Hà Nội thu phí ô tô nội đô: Đề xuất góp thêm 'tấn bi hài'?

Thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội được cho là đề xuất góp thêm 'tấn bi hài' khi trong luật chưa quy định việc này. Thu phí ô tô để giảm ùn tắc cũng chưa thật sự hiệu quả nếu người dân sử dụng xe máy thay bằng việc đi ô tô vào nội đô.

Mới đây, trong khi dư luận đang có nhiều ý kiến phản ứng về việc Sở GTVT TP HCM trình đề án thu phí ô tô vào Trung tâm thành phố với đề xuất UBND TP HCM sẽ đầu tư 250 tỷ đồng xây dựng 34 cổng thu phí ô tô vào nội đô để hạn chế ùn tắc giao thông, thì với lý do tương tự, Sở GTVT Hà Nội cũng vừa thống nhất với Viện Chiến lược và phát triển GTVT (đơn vị tư vấn) hoàn thành đề cương trình UBND TP Hà Nội dự thảo thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô.

Cụ thể, phương án được đưa ra là sẽ phân ra từng khu vực, tuyến phố có nguy cơ ùn tắc để hạn chế xe cơ giới đi vào. Khu vực đầu tiên được Sở GTVT Hà Nội đề xuất xác định để phân vùng cho ô tô sẽ phải đóng phí là từ vành đai 3 trở vào. Đồng thời, Thành phố cũng sẽ lập trạm thu phí tự động với công nghệ hiện đại tại khu vực vành đai 3.

Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc thu phí giao thông là để hạn chế sự di chuyển của phương tiện cơ giới cá nhân vào các khu vực tập trung mật độ giao thông cao. Việc này đã được nhiều nơi trên thế giới như: Singapore, London, Stockholm, Seoul, Dubai... áp dụng thành công.

 Thu phí ô tô vào nội đô liệu có giảm được ùn tắc giao thông?

Thu phí ô tô vào nội đô liệu có giảm được ùn tắc giao thông?

Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội lấy ví dụ tại Singapore, sau khi áp dụng thu phí, tỷ lệ sử dụng vận tải công cộng gia tăng 1,5 lần (từ 46% năm 1975 lên 67% năm 1998). Tương tự, tại London đầu năm 2003 hệ thống thu phí được triển khai đã khiến phương tiện cá nhân giảm tới 25%. Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc áp dụng thu phí ô tô vào nội đô ở Hà Nội cũng như các địa phương trên cả nước phải được nghiên cứu trên cơ sở đặc điểm và tình trạng hệ thống giao thông vận tải cũng như thói quen đi lại của người dân... mới có thể vận dụng thành công.

Tuy nhiên, ngay khi đề xuất trên được báo chí đăng tải, dư luận có nhiều ý kiến băn khoăn về việc thu phí vào nội đô mà Sở GTVT Hà Nội đề xuất dựa trên căn cứ pháp lý nào khi không có công trình đối tác công tư? Trong khi đó, chủ phương tiện đã đóng phí bảo trì đường bộ, phí môi trường, việc thu phí vào nội đô có dẫn đến tình trạng phí chồng phí? Nếu thu phí mà chỉ để giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm thì chỉ nên thu những ô tô đi vào nội đô, những ai không nộp phí thì không được vào có dẫn đến ách tắc ngay tại trạm thu phí?

Khi trao đổi về vấn đề này, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng đây là câu chuyện dài.

“Trên thế giới có nhiều nước đã thực hiện nhưng tùy theo đặc điểm tình hình kinh tế xã hội của từng vùng miền một, của từng thành phố chứ không phải làm giống nhau được. Về chủ trương, tôi ủng hộ nhưng về các biện pháp, tôi chưa ủng hộ. Phương án thu phí nội đô của Hà Nội là phương án cứng nhắc, không giải quyết được vấn đề một cách triệt để. Bởi hiện nay, hệ thống phương tiện công cộng hiện nay ở Hà Nội không đồng bộ chứ không như ở nước ngoài. Ngay hệ thống xe bus BTR đưa vào hoạt động đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa hiệu quả.

