Hà Nội thu hút đầu tư: Tạo 'tổ lớn' đón 'đại bàng'

Chủ trương của Hà Nội là thu hút đầu tư có định hướng, có chiều sâu là rất đúng. Hà Nội hiện nay không phải là thu hút bao nhiêu mà quan trọng là chất lượng. Đó là những chia sẻ của GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

Tận dụng những ưu thế

Ngày 27/6/2020 vừa qua, tại hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển", TP Hà Nội trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án với tổng vốn 405.570 tỷ đồng (17,6 tỷ USD), ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư 28,6 tỷ USD. Ông có nhận xét gì về việc này?

- Hà Nội thu hút vốn đầu tư trong thời điểm dịch Covid-19 dần được khống chế, phù hợp với chủ trương của Chính phủ là phục hồi kinh tế. Hiện nay kinh tế rất khó khăn, 6 tháng đầu năm tăng trưởng cả nước mới đạt 1,81%, thấp nhất trong 10 năm qua. Khó khăn do dịch Covid-19 gây ra đối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là rất lớn. Hà Nội đang đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn của cả nước.

Đây cũng là dịp để TP thực hiện các giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020.

GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE)

GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE)

TP phấn đầu thực hiện 100% các dự án được trao chứng nhận đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Theo ông làm sao để có thể thúc đẩy nhà đầu tư giải ngân hết các số vốn cam kết?

- Ngoài lợi thế chung là Việt Nam ổn định về chính trị, kinh tế, nguồn nhân lực dồi dào, Chính phủ quyết tâm cải cách, sau đại dịch chúng ta còn có 2 ưu thế so với các nước: Đó là Việt Nam chống dịch rất giỏi, làm cho các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài cũng như các tổ chức quốc tế tin tưởng về năng lực điều hành của Chính phủ.

Tiếp đến, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 1,81%, là một trong những nước có khả năng có tăng trưởng về kinh tế trong bối cảnh các nước trong khu vực tăng trưởng âm. Như vậy, khả năng nền kinh tế Việt Nam nói chung và của DN Việt Nam là rất tốt.

Các tổ chức quốc tế họ phỏng vấn các NĐT đang hoạt động ở Việt Nam trên 50% đều muốn mở rộng và đầu tư vào Việt Nam; nhiều NĐT muốn đầu tư và chuyển dịch vào Việt Nam. Trong 62% DN chuyển dịch khỏi Trung Quốc thì 42% muốn đầu tư vào Việt Nam.

Hà Nội có lợi thế riêng so với các TP lớn ở châu Á. Hiện nhiều NĐT đều cho rằng Hà Nội là TP an bình nhất, nơi người dân trong nước muốn đến và sống, càng chứng tỏ từ cách sống cho đến sinh hoạt, hạ tầng cơ sở…

Với các lợi thế này, chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các nước trong thu hút đầu tư với điều kiện phải tiếp tục cải cách rất nhanh để làm sao thời gian cấp phép, thời gian triển khai dự án không được quá lâu làm mất cơ hội cho các NĐT, nhất là các NĐT và các tập đoàn kinh tế lớn.

Việc cần làm lúc này là phải đẩy nhanh các thủ tục để DN sản xuất, không thể bắt NĐT chờ đợi. Vì vậy, câu chuyện cải cách hành chính cần được thực hiện ráo riết, nghiêm túc. Không chỉ là quyết tâm của lãnh đạo TP Hà Nội mà chính là vai trò của cả hệ thống chính quyền từ sở, ngành, quận huyện…

Cần những đại bản doanh

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chia sẻ: “Có câu, muốn đón đại bàng phải có tổ lớn, muốn có cá to thì phải có ao sâu”. Theo ông, Hà Nội sẽ phải tạo "tổ lớn" như thế nào để đón "đại bàng"?

- Định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam đã được Nghị quyết 50 và Chỉ thị số 1, 2 của Thủ tướng Chính phủ ban hành vào đầu năm 2020 và sắp tới đây sẽ có một nghị quyết mới về đầu tư nước ngoài để thu hút các NĐT chuyển dịch.

Như tôi đã phân tích, Hà Nội có lợi thế rất nhiều trong thu hút đầu tư, quan trọng của Hà Nội hiện nay không phải là thu hút bao nhiêu mà quan trọng là chất lượng. Và muốn vậy, việc lựa chọn các dự án, NĐT là rất quan trọng. Chọn được các dự án lớn công nghệ cao hiện đại và không ai khác Hà Nội phải đi đầu trong sự lựa chọn đó.

Hiện nay Hà Nội chưa có được đại bản doanh của các tập đoàn kinh tế lớn. Trung Quốc đã có mấy trăm đại bản doanh của 500 tập đoàn lớn trên thế giới. Nghị quyết 50 yêu cầu, không chỉ thu hút đầu tư mà phải dịch chuyển đại bản doanh của các tập đoàn kinh tế lớn vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…Để làm được điều này chúng ta không chỉ coi trọng số lượng đầu tư từ các nước châu Á như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc mà còn thu hút đầu tư từ Mỹ, châu Âu.

Ví dụ Mỹ hiện nay đầu tư ra nước ngoài 4.000 tỷ USD, đầu tư vào Việt Nam hiện nay là 11 tỷ USD vốn đăng ký và thực hiện chỉ khoảng 6 tỷ USD. Con số này quá ít . Do đó Hà Nội phải tìm hiểu vì sao Mỹ chưa đầu tư vào Việt Nam và Hà Nội.

