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định quyết định giữ nguyên học phí năm 2022-2023 như năm trước dù theo lộ trình phải tăng học phí. Cùng đó, TP dành hơn 600 tỷ đồng tiếp tục hỗ trợ 50% học phí; dự kiến cấp bổ sung cho các đơn vị khoảng 520 tỷ đồng...

"Hà Nội dành hơn 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ về học phí, là đơn vị hỗ trợ cao nhất cả nước. Điều đó thể hiện rõ sự quan tâm của thành phố đối với đời sống nhân dân", Chánh văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng nhấn mạnh.

Tại buổi họp báo, hàng loạt vấn đề nóng khác như: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, vấn đề tuyển sinh trẻ mầm non ở quận Hoàng Mai, thu hồi quỹ đất các dự án chậm triển khai...cũng được lãnh đạo các sở, ngành thành phố thông tin tới báo chí.

TUẤN SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/ha-noi-thong-tin-cac-van-de-doi-song-dan-sinh-duoc-du-luan-quan-tam-704977