Hà Nội: Tiếp tục tranh cãi về thời hiệu trong vụ Công ty Possco VST kiện đòi gần 3 triệu USD

Trong khi bị đơn và TAND quận Nam Từ Liêm cho rằng, thời hiệu khởi kiện đã hết do đơn khởi kiện lần 3 quá thời hạn 2 năm kể từ thời điểm tranh chấp phát sinh thì TAND TP Hà Nội xác định vẫn còn thời hiệu khởi kiện do đơn khởi kiện lần đầu nằm trong thời hiệu và TAND quận Nam Từ Liêm đã có lỗi khi chậm giải quyết đơn.

Chuyển cấp sơ thẩm vì án phức tạp

Báo Pháp luật Việt Nam ngày 8/5/2018 có bài phản ánh việc TAND quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) có Bản án số 02/2018/KDTM-ST ngày 5/1/2018 quyết định đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty TNHH Posco VST với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thanh Nam do đã hết thời hiệu khởi kiện. Ngày 29/5, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 5013 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao chỉ đạo kiểm tra, xem xét và giải quyết theo quy định pháp luật.

Cùng ngày, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm để xét kháng cáo của Công ty Posco VST. Trong phần nhận định, TAND TP Hà Nội cũng đánh giá, Công ty Posco VST khởi kiện trong thời hiệu khởi kiện. Quá trình thụ lý đơn khởi kiện, TAND quận Nam Từ Liêm đã chậm trễ trong việc giải quyết đơn là 462 ngày. Đây là thời gian không được tính vào thời hiệu khởi kiện, vì không phải lỗi của đương sự.

TAND TP Hà Nội cho rằng, đơn khởi kiện lần 3 của Công ty Posco VST là trong thời hiệu khởi kiện và đủ điều kiện giải quyết. Do đó, TAND TP Hà Nội đã hủy án sơ thẩm của TAND quận Nam Từ Liêm để xử lại vụ kiện này.

Sau khi thụ lý lại vụ án, TAND TP Hà Nội đã rút vụ án này lên để xét xử sơ thẩm vì tính chất phức tạp của vụ án, đặc biệt là quan điểm giữa hai công ty về khoản nợ có tranh chấp hiện rất trái ngược nhau.

Bị đơn phản pháo cả về thời hiệu và số nợ

Về phía bị đơn, đại diện Công ty Thành Nam cho rằng, việc TAND TP Hà Nội tính thời hiệu như bản án phúc thẩm là chưa đúng. Theo đó, thời điểm phát sinh tranh chấp là ngày 27/11/2013, thời điểm mà Công ty Thành Nam xác định là hai bên có bản đối chiếu công nợ với nhau. Theo quy định của Luật Thương mại thì thời hiệu khởi kiện là 2 năm nên Công ty Thành Nam cho rằng, tính đến thời điểm Công ty Posco VST nộp đơn khởi kiện lại (lần 3) ngày 7/11/2016 là hết thời hiệu khởi kiện. Đây cũng là quan điểm mà TAND huyện Từ Liêm đã nêu trong bản án sơ thẩm.

Theo Công ty Thành Nam, cùng một vụ án nhưng có nhiều cách tính thời hiệu khách nhau khiến cho doanh nghiệp hoang mang và chưa thấy thuyết phục về cách tính thời hiệu của Tòa án. “Tuy nhiên, với tư cách là một bên đương sự, chúng tôi không chờ đợi một bản án giải quyết chỉ liên quan đến thời hiệu mà cần một bản án nhận định về nội dung, đi thẳng vào bản chất vấn đề để chứng minh chúng tôi bị oan trước yêu cầu đòi nợ của Posco VST”, đại diện doanh nghiệp này khẳng định.

Về nội dung khởi kiện, Công ty Posco VST cung cấp mặt hàng thép không gỉ cho Công ty Thành Nam. Căn cứ vào các hóa đơn giá trị gia tăng đã xuất cho bên mua hàng, Công ty Posco VST đã đòi nợ đối với Công ty Thành Nam với số tiền hơn 58 tỷ đồng.