Muốn thu hút các tập đoàn lớn phải biết được chiến lược của họ đang muốn làm gì, cần phải làm gì để thu hút đầu tư. Có thể trực tiếp thông qua các tổ chức quốc tế để 2 bên gặp nhau. Có nghĩa phải xúc tiến đầu tư có địa chỉ, tìm đến các NĐT tiềm năng. Lúc đó gọi là thu hút “đại bàng lớn”. Các cơ quan làm xúc tiến đầu tư, làm thế nào có địa chỉ cụ thể.

Về cơ sở hạ tầng, Hà Nội nơi tập trung các viện nghiên cứu, các trường đại học, nguồn nhân lực chất lượng cao Hà Nội không thiếu, 5G của Hà Nội tốt hơn nhiều so với các nước… Hà Nội giờ có quan hệ với quốc tế, đặc biệt với Thủ đô của các nước, phải mở rộng quan hệ đối ngoại… và cần khai thác thế mạnh này nhiều. Cái mà cả nước cần thì Hà Nội đã có rồi. Vấn đề làm thế nào để thu hút đầu tư, trong đó xây dựng nền giáo dục có chất lượng cao hơn, giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường…

Hà Nội nên tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là xây dựng hệ thống thuế, kiểm toán tốt hơn. Đặc biệt, Hà Nội nên tập trung đầu tư thêm kết hợp với cải tạo, nâng cấp để có nhiều khu công nghiệp hiện đại, có đủ cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần chu đáo cho các NĐT…

Theo ông, TP Hà Nội có thể tận dụng thời cơ, đặc biệt là các Nghị quyết về cơ chế đặc thù thế nào?

- Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ có nói Thủ đô Hà Nội đang trình Bộ Chính trị và Quốc hội sửa Luật Thủ đô. Tôi rất ủng hộ, bởi Luật Thủ đô hiện nay chưa có cơ chế cho Hà Nội như các nước. Các nước luôn có cơ chế đặc biệt cho Thủ đô và chính quyền Thủ đô có quyền rất nhiều kể cả đầu tư, cơ chế tiền lương, PPP… Quan điểm của tôi là Chính phủ nên để cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tự quản đúng nghĩa.

Việc sửa Luật Thủ đô sắp tới là cần thiết với quan điểm làm cho Thủ đô tự chủ cao trong mọi phương diện để phát triển kinh tế - xã hội. Bởi 2 TP lớn nhất chiếm gần 50% GDP. Khi 2 TP phát triển sẽ có tác động lan tỏa cho cả vùng. Và quan trọng hơn khi có Luật Thủ đô phải có một chính quyền đô thị. Hoàn toàn khác so với chính quyền một tỉnh, phải như vậy mới phát huy được thế mạnh.

“Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, Thủ đô phát triển không chỉ đóng góp cho vùng mà còn cho cả nước. Các địa phương trong vùng cần có sự phối hợp gì với Hà Nội để thúc đẩy mạnh sự phát triển và đầu tư?

- Vùng Kinh tế có 3 yêu cầu, thứ nhất là ngoài khai thác lợi thế địa phương phải có lợi thế của một vùng. Thứ hai, giải quyết những vấn đề liên địa phương, ví dụ ô nhiễm một con sông không thể một tỉnh được. Thứ ba, làm thế nào đó để có thể có cơ chế chính sách, tiềm lực để các địa phương đóng góp, để làm thế nào mà cả vùng được hưởng.

Vùng đã được quy hoạch từ lâu rồi nhưng thực tế Vùng trong điểm phía Bắc này chỉ có một số phát triển đặc thù gần Hà Nội có cảng biển như Hải Phòng, có Bắc Ninh phát triển công nghiệp chế biến… Trong khi Thái Bình đặc trưng của lúa nước ở miền Bắc không rõ, Nam Định trước đây vai trò ngành dệt may rất lớn, giờ không thấy, Hà Nam cũng vậy không rõ… Du lịch chỉ có Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng phát triển, còn các nơi khác chưa có.

Đầu tư Vùng kinh tế vẫn dàn trải, ví như đầu tư các khu công nghiệp hiện nay khu nào cũng giống nhau, không có đặc thù. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với trọng tâm là "tam giác phát triển" gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, có nhiều điều kiện thu hút đầu tư công nghệ cao, chế biến chế tạo, điện tử, dịch vụ, tài chính ngân hàng, logistic, nông nghiệp công nghiệp cao; Có thế mạnh về nguồn nhân lực, hình thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao.

Và quan trọng nhất là Vùng kinh tế phải có cơ chế hoạt động. Các vùng kinh tế trọng điểm, nhất là các trung tâm kinh tế, phải là những điểm thu hút đầu tư, đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư khu vực và toàn cầu. Như hiện nay vẫn chưa giải quyết được gì.

Xin cảm ơn ông!

Như tôi đã phân tích, Hà Nội có lợi thế rất nhiều trong thu hút đầu tư, quan trọng của Hà Nội hiện nay không phải là thu hút bao nhiêu mà quan trọng là chất lượng. Và muốn vậy, việc lựa chọn các dự án, NĐT là rất quan trọng. Chọn được các dự án lớn công nghệ cao hiện đại và không ai khác Hà Nội phải đi đầu trong sự lựa chọn đó.

Trâm Anh (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-thu-hut-dau-tu-tao-to-lon-don-dai-bang-388836.html