Hà Nội: Tiếp tục nâng cao năng lực cho hòa giải viên cơ sở

Với hơn 2.600 tổ hòa giải đạt 'Tổ hòa giải 5 tốt', tỷ lệ hòa giải ở cơ sở thành trên địa bàn Hà Hội ngày càng được nâng cao, góp phần giải quyết các điểm nóng, ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn Thủ đô.

Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” xuất phát từ việc Sở Tư pháp Hà Nội phối hợp với Thường Trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố xây dựng Chương trình phòng chống tội phạm của thành phố thí điểm trong năm 2002-2003. Hiệu quả từ mô hình, năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của các ban, ngành, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở, thành phố Hà Nội đã ban hành tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở và hướng dẫn thủ tục công nhận “Tổ hòa giải 5 tốt” trên địa bàn.

Với việc đưa ra 5 tiêu chí đã gắn trách nhiệm của chính quyền và hòa giải viên trong công tác hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn thành phố mỗi năm đều đạt trên 80%. Ngoài ra, để triển khai thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo gắn mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” với tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn. Theo đó, đối với xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác hòa giải, thì ngoài tiêu chí chung thì phải có trên 50% tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” cùng với đó là gắn tiêu chí đánh giá đơn vị cấp xã, cấp huyện thực hiện tốt công tác hòa giải.

Việc triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” trên địa bàn Thành phố cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND Thành phố trong công tác hòa giải giúp cho công tác hòa giải đi vào nề nếp, bài bản; góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, giảm mẫu thuẫn trong cộng đồng dân cư; khuyến khích chính quyền nhất là chính quyền cơ sở ở xã, phường, thị trấn, quan tâm hơn đến công tác hòa giải về kinh phí, hoạt động đối với công tác hòa giải ở cơ sở.

Vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội ngày càng được khẳng định và được đón nhận trong cộng đồng dân cư. Việc lựa chọn các hòa giải viên được chú ý hơn về năng lực, uy tín đã phát huy được nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả. Công tác khen thưởng đối với đội ngũ hòa giải viên, tổ hòa giải ở cơ sở ngày càng được quan tâm, lồng ghép với tổng kết công tác tư pháp cuối năm hoặc những đợt tổng kết chuyên đề công tác hòa giải ở cơ sở như sơ kết 3 năm, tổng kết 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.

Bên cạnh những kết quả tích cực mà mô hình này đem lại, việc thực hiện rà soát các tiêu chí đánh giá “Tổ hòa giải 5 tốt” vẫn còn một số vướng mắc do chưa được tập huấn về cách đánh giá, công nhận “Tổ hòa giải 5 tốt”. Cụ thể, nhiều vùng có tốc độ đô thị hóa nhanh, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế nên phát sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng “Tổ hòa giải 5 tốt”. Chế độ bồi dưỡng, kinh phí để chi trả cho công tác hòa giải còn hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác hòa giải, các hòa giải viên chưa thật sự tâm huyết đối với công việc. Mặt khác, trình độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận hòa giải viên còn hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân...

Chính vì vậy, đặt ra vấn đề cần tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho các hòa giải viên. Theo đó, các cấp chính quyền cần tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn việc đánh giá công nhận “Tổ hòa giải 5 tốt”; tăng cường việc thực hành thông qua các tình huống, vụ việc cụ thể để hòa giải viên tự phát hiện vấn đề, tìm ra nguyên nhân mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi được hòa giải ở cơ sở. Cùng với đó, các cấp có thẩm quyền cần quan tâm bố trí kinh phí đảm bảo cho nhiệm vụ đánh giá, công nhận “Tổ hòa giải 5 tốt”, hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hòa giải đúng, kịp thời theo quy định của pháp luật…

Lê Hồng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ha-noi-tiep-tuc-nang-cao-nang-luc-cho-hoa-giai-vien-co-so-post406766.html