Hà Nội tìm giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản làng Cựu

Tọa đàm 'Làng Cựu trong cuộc sống đương đại' là cuộc thảo luận đa chiều, nhằm phát triển, phương thức lưu giữ và phát huy di sản này trong cuộc sống đương đại.

Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, ngày 25/11, tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm diễn ra tọa đàm "Sức sống mới của làng cổ - Làng Cựu trong cuộc sống đương đại".

Làng Cựu (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) - ngôi làng cổ hơn 500 năm tuổi chỉ cách trung tâm Thủ đô 40km, nổi tiếng với nét đẹp cổ kính, trầm mặc cùng những căn biệt thự có kiến trúc độc đáo pha trộn giữa Việt - Pháp - Hoa và nghề may “đệ nhất Hà Thành” cách đây trên dưới 100 năm.

Làng Cựu nổi tiếng với nét đẹp cổ kính, trầm mặc cùng những căn biệt thự có kiến trúc độc đáo. Ảnh: TL

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nơi đây vẫn giữ được dấu ấn truyền thống đặc trưng. Trong làng vẫn còn lưu giữ đậm đặc cấu trúc của làng quê với dãy nhà cổ trầm mặc, giếng làng trong mát, cổng làng, chùa làng cổ kính… Đây thực sự là một kho báu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật quý giá, đem lại nhiều tiềm năng về du lịch.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra các ý kiến nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của làng Cựu, gắn với phát triển du lịch theo mô hình làng nghề - du lịch và làng di sản - du lịch; hướng tới mục tiêu đưa làng Cựu trở thành một trung tâm sáng tạo của Thủ đô.

Theo các chuyên gia Khoa Kiến trúc và Quy hoạch thuộc Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, làng Cựu chứa đựng nhiều giá trị, tiềm năng phát triển thành không gian sáng tạo, bởi ở đây chứa đựng hạ tầng văn hóa sáng tạo, trên cả vật thể và phi vật thể.

Lịch sử làng Cựu là lịch sử của sự hồi sinh và sự sáng tạo trong chuyển đổi kinh tế, không gian kiến trúc cảnh quan được xây dựng ngẫu hứng sáng tạo pha trộn kiến trúc phương Tây trên nền tảng truyền thống của không gian làng đồng bằng Bắc Bộ. Bởi vậy, nếu khai thác giá trị làng cổ cho hoạt động sáng tạo sẽ mang lại nhiều hiệu quả cho việc bảo tồn, khai thác phát triển văn hóa, du lịch.

Các đại biểu đến từ nước ngoài đã chia sẻ các kinh nghiệm hồi sinh di sản gắn với sự phát triển của các thành phố sáng tạo; đồng thời giới thiệu dự án “Thương hiệu Làng Cựu” nhằm tăng cường cơ hội quảng bá, phát triển nghề may mặc của làng Cựu và công nghiệp may mặc của Việt Nam tới thị trường châu Âu.

Là người chuyên nghiên cứu về không gian phố và văn hóa phố truyền thống ở các nước châu Á, TS Mongol Khan, giảng viên Khoa Kiến trúc, Đại học Công nghệ Rajamangala Thanyaburi (Thái Lan) chia sẻ về sự hồi sinh di sản, giải pháp sáng tạo cho quận văn hóa từ kinh nghiệm châu Á.

Ông Alberto Sebastianelli - Chủ tịch Công ty TNHH Nền tảng Truyền thông và Văn hóa (Italy) cho biết đang phối hợp với huyện Phú Xuyên, Trường Đại học Xây dựng chuẩn bị tổ chức sự kiện “Làng Cựu: Expo Fest” vào tháng 3/2024 nhằm phát triển văn hóa, du lịch và thương mại của làng, huyện Phú Xuyên.

Đại diện huyện Phú Xuyên cho biết, hiện nay, những ngôi nhà ở làng Cựu đang được chính quyền địa phương và các hộ dân phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất TP Hà Nội cho phép lập phương án trùng tu để bảo tồn các giá trị lịch sử.

Lễ ký kết hợp tác thực hiện các phương án bảo tồn và phát triển làng Cựu. Ảnh: HNM

Theo Ban Tổ chức, tọa đàm về làng Cựu hôm nay là cuộc thảo luận đa chiều giữa lãnh đạo và người dân địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp đầu tư về tiềm năng phát triển, phương thức lưu giữ và phát huy di sản này trong cuộc sống đương đại.

Các chuyên gia về quy hoạch phát triển và bảo tồn di sản đã mang tới một góc nhìn sâu sắc về giá trị, vai trò của làng Cựu trong dòng chảy văn hóa, mô hình phát triển du lịch làng nghề và làng du lịch di sản tại vùng đồng bằng sông Hồng.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-tim-giai-phap-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-lang-cuu-post273980.html