Hà Nội thu hẹp dần khoảng cách vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đến nay, 100% số xã đã có đường bê tông hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; 100% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt và từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất; 100% các thôn có đường dây điện thoại, Internet đến thôn, bảo đảm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số... Là những kết quả, thành tựu mà Hà Nội đạt được nhờ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách dân tộc, cụ thể là việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Triển khai chính sách đồng bộ

Báo cáo của Ban Dân tộc TP. Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội hiện có khoảng 55.000 người dân tộc thiểu số sống quần cư ở 119 thôn thuộc 14 xã của 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ. Hiện nay, 100% xã vùng dân tộc, miền núi của Hà Nội đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới…

Một góc vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: ITN

Triển khai chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, ngày 11.11.2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030 với tổng vốn đầu tư gần 2.145 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 1.500 tỷ đồng. Theo đó, UBND Thành phố đã tổ chức hội nghị trực tuyến, trực tiếp để quán triệt và triển khai kịp thời Kế hoạch đến các sở, ban, ngành và các đơn vị, địa phương có liên quan để thực hiện bảo đảm theo quy định.

Cũng trong thời gian qua, các sở, ngành Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao đã chủ động, tích cực thực hiện quán triệt, triển khai thực hiện, một số sở, ngành, địa phương đã ban hành văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch đề ra. Các huyện được bố trí nguồn vốn đầu tư cho các dự án đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách dân tộc, đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn Hà Nội đã được cải thiện rõ rệt. Đến nay, diện mạo nhiều xã đã "thay da đổi thịt" nhờ các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế hộ. Đơn cử tại xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), nhiều đồng bào dân tộc đã trở thành những tấm gương tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đi đầu về các mô hình sản xuất, cải tạo vườn tạp, đất trống, đồi trọc để tăng diện tích cây trồng. Không ít hộ đồng bào dân tộc còn biết áp dụng mô hình kinh tế trang trại, không chỉ giúp gia đình xóa nghèo bền vững mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ khác trong xã thoát nghèo. Tiêu biểu là hộ gia đình bà Bùi Thị Ngọc, phát triển trang trại tổng hợp, bà Ngọc nuôi lợn rừng, gà đồi, thả cá kết hợp trồng keo, các loại cây ăn quả như: bưởi Diễn, đu đủ, rau xanh... mỗi năm có thu nhập trên 300 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 5 - 7 lao động thời vụ (tùy từng thời điểm) tại địa phương...

Sớm khắc phục những khó khăn, hạn chế

Có thể nói, trong thời gian qua, các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Hà Nội được triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Tiêu biểu như triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đến nay thành phố đã bố trí hàng ngàn tỷ để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Các huyện đã thành lập tổ giám sát cộng đồng, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tình ủng hộ việc triển khai thực hiện các dự án tại địa phương và triển khai các bước theo quy định. Nhờ việc triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch góp phần đẩy nhanh phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô, thu hẹp dần tiến tới không còn khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội.

Nhiều hộ đồng bào dân tộc Mường ở xã Ba Trại (Ba Vì, Hà Nội) có đời sống khá hơn nhờ trồng chè an toàn. Ảnh ITN

Với cách làm bài bản, xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của Hà Nội luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm, không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. 100% số xã đã có đường bê tông hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; 100% các xã, 100% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt và từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất...

Tuy vậy, Báo cáo của Ban Dân tộc TP. Hà Nội mới đây cũng cho thấy, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn vẫn còn những tồn tại, hạn chế: các sở, ngành, địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo triển khai, thực hiện các nội dung được giao chủ trì, phối hợp thực hiện, nhất là các nội dung dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp; Việc triển khai thực hiện ở một số dự án đầu tư xây dựng cơ bản ở một số địa phương chưa thực sự sát sao trong kiểm tra, đôn đốc. Đối với việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, đến nay mặc dù một số dự án đã được bố trí nguồn vốn, một số dự án thuộc nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, có dự án việc lập quy hoạch không sát nên phải điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư. Một số huyện báo cáo khối lượng hoàn thành so với tỷ lệ giải ngân chưa đảm bảo chính xác…

Mục tiêu mà Hà Nội đang hướng tới trên hành trình 2021-2030 là phát triển nhanh, toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đưa mức sống và thu nhập của người dân vùng dân tộc, miền núi sớm ngang bằng vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội. Để đạt được mục tiêu này, UBND TP cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các sở, ngành, địa phương xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 11.11.2021 của UBND Thành phố, nhất là việc lập các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp trong kế hoạch để phát triển sản xuất và các lĩnh vực tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi của TP. Đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí trong năm 2023 để tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, dự án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 do các huyện đề xuất và các sở, ngành chức năng thẩm định, để sớm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch.

Mặt khác, Quyền trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Phúc Hải cho rằng: TP sớm phê duyệt các Nghị quyết, đề án, dự án do các sở ngành, địa phương trình để triển khai thực hiện Kế hoạch, như: Nghị quyết của HĐND Thành phố về chính sách hỗ trợ và mức chi quản lý dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, củng cố phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT- XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030 do Sở NN-PTNT trình.

Hải Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/ha-noi-thu-hep-dan-khoang-cach-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-i312727/