Trong hồ sơ vụ kiện, các biên bản đối chiếu công nợ giữa kế toán trưởng hai doanh nghiệp đã thể hiện nội dung công nợ này nhưng sau đó Công ty Thành Nam không công nhận số nợ do kế toán trưởng không phải là đại diện theo pháp luật có thẩm quyền xác nhận công nợ và Công ty Thành Nam cũng cho rằng, việc xuất hóa đơn không phản ánh đúng bản chất số nợ và quan hệ mua bán giữa hai Công ty này.

Công ty Thành Nam khẳng định, theo trình bày của Posco VST tại hồ sơ khởi kiện thì do số lượng hợp đồng và giá trị giao dịch rất lớn nên việc thanh toán giữa hai công ty được thống nhất thực hiện theo phương thức cộng dồn mà không phải là theo từng hợp đồng đã ký, điều này là không đúng sự thật và không đúng pháp luật vì hai bên chưa có văn bản thống nhất phương thức thanh toán “cộng dồn” và biên bản đối chiếu công nợ cũng không phải là văn bản thỏa thuận về vấn đề này.

Trước yêu cầu đòi nợ hơn 58 tỷ đồng (cộng dồn theo hóa đơn), Công ty Thành Nam cho rằng, nguyên đơn là Công ty Posco VST không chứng minh được khoản nợ trên là của hợp đồng nào; tranh chấp hợp đồng nào mà chỉ đưa ra một số nợ dựa trên văn bản xác nhận nợ của người không có thẩm quyền là không có căn cứ.

“Biên bản ngày 27/11/2013 thể hiện việc đối chiếu công nợ giữa hai bên, theo đó đại diện của Công ty Posco VST là kế toán trưởng và nhân viên kinh doanh; đại diện của Công ty Thành Nam là bà Nguyễn Thị Liên và Trịnh Tú Anh (không rõ chức danh), số liệu đối chiếu trong biên bản chênh lệch hơn 1,6 triệu đồng. Như vậy, đây chỉ là tác nghiệp của cán bộ không có chức danh và thẩm quyền và nội dung đối chiếu đều không đúng. Chúng tôi cần nguyên đơn đưa ra chứng từ gốc là biên bản giao nhận hàng và các cơ sở xác lập chứng từ để chứng minh khoản nợ là có thật”, trong văn bản gửi Báo Pháp luật Việt Nam, Công ty Thành Nam cho biết.

Về phía nguyên đơn, Công ty Posco VST căn cứ vào số lượng hóa đơn đã xuất và biên bản đối chiếu công nợ của kế toán hai bên để xác nhận nợ. Nguyên đơn cho rằng việc đưa ra yêu cầu đòi nợ că cứ vào những tài liệu có giá trị pháp luật, vì hóa đơn giá trị gia tăng đã được sử dụng để kê khai và nộp thuế cho nhà nước. Trong đơn khởi kiện gửi tòa án, Công ty Posco VST cũng nêu chứng cứ để đòi khoản nợ này bao gồm cả báo cáo tài chính của bị đơn và văn bản mà đại diện theo pháp luật của bị đơn gửi Công ty Posco VST.

Ngày mai, 28/9 TAND TP Hà Nội sẽ xét xử vụ án này. Suốt 4 năm tranh chấp với nhau khoản liên quan đến khoản tiền 58 tỷ đồng, hai doanh nghiệp nhiều lần đến tòa nhưng chưa có một phán quyết rõ ràng về khoản tiền này là “nợ” hay “không nợ” và phiên tòa này hy vọng sẽ là một phiên tòa sòng phẳng để hai bên làm rõ các căn cứ pháp lý cả về thời hiệu, số nợ với tinh thần thượng tôn pháp luật.

Nhật Khang

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thi-truong/ha-noi-tiep-tuc-tranh-cai-ve-thoi-hieu-trong-vu-cong-ty-possco-vst-kien-doi-gan-3-trieu-usd-414714.html