Hà Nội thông tin về một số dự án giao thông

Chiều 26/6, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Phạm Quý Tiên đã trả lời các vấn đề dư luận quan tâm về việc thực hiện đầu tư xây dựng một số dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng BT trên địa bàn TP.

Dự án Xây dựng tuyến đường Minh Khai- Vĩnh Tuy- Yên Duyên.

Công khai?

Ông Phạm Quý Tiên cho hay, vừa qua, một số cơ quan báo chí, trang mạng điện tử có thông tin liên quan đến dự án BT và quỹ đất thanh toán cho dự án chưa chính xác (như Dự án Xây dựng tuyến đường Minh Khai- Vĩnh Tuy- Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5 dài 1,6 km đối ứng 60 ha đất; dự án cải tạo, nâng cấp đường quốc lộ 6 giá trị công trình BT hơn 8.000 tỷ, TP giao đất đối ứng hơn 400 ha đất, giá mỗi mét vuông 2 triệu đồng) dẫn đến sự hiểu chưa chính xác, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dư án. Do đó, ông Phạm Quý Tiên đã cung cấp thông tin liên quan đến 5 dự án đang trong quá trình triển khai để các cơ quan báo chí thông tin cho công luận.

Về trình tự triển khai thực hiện các dự án, theo ông Tiên, TP đã nghiêm túc thực hiện các thủ tục quy định tại Nghi định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ, gồm 6 bước theo quy định. Nội dung các bước cụ thể Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cung cấp thông tin nếu có yêu cầu.

Khi tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, ông Tiên khẳng định TP đảm bảo công khai, minh bạch; UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành xác định các tiêu chí đối với các nhà đầu tư phải có năng lực tài chính, năng lực quản trị dự án, đã ứng vốn để lập hồ sơ đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi; phải cam kết bố trí vốn để xây dựng công trình BT trước khi được TP giao đất đối ứng với lãi suất thấp nhất và thời gian thi công công trình ngắn nhất.

Bên cạnh đó, theo ông Tiên, các dự án BT nêu trên đều là các công trình xây dựng đường giao thông, khối lượng kinh phí cho hạng mục bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị công trình BT (thấp nhất là 42%, có dự án cao tới 80%, chi phí xây lắp chỉ là 20%); vì vậy, nếu chỉ nêu thông tin về độ dài của tuyến đường để so sánh sẽ không phản ánh được khách quan chi phí đầu tư của dự án BT.

Về thông tin TP lựa chọn nhà đầu tư thiếu khách quan, theo ông Tiên, đối với các dự án BT, nhà đầu tư phải ứng toàn bộ vốn để lập quy hoạch chi tiết 1/500, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy hoạch và dự án được duyệt, bàn giao cho TP để xác định giá trị quỹ đất thanh toán.

Nhà đầu tư được lựa chọn phải ứng 100% vốn để lập quy hoạch chi tiết 1/500 thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các dự án đối ứng và chi phí đầu tư được khấu trừ vào tiền sử dụng đất theo quy định.

Đối với Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 (đoạn Ba La- Xuân Mai) theo hình thức BT được UBND TP phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 2799/QĐ-UBND ngày 7/6/2018; Dự án này sẽ được TP tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ, chưa giao dự án cho nhà đầu tư như báo nêu.

Còn với quy trình tính giá đất, theo Chánh Văn phòng UBND TP, sau khi quy hoạch chi tiết 1/500 và chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt, UBND TP mới quyết định giao đất để thanh toán cho công trình BT. Giá đất thanh toán sẽ được liên ngành TP xác định theo sát giá thị trường theo đúng quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính, trên cơ sở đất đã có hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch đảm bảo nguyên tắc so sánh giá trên thị trường.

Mở thêm nhiều tuyến xe buýt

Cũng tại giao ban báo chí, ông Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, thời gian tới sẽ mở mới 8 đến 10 tuyến buýt đến 33 xã.

Trong 6 tháng đầu năm TP đã thực hiện hiện mở mới 3 tuyến buýt, thực hiện mở mới 3 tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch vận hành từ 1/7/2018; đồng thời thực hiện điều chỉnh 26 tuyến buýt theo tổ chức giao thông, điều chỉnh hợp lý hóa mạng lưới đối với 13 tuyến buýt, mở rộng vùng phục vụ đối với 2 tuyến buýt…

Thời gian tới, theo ông Tuấn, Sở Giao thông vận tải dự kiến tiếp tục mở mới 8 đến 10 tuyến, tăng thêm 33 xã (đạt 76%, tăng 6% so với năm 2017). Sau khi có các tuyển mở mới tổng số tuyến trên địa bàn là 120 đên 122 tuyến, sản lượng hành khách dự kiến đạt 470 triệu lượt hành khách (tăng 7% so với năm 2017).

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, thời gian tới Hà Nội cũng tổ chức rà soát điều chỉnh mạng lưới các tuyến buýt để đảm bảo kết nối, nâng cao hiệu quả khai thác của mạng lưới tuyến và tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh- Hà Đông) đi vào hoạt động cuối năm 2018.

Cũng tại buổi họp, ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải hành khách Hà Nội thông tin về tỷ lệ người dân sử dụng xe buýt nhanh tại Hà Nội. Theo đó, tỷ lệ cán bộ công chức đi xe buýt thường chỉ 20%-25%, còn lại là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, trên tuyến BRT tỷ lệ cán bộ công chức tham gia lại chiếm tỷ lệ cao, trên 50% trong tổng số các đối tượng khách hàng. Đây là đối tượng hướng đến, mong muốn nhiều nhất khi triển khai tuyến buýt nhanh.

“Không phải tuyến này dịch vụ tốt hơn, có hỗ trợ mái che, xe đẹp, nhiều tuyến mà cốt lõi là thời gian chuyến đi nhanh hơn 25%-30% so với tuyến buýt thông thường”, ông Nhật cho biết.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ha-noi-tra-loi-ve-cac-du-an-giao-thong.aspx