Hà Nội tích cực đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Tốc độ trưởng khách du lịch đến Hà Nội không ngừng gia tăng, nhưng hiện du lịch Thủ đô vẫn đang gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng các sản phẩm đặc thù, có thương hiệu để tăng mức chi tiêu và lưu trú dài ngày hơn cho du khách.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, hoạt động du lịch Hà Nội đang tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển; công tác quản lý hoạt động du lịch được tăng cường; công tác quy hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch được tập trung; hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được mở rộng. Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch Hà Nội được bổ sung từng bước nâng cao chất lượng phục vụ. Đặc biệt, sản phẩm du lịch được chú trọng về chất và lượng, từng bước xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn để phát triển du lịch.

Nhờ đó, du lịch Thủ đô đã chủ động triển khai các giải pháp để giữ vững vị trí hàng đầu trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trên thể giới. Các chỉ tiêu về lượng khách du lịch đều đạt cao hơn so với cùng kỳ và đạt tỷ lệ cao với kế hoạch năm.

Hà Nội đang tích cực khai thác sản phẩm du lịch làng nghề

Hà Nội đang tích cực khai thác sản phẩm du lịch làng nghề

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội vẫn thừa nhận, hiện ngành du lịch Thủ đô còn thiếu các khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần quy mô lớn đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách du lịch. Quy mô các doanh nghiệp du lịch đa số còn nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao, chưa hình thành được doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh tầm cỡ quốc tế. Chất lượng dịch vụ du lịch ở nhiều điểm đến và công tác hướng dẫn du lịch tại điểm còn hạn chế.

Trên cơ sở thực tế đó, thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã có nhiều nỗ lực phát triển các tuyến, điểm du lịch đặc thù, như: Công bố điểm du lịch, khu du lịch cấp thành phố, các điểm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch như: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, Di tích nhà tù Hỏa Lò, khu du lịch Ao Vua, “Không gian áo dài Việt” Lanhuong Fashion House; “Không gian Văn hóa Hà Nội” tại di tích Đình Đồng Lạc; điểm tham quan, mua sắm Tan My Design, Áo dài OZ Silk...

Cùng với đó, tiến hành khảo sát các điểm đến và sản phẩm dịch vụ du lịch như: Làng dệt lụa Vạn Phúc, làng gốm sứ Bát Tràng, làng họa sĩ ở xã Cổ Đô - Ba Vì, xã Hồng Vân - huyện Thường Tín, Thanh Trì, Tây Hồ, Sóc Sơn, Đông Anh, Hoàn Kiếm, Phú Xuyên... Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các sản phẩm tour du lịch liên kết, kết nối các điểm đến du lịch của Hà Nội với các địa phương khác trong nước. Đến nay, các đơn vị, doanh nghiệp đã đưa vào khai thác tour du lịch tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội, tuyến du lịch Hà Nội vàng, 4 chương trình tour đi bộ khám phá phố cổ Hà Nội miễn phí cho du khách quốc tế; 5 tour tham quan miễn phí kết hợp đi bộ dành cho du khách quốc tế và khách ngoại tỉnh tới Hà Nội và tour “Cảm xúc Hà Nội” bước đầu được khách du lịch và nhân dân Thủ đô ủng hộ; khai trương tuyến buýt du lịch 2 tầng “Hà Nội City tour Hop on - Hop off” mang đến cho du khách thêm một lựa chọn về sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao đặc trưng cho Hà Nội.

Nhà hát lớn Hà Nội đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã tích cực tiếp tục hoàn chỉnh sản phẩm du lịch không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận từ 19h00 ngày thứ sáu đến 24h00 ngày chủ nhật hàng tuần. Toàn bộ khu vực được phủ sóng wifi miễn phí, cùng các hoạt động văn hóa đường phố phục vụ du khách và người dân, được nhân dân cả nước và khách quốc tế tích cực hưởng ứng, làm nổi bật được hoạt động văn hóa - du lịch của Thủ đô, là mô hình phát triển sản phẩm du lịch mới mang bản sắc riêng.

Thống kê, hiện Hà Nội đã có thêm nhiều sản phẩm du lịch được hoàn thiện và đưa vào phục vụ khách du lịch, như: Phố sách Hà Nội, không gian bích họa phố Phùng Hưng; các tuyến phố kinh doanh truyền thống tiếp tục được phát huy, cơ bản đáp ứng các tiêu chí văn minh thương mại: Chất lượng tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Hàng Giấy, chợ đêm Đồng Xuân từng bước được nâng lên; việc mở rộng không gian đi bộ sang 6 tuyến phố khu bảo tồn cấp I khu phố cổ tạo được ấn tượng và sức hút lớn của du khách; các tuyến phố chuyên doanh Đông Nam dược Lãn Ông, tơ lụa Hàng Gai, kim hoàn Hàng Bạc hình thành ngày càng rõ nét.

Đặc biệt, với hệ thống làng nghề dày đặc, Hà Nội cũng đặc biệt chú trọng khai thác, phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội, trong đó có việc kết nối một số tour du lịch đưa khách đến tham quan, mua sắm tại phòng trưng bày. Hỗ trợ 30 cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ làng nghề, tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới với tổng số 186 mẫu sản phẩm mới được tạo ra, trong đó, có 46 mẫu sản phẩm phục vụ du lịch.

Với định hướng phát triển này, ngành du lịch Hà Nội kỳ vọng sẽ ngày càng hấp dẫn du khách; đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm và lưu trú dài ngày hơn ở Thủ đô. Thời gian tới, nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du khách, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp lập và triển khai quy hoạch, đầu tư bảo tồn, nâng cấp chất lượng sản phẩm, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm; làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông trở thành điểm du lịch đạt chuẩn quốc gia và quốc tế; triển khai kế hoạch điều tra, khảo sát đề xuất danh mục các điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao và xác định bộ tiêu chí chuẩn công nhận điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố theo chi đạo của UBND Thành phố Hà Nội; tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì…

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-tich-cuc-da-dang-hoa-san-pham-du-lich-113763.html