Hà Nội tiếp nhận đầu tư đường sắt đô thị đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi

Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đang thực hiện tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi.

Liên quan đến tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi, Bộ Giao thông Vận tải bàn giao hồ sơ dự án cho UBND TP.Hà Nội để tiếp tục nghiên cứu, đầu tư.

Đồng thời, Bộ chủ trì phối hợp với Hà Nội xác định lộ trình đầu tư khu tổ hợp Ngọc Hồi, tuyến đường sắt vành đai phía Đông để thống nhất thời điểm bàn giao các đoạn tuyến đường sắt quốc gia cho TP.Hà Nội.

Theo đại diện lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), hiện tại, đơn vị đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ Giao thông vận tải (PMUR) thực hiện công tác bàn giao, tiếp nhận một phần hồ sơ tài liệu có liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP.Hà Nội, đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên (trước đây là Dự án đường sắt trên cao Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên) là dự án được ưu tiên số 1 trong các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội.

Đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt đối với hệ thống giao thông đô thị của Thủ đô và kết nối hệ thống vận tải đường sắt của ngành đường sắt Việt Nam và hệ thống đường sắt đô thị.

Được biết, Dự án Yên Viên - Ngọc Hồi được phê duyệt năm 2004, ban đầu giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư.

Năm 2007, Bộ GTVT tách dự án làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi và đoạn Gia Lâm - Giáp Bát với tổng mức đầu tư 19.460 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản hơn 13.970 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 5.480 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2017.

Tính đến năm 2022, sau 18 năm từ ngày được phê duyệt, dự án vẫn chưa triển khai thi công các gói thầu hiện trường. Một loạt công việc quan trọng như xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi, xây cầu đường sắt qua sông Hồng, di dời ga Hà Nội, Giáp Bát... vẫn chưa được triển khai.

Theo đó, một trong những vướng mắc khiến dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội bị chậm tiến độ là do Bộ Giao thông Vận tải đã dừng bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với dự án metro Yên Viên - Ngọc Hồi vì dự án này được điều chỉnh thành đường sắt đô thị và giao TP.Hà Nội làm chủ đầu tư.

Bộ Giao thông Vận tải bàn giao hồ sơ dự án cho UBND TP.Hà Nội để tiếp tục nghiên cứu, đầu tư. (Ảnh minh họa)

Bộ Giao thông Vận tải bàn giao hồ sơ dự án cho UBND TP.Hà Nội để tiếp tục nghiên cứu, đầu tư. (Ảnh minh họa)

Trước đó, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường sắt quốc gia qua TP.Hà Nội đi theo các tuyến vành đai phía Đông kết nối Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi (không đi vào trung tâm TP.Hà Nội).

Ngoài ra, các đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên và Gia Lâm - Lạc Đạo chuyển thành đường sắt đô thị sau khi tuyến vành đai phía Đông đưa vào khai thác. Thủ tướng cũng giao UBND TP.Hà Nội chủ trì nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt đô thị từ Yên Viên đi Ngọc Hồi.

Trong đó, tổ hợp ga Ngọc Hồi là điểm đầu của tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - TP.HCM có chức năng ga lập tàu của đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và khu depot của đường sắt đô thị.

Chính phủ cũng đã phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại quyết định số 396/QĐ-TTg ngày 17/4/2023.

Theo đó, định hướng Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt trong đó có đường sắt, huy động mọi nguồn lực đề đầu tư phát triển đường sắt, đảm bảo nguồn lực tài chính, phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, công nghiệp đường sắt, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; hợp tác quốc tế.

Ngọc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ha-noi-tiep-nhan-dau-tu-duong-sat-do-thi-doan-yen-vien-ngoc-hoi-post635714.html