Ngay việc khoang vùng thu phí cũng phải băn khoăn bởi nếu từ vành đai 3 trở ra thì phải đi thu phí các tỉnh à. Ở nước ngoài họ thu tiền theo giờ, cụ thể vào giờ cao điểm mà anh đi xe thì anh bị thu tiền, vào những nơi trung tâm chật hẹp thì thu tiền trách nhiệm. Nên người dân nước đó họ tìm giờ nào đi để không mất tiền có thể 5h sáng họ dậy đi làm sớm. Còn ở Hà Nội, thu phí như thế nào cho hợp tình, hợp lý, cơ quan nhà nước và thành phố phải nghiên cứu kỹ chứ không phải cứ ra quy định, lập trạm là thu tiền”, ông Bùi Danh Liên nói.

Ở góc độ luật pháp, Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla cho rằng, hiện nay theo Luật Giao thông đường bộ chỉ được thu phí trong 2 trường hợp đó là phí tham gia giao thông và phí BOT.

“Trong trường hợp này, muốn thu phí vào nội đô, UBND TP Hà Nội và TP HCM phải chứng minh được đó là phí BOT, tức là nhà nước đầu tư, thu hồi và chuyển giao. Nếu không làm được điều đó thì không thể ngăn người dân thu tiền kiểu ngăn sông cấm chợ được. Như thế là vi phạm Luật An toàn giao thông. Hiện Thành phố HCM định xây dựng 34 cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm, trong khi Hà Nội cũng đề xuất thu phí từ vành đai 3 trở vào nhưng mà phải phù hợp với Luật. Bây giờ tất cả con đường cũ rồi đè ngửa ra thu, chặn phương tiện vào thì không đúng quy định”, Luật sư Trương Quốc Hòe nói.

Trong khi đó, trên thực tế hiện nay, việc thu phí ô tô vào trung tâm vẫn chưa có trong Luật Phí và lệ phí nên cần phải có khung pháp lý trước khi triển khai đề xuất này.

Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc thu phí giao thông là để hạn chế sự di chuyển của phương tiện cơ giới cá nhân vào các khu vực tập trung mật độ giao thông cao cũng nảy sinh nhiều mâu thuẫn.

Bởi trước đó, chủ trương dừng hoạt động xe máy từ năm 2030 tại các quận là một trong những nội dung của nghị quyết về tăng cường quản lý giao thông đường bộ, được HĐND TP Hà Nội thông qua giữa năm 2017. Tháng 3/2019, Sở GTVT Hà Nội cũng trình đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” để cấm hẳn xe máy trong các quận Trung tâm thành phố Hà Nội. Theo đề xuất này sẽ thực hiện làm 3 giai đoạn 2019 - 2025, 2026 - 2030 và sau năm 2030.

Trong trường hợp, Hà Nội tiến hành thu phí ô tô vào nội đô, người dân sẽ sử dụng xe máy làm phương tiện di chuyển để thay thế xe ô tô đỡ phải nộp phí thì đề xuất hạn chế xe máy thế nào khi các phương tiện công cộng như xe bus hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Một câu hỏi cũng được dư luận đặt ra, nếu thu phí xe ô tô vào nội đô thì phí đó sẽ được sử dụng vào mục đích gì. Hệ thống phương tiện có được đầu tư đồng bộ để giảm ùn tắc từ nguồn phí này hay không?

Người dân cho rằng, thu phí ô tô vào nội đô mà giảm được ùn tắc thì họ sẽ chấp nhận. Tuy nhiên, thu phí mà không giảm được ùn tắc thì sẽ khiến người dân bức xúc, phản ứng và sẽ tạo ra nhiều hệ lụy sau này.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/ha-noi-thu-phi-o-to-noi-do-de-xuat-gop-them-tan-bi-hai-1255953.html