Hà Nội: Tìm địa điểm để xe cho người kinh doanh mặt phố

Các 'hoạt động văn hóa' trên vỉa hè cần phải được quản lý để nó thực sự trở thành nét đẹp của Thủ đô, không để biến tướng trở nên nhếch nhác.

Người đi bộ đã được đi trên vỉa hè

Những ngày này, vỉa hè tại một số tuyến phố như Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Tre, Hàng Vôi, đường Láng, Tây Sơn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học… đã được dẹp thông thoáng hơn. Tại những khu phố có vỉa hè rộng, thành phố không cấm hoàn toàn việc kinh doanh buôn bán hay để xe trên vỉa hè mà phân định ranh giới nơi để xe, kinh doanh, nơi dành chỗ cho người đi bộ bằng những vạch sơn.

Vỉa hè Hà Nội đã quang đãng hơn trong những ngày qua.

Vỉa hè Hà Nội đã quang đãng hơn trong những ngày qua.

Tiếp theo quận Hoàn Kiếm, từ ngày 7/3, lực lượng chức năng quận Hoàng Mai đã ra quân kiểm tra, xử lý những vi phạm. Trước khi ra quân xử lý, quận Hoàng Mai đã làm công tác vận động, tuyên truyền những hộ kinh doanh trên địa bàn không lấn chiếm vỉa hè trái phép. Với những vỉa hè rộng trên 2,5m, quận đã kẻ vạch sơn xác định khu vực nào được để xe, khu vực nào dành chỗ cho người đi bộ.

Một lãnh đạo Công an quận Đống Đa cho biết, trong 3 tháng gần đây, quận đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm, lập lại trật tự vỉa hè trên địa bàn. Trước tình trạng một số nơi lại xảy ra tình trạng tái chiếm vỉa hè, quận xác định sẽ tiếp tục xử lý và coi việc lập lại trật tự vỉa hè là việc thường xuyên, liên tục.

Tìm một giải pháp hài hòa

Khu phố cổ Hà Nội lâu nay hấp dẫn du khách trong và ngoài nước có một phần không nhỏ bởi “văn hóa vỉa hè” nơi đây. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, các hoạt động diễn ra trên vỉa hè ở những khu phố cổ được xem là nét độc đáo cần giữ gìn và khai thác nó như di sản phi vật thể. Tuy nhiên, các “hoạt động văn hóa” trên vỉa hè cần phải được quản lý để nó thực sự trở thành nét đẹp của Thủ đô, chứ không làm cho bộ mặt Thủ đô nhếch nhác, thậm chí gây ách tắc giao thông.

Cần một giải pháp hài hòa trong việc xử lý các vi phạm vỉa hè?

Chị Giovanna, người Pháp chia sẻ: “Hà Nội nên sắp xếp lại để người dân kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè có trật tự vừa tạo điều kiện cho họ kiếm sống vừa làm nên những nét riêng của từng khu phố cổ”.

Bà Dung, 95 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, ủng hộ chủ trương lập lại trật tự vỉa hè của thành phố. “Có thể thời gian đầu mọi người chưa quen nhưng về lâu dài mọi người sẽ tìm cách thích ứng, đồng thời đem lại vẻ đẹp cho khu phố, thu hút thêm khách tham quan”.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã nghiên cứu về địa điểm để xe máy của các hộ dân, hộ kinh doanh trên các tuyến phố, đặc biệt là khu vực phố cổ, yêu cầu hộ kinh doanh và các đơn vị trên địa bàn chấp hành nghiêm giới hạn cho phép, dành diện tích cho người đi bộ.

Theo KTS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị ở Hà Nội, vỉa hè không chỉ dành cho người đi bộ mà còn là không gian giao tiếp, không gian xã hội, mang tính cộng đồng, hình ảnh mà người nước ngoài rất thích. Các tuyến phố ở châu Âu sạch sẽ nhưng vắng ngắt, không có hồn như ở ta. Tuy nhiên, vỉa hè đang bị cuốn vào cơn lốc của nền kinh tế thị trường, làm cho bộ mặt đô thị nhếch nhác. Việc ra quân lập lại trật tự vỉa hè là một chủ trương đúng nhưng cách làm cần nghiên cứu để hài hòa.

Chuyển kế sinh nhai cho người dân?

Tại Hội nghị về trật tự đô thị Hà Nội ngày 4/3 vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Chủ tịch quận Đống Đa khảo sát tất cả các phường xem có bao nhiêu người nghèo bán nước chè trên vỉa hè, hỗ trợ họ chuyển nghề trong 6 tháng. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi ý kiến một số người dân về việc này, họ cho rằng những người bán trà đá lấn chiếm vỉa hè là đã vi phạm pháp luật. Nếu hỗ trợ họ chuyển đổi nghề thì còn bao nhiêu người khó khăn không có nghề nghiệp thành phố có hỗ trợ không? Chị Bùi Lan (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Thành phố cần kiên quyết dẹp bỏ những hàng quán bán rong lấn chiếm vỉa hè, bởi họ làm nhếch nhác bộ mặt thành phố, chỉ để cho những gia đình có nhà mặt phố được kinh doanh, nhưng yêu cầu họ ký cam kết không được lấn chiếm vỉa hè trái phép, nếu vi phạm phạt nặng, thậm chí bắt đóng cửa cửa hàng”.

Ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, vỉa hè ở đô thị có chức năng giao thông chứ không nên giao thêm cho nó chức năng giải quyết việc làm và thu nhập của người dân. Chính quyền phải xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân, đào tạo nghề, hỗ trợ họ tìm việc làm ở những cơ sở sản xuất kinh doanh, thậm chí xuất khẩu lao động. Khi người dân có nguồn thu ổn định sẽ hạn chế những mặt tiêu cực. “Không hy sinh trật tự giao thông để đổi lấy thu nhập cho người dân” - ông Trường nhấn mạnh./.

Minh Thư/Báo TNVN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-tim-dia-diem-de-xe-cho-nguoi-kinh-doanh-mat-pho-601423.vov