Hà Nội tổ chức trọng thể gặp mặt kỷ niệm 50 năm ''Chiến thắng trở về''

Ngày 22/3, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức trọng thể gặp mặt kỷ niệm 50 năm 'Chiến thắng trở về' của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc, hiện đang sinh sống trên địa bàn Hà Nội.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại trại giam Phú Quốc gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tham dự gặp mặt kỷ niệm có đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Trưởng ban đại diện Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày TP Hà Nội; đại biểu 14 ban liên lạc chiến sĩ cách mạng các nhà tù; cùng 552 trên tổng số 864 đại biểu chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại trại giam Phú Quốc hiện đang sinh sống trên địa bàn TP.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và TP Hà Nội dự buổi gặp mặt. Ảnh: Viết Thành

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và TP Hà Nội dự buổi gặp mặt. Ảnh: Viết Thành

Mở đầu buổi gặp mặt, đồng chí Lê Tiến, Ủy viên Thường trực Ban đại diện Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày TP Hà Nội đã trình bày báo cáo về tình hình hoạt động truyền thống của Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc TP Hà Nội. Theo đó, tồn tại từ tháng 6/1967 đến tháng 3/1973, trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc đã giam giữ hơn 40.000 lượt chiến sĩ cách mạng. Tại đây, nhiều chiến sĩ đã bị giam cầm trong các nhà đá, bị đánh đập, tra tấn dã man (dùng que thép nung đỏ xuyên vào bắp thịt, bẻ răng, rút móng tay, nhốt "chuồng cọp"...).

“Không khuất phục trước những đòn tra tấn tàn bạo, những thủ đoạn chiến tranh tâm lý nham hiểm, các chiến sĩ cách mạng luôn giữ vững ý chí; biến nhà tù thành trường học, thành lập các tổ chức Đảng, đoàn, hội đồng hương, tổ chức các hoạt động văn nghệ, giáo dục đạo đức cách mạng ngay trong chính trại giam; tập thể dục, làm thơ, học Di chúc của Bác; tổ chức vượt ngục bằng nhiều hình thức, trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ địch”, báo cáo nêu rõ.

Đồng chí Lê Tiến, Ủy viên Thường trực Ban đại diện Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày TP Hà Nội báo cáo tại buổi gặp mặt. Ảnh: Viết Thành

Theo đồng chí Lê Tiến, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội còn 864 chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại trại giam Phú Quốc đang sinh sống. Trở về với đời thường, mặc dù còn nhiều khó khăn, song các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, nhất là hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, các hoạt động xã hội từ thiện. Trong đó, đã phối hợp xuất bản 5 tập sách "Kiên trung bất khuất", ủng hộ hàng trăm triệu đồng tặng nhân dân vùng lũ lụt... Các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày TP Hà Nội còn tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có 46 đồng chí tham gia công tác Đảng, 68 đồng chí tham gia công tác chính quyền, 108 đồng chí tham gia công tác đoàn thể...

Chia sẻ cảm nghĩ trong ngày hội ngộ đặc biệt này, đồng chí Đào Đức Viên, Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Gia Lâm cho biết, kỷ niệm 50 năm "Chiến thắng trở về" giúp ông và đồng đội nhớ lại những ngày chia tay gia đình, bạn bè, người thân theo lời kêu gọi của Bác Hồ; vì Tổ quốc thiêng liêng lên đường hành quân ra tuyến đầu đánh Mỹ. Đồng chí Đào Đức Viên xúc động: “Những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày chúng tôi nguyện góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng. Đoàn kết một lòng, sẵn sàng làm mọi việc có thể làm để xây dựng và bảo vệ Thủ đô, đất nước”.

Để ghi nhận những đóng góp của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, UBND TP Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 50 cá nhân thuộc Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại trại giam Phú Quốc TP Hà Nội.

Thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, 50 năm đã trôi qua, sau khi hiệp định Paris được ký kết, ngày trở về từ “địa ngục trần gian” của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại trại giam, nhà tù đế quốc đã trở thành sự kiện quan trọng không thể phai mờ trong ký ức của hàng nghìn chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, giam cầm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Bằng khen tặng các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Viết Thành

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thông tin, TP đã tích cực vận động toàn dân, các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”; thực hiện tốt chế độ trợ cấp hằng tháng cho người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày kết hợp với nhiều hoạt động thiết thực, như: Tổ chức điều dưỡng luân phiên hai năm một lần; cấp vé xe buýt miễn phí cho thương binh, bệnh binh, người có công, tổ chức tham quan di tích lịch sử cách mạng, thăm lại chiến trường xưa…

Thông tin đến các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP Hà Nội năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và những năm tiếp theo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, nhiệm vụ giai đoạn tới còn nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng bộ phải đoàn kết, chung sức đồng lòng, quyết tâm cao thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2023 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII; Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chi Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/ha-noi-to-chuc-trong-the-gap-mat-ky-niem-50-nam-chien-thang-tro-ve--i687476/