Hà Nội triển khai Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2018

Theo điều tra mới nhất của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam vẫn ở mức cao, 24,4%.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, việc bổ sung Vitamin A hàng năm cho trẻ là biện pháp quan trọng để việc phát triển của trẻ được toàn diện. Ảnh: DN

Ngày 23/5, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch “Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2018”.

Tại Hội nghị, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, bên cạnh tình trạng đáng lo ngại là trẻ béo phì ở học sinh có xu hướng gia tăng thì tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi ở Hà Nội vẫn còn cao (khoảng 15%). Hiện giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi vẫn là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của TP.

Theo ông Hạnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng nói chung ở trẻ em là thiếu các vi chất dinh dưỡng cần thiết. Do vậy, việc triển khai chiến dịch Ngày vi chất dinh dưỡng hàng năm nhằm cân đo, bổ sung Vitamin A liều cao và vi chất dinh dưỡng khác cho trẻ có ý nghĩa rất quan trọng.

Chiến dịch “Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2018” được tổ chức thành 2 đợt. Đợt 1 diễn ra ngày 1, 2/6, uống vét đến ngày 4/6; đợt 2 từ ngày 1, 2/12, uống vét đến 4/12/2018.

Trong chiến dịch Ngày vi chất dinh dưỡng năm nay, tại tất cả các xã phường trên địa bàn TP. Hà Nội sẽ đồng loạt tổ chức cân, đo chiều cao và cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi; trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao và bà mẹ sau đẻ trong vòng 1 tháng được uống bổ sung vitamin A liều cao.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nêu rõ, tất cả trẻ em vãng lai hay đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội cũng đều được cân đo, uống vitamin A liều cao miễn phí.

Mục tiêu thành phố đề ra là đạt 99,8% trẻ từ 6-36 tháng tuổi; trên 95% trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao và bà mẹ sau đẻ dưới 1 tháng trên địa bàn được uống Vitamin A liều cao trong 2 đợt chiến dịch.

Về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam thời gian qua, theo ông