Hà Nội tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14, ngày 19-6-2020, của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và Quyết định số 1472/QĐ-TTg, ngày 28-9-2020, của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo kế hoạch, các cấp, các ngành thành phố sẽ rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Tham mưu và triển khai thực hiện hiệu quả các quyết định, đề án, chương trình về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em với nội dung, hình thức phong phú, bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, quan tâm đối với vùng dân tộc thiểu số, trong đó, chú trọng giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, trợ giúp pháp lý cho trẻ em, hướng dẫn trẻ em nhận biết các nguy cơ bị xâm hại, kỹ năng phòng tránh, bảo vệ bản thân. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục với thời lượng và khung giờ phù hợp với trẻ em; đăng, phát tin, bài, phóng sự, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp, phương pháp tuyên truyền đặc biệt tăng thời lượng thông tin, tuyên truyền, phố biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Tăng cường tuyên truyền về công tác bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trên hệ thống thông tin cơ sở thông qua các hình thức: Đài truyền thanh, bảng tin công cộng và các hình thức thông tin cơ sở khác. Huy động, thu hút sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tập trung nguồn lực và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ cho học sinh, chú trọng nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh trường nội trú, bán trú, nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; lồng ghép nội dung hướng dẫn học sinh sử dụng mạng internet an toàn, hiệu quả trong chương trình giáo dục tin học; trang bị kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên trong phòng, chống xâm hại trẻ em; cung cấp thông tin, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em cho cha, mẹ học sinh.

Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh trong gia đình nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và những hủ tục lạc hậu đối với trẻ em; trang bị cho gia đình kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đào tạo nhân viên công tác xã hội; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em cho điều tra viên, thẩm phán; nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý trong việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em bị xâm hại, cho cán bộ y tế trong chăm sóc, tư vấn sức khỏe đối với trẻ em bị xâm hại.

Song song thu thập, quản lý chặt chẽ, hiệu quả số liệu trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn, thành phố sẽ tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em đặc biệt trong việc hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại; xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa 3 môi trường giáo dục: Gia đình, nhà trường, xã hội và giữa các cấp, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức với trẻ em nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để thu thập, báo cáo về tình hình thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Thành phố cũng sẽ tăng cường công tác nắm bắt tình hình, chủ động phát hiện những hành vi xâm hại trẻ em. Kịp thời tiếp nhận, xác minh, điều tra, kết luận, xử lý đối tượng vi phạm nghiêm minh theo quy định pháp luật, đồng thời, tiến hành can thiệp, hỗ trợ hiệu quả trẻ em, bảo vệ an toàn cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại; đảm bảo các quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em, không để nạn nhân bị tổn thương trong quá trình điều tra, xử lý đối tượng vi phạm. Bảo đảm nguồn lực phù hợp cho công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em. Tiếp tục xây dựng, duy trì, phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ trẻ em; bảo đảm các trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, trẻ em bị xâm hại được áp dụng biện pháp hỗ trợ, can thiệp. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh nơi công cộng, từng bước trang bị hệ thống kỹ thuật giám sát an ninh nhất là khu vực trường học, cơ sở trợ giúp xã hội, chung cư, khu vui chơi, giải trí của trẻ em; ưu tiên bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em...

TQ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-to-chuc-thuc-hien-hieu-qua-chinh-sach-phap-luat-ve-phong-chong-xam-hai-tre-em-220014.html