Hà Nội tiếp tục được phủ xanh

Vào những ngày đầu Xuân mới Giáp Thìn 2024, nhiều địa phương ở Hà Nội đồng loạt tổ chức Lễ phát động 'Tết trồng cây'. Đây không chỉ là nét đẹp truyền thống mà còn cho thấy ý chí và quyết tâm của người Hà Nội trong việc phủ xanh TP, bảo vệ môi trường.

Trồng cây xanh trên địa bàn huyện Mê Linh ngày 19/2 vừa qua. Ảnh: Phạm Hùng

Quyết tâm lớn, hiệu quả cao

Như chúng ta đã biết, hệ quả nhãn tiền nhất của phát triển đô thị ồ ạt là sự thu hẹp không gian xanh. Theo số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, năm 2017, tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức thấp, chỉ từ 2 - 3m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên Hợp quốc là 10m2/người và chỉ tiêu của các TP hiện đại trên thế giới từ 20 - 25m2/người. Như vậy, tỷ lệ cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 - 1/10 của thế giới.

Trong đó, Hà Nội cũng không nằm trong vòng xoáy của cơn lốc đô thị hóa đó. Đáng tự hào là lãnh đạo TP đã sớm nhận ra và có những quyết sách quyết liệt trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát phát triển như: quy hoạch hành lang, vành đai xanh; quản lý nhằm khống chế, ngăn chặn bê tông hóa, hay các kế hoạch nâng cấp – mở rộng công viên, trồng thêm cây xanh đường phố “cho ước mơ TP vườn đến năm 2030” có tỷ lệ 70% hành lang xanh ngoại thị, 30% công viên và vườn hoa nội đô.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gay gắt,
Việt Nam đang từng bước thực hiện mạnh mẽ các cam kết cùng với sự hỗ trợ của các nước phát triển về công nghệ và tài chính để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái, trồng cây, bảo vệ rừng ngày càng trở nên quan trọng. Tôi cho rằng, Hà Nội đang đi đầu phong trào ấy và tôi mong Hà Nội – trái tim của cả nước sẽ lan tỏa tốt phong trào Tết trồng cây – bảo vệ môi trường.
PGS.TS Bùi Thị An

Cụ thể, từ năm 2016, Hà Nội đã bắt tay vào thực hiện 1 triệu cây xanh cho Thủ đô với kế hoạch dự kiến thực hiện trong 4 năm. Song chương trình này, Hà Nội đã về đích trước thời hạn đề ra 2 năm; tiếp tục xây dựng kế hoạch trồng bổ sung thêm 600.000 cây trong hai năm 2019, 2020. Kết quả thực hiện trồng cây xanh giai đoạn 2016 - 2020, toàn TP Hà Nội đã trồng được hơn 1.614.874 cây đô thị, bóng mát, cây lấy gỗ đạt 100,9% kế hoạch TP giao (chưa bao gồm 764.399 cây ăn quả; 155.200 cây đơn lẻ khóm và 471.672m2 cây mảng, thảm cỏ).

Trong giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó có chỉ tiêu, trồng mới 500.000 cây xanh đô thị, cải tạo nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có; hoàn thành đầu tư 5 công viên. Hiện tại UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 31/12/2021 cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP làm cơ sở triển khai thực hiện và rà soát trình UBND TP ban Kế hoạch trồng mới 500.000 cây xanh đô thị.

Theo số liệu từ Sở Xây dựng, lũy kế kết quả thực hiện từ 2021 đến tháng 4/2022, toàn TP đã trồng được hơn 164.000 cây xanh, trong đó: 60.646 cây đô thị, 103.372 cây bóng mát, lấy gỗ; ngoài ra còn trồng các cây xanh trang trí tạo cảnh quan, không gian xanh, mỹ quan đô thị với khối lượng 34.289 cây đơn lẻ, khóm và 76.818m2 cây mảng, thảm cỏ.

“So với TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ đất cây xanh công cộng tại Hà Nội đang gấp 3,7 lần, điều đó cho thấy sự nỗ lực rất lớn của chính quyền Hà Nội trong việc chống biến đổi khí hậu, phát thải nhà kính, ô nhiễm không khí… bảo vệ môi trường. Đáng mừng hơn, việc phát triển cây xanh của Hà Nội không còn tình trạng “xôi đỗ” mà có quy hoạch rõ ràng. Ở đó, vừa phủ xanh TP vừa mang lại dấu ấn - tôn vinh một Hà Nội xanh, đẹp. Mỗi tuyến đường gắn với thương hiệu của hàng cây xanh khác nhau. Hà Nội bây giờ không chỉ có con phố hoa sữa, còn có phố của hoa ban, cây bàng lá nhỏ… Và tôi tin, trong 5 năm tới, Hà Nội không chỉ là đô thị thông minh mà sẽ là đô thị thông minh sinh thái, tạo động lực mạnh thúc đẩy thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải về 0 năm 2050”- PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhìn nhận.

Tiếp tục đẩy mạnh phủ xanh toàn Thành phố

Được biết, năm 2024, toàn TP Hà Nội phấn đấu trồng mới 200.000 - 250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến giao thông đô thị; trồng khoảng 200.000 cây ăn quả; trồng mới và trồng bổ sung 20 - 30ha rừng; chăm sóc 3.546ha rừng trồng; quản lý, bảo vệ 6.483ha rừng phòng hộ, đặc dụng.

Trong đó, riêng đợt ra quân trồng cây đầu Xuân Giáp Thìn, TP phấn đấu trồng 100.000 - 120.000 cây xanh các loại, góp phần bảo đảm ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng. Về chủng loại cây, đối với trồng rừng là lim xanh, thông, keo, lát hoa, sao đen, de, mỡ…; trồng cây bóng mát như: muồng, sấu, phượng vĩ, bằng lăng, long não, ban Tây Bắc; trồng cây ăn quả như bưởi, nhãn, cam, quýt, táo…

Theo đó, những ngày đầu Xuân năm mới Giáp Thìn, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội đã đồng loạt tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây”, tạo khí thế sôi nổi với kỳ vọng hoàn thành Kế hoạch trồng cây xanh năm nay. Có thể kể đến như Cụm thi đua số 8 Công an TP Hà Nội (gồm các đơn vị Công an các quận Long Biên, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình) đã hăng hái tham gia trồng cây, tích cực bảo vệ môi trường không chỉ ở khuôn viên cơ quan đơn vị mà còn trồng nhiều cây xanh tại vườn hoa quận Long Biên. Sở Y tế Hà Nội trong hội nghị giao ban đầu năm Giáp Thìn cũng đã phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" nhân dịp Xuân Giáp Thìn năm 2024, góp phần thực hiện tốt việc cải tạo môi trường, tạo cảnh quan, sinh thái cho khu vực bệnh viện. Đồng thời, tạo ra phong trào thường xuyên, sâu rộng, nâng cao trách nhiệm của toàn thể cán bộ, nhân viên bệnh viện đối với công tác trồng cây, bảo vệ môi trường.

Cùng đó, tại các quận, huyện trên địa bàn TP cũng hưởng ứng tích cực Tết trồng cây và quyết tâm xanh hóa TP. Trong đó, huyện Thạch Thất phấn đấu năm 2024 trồng hơn 10.000 cây xanh phân tán và cây ăn quả các loại, như: sao đen, long não, lim, dổi, sưa hoa đỏ, lát hoa, vú sữa, sấu, trám, mỡ… hoặc một số cây khác phù hợp, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, tán đẹp, có bầu chắc, sạch bệnh, có sức sống khỏe, chiều cao cây từ 1 - 3m trở lên; bảo vệ và chăm sóc diện tích rừng hiện có, trồng mới và trồng bổ sung rừng. Huyện Quốc Oai cũng không kém cạnh khi đưa ra kế hoạch trồng 3.000 cây bóng mát, 10.000 cây ăn quả các loại và trồng mới, trồng bổ sung 10ha rừng tại các xã Đông Xuân, Phú Mãn, Hòa Thạch. Huyện Chương Mỹ phấn đấu trồng 35.000 cây xanh là lim, lát hoa, sao đen, sấu, long não, ban, sữa, phượng vĩ... tại các khu công sở, nhà văn hóa, trường học, khu di tích, đường liên thôn, liên xã, các khu đất lâm nghiệp quy hoạch trồng rừng tập trung... Huyện Thường Tín cũng phấn đấu trồng 19.600 cây các loại năm 2024.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, “Tết trồng cây” Hà Nội đẩy mạnh hành động phủ xanh TP là hoạt động có ý nghĩa thiết thực. Qua đó cho thấy, Hà Nội đã huy động được sự vào cuộc của đông đảo tầng lớp Nhân dân tham gia bảo vệ môi trường. Trong không khí sôi nổi ấy thể hiện rõ ở mỗi cá nhân với niềm vui, niềm tự hào khi được cống hiến công sức, trí tuệ góp phần làm cho môi trường sống của TP sáng - xanh - sạch - đẹp.

Thương Huế

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-tiep-tuc-duoc-phu-xanh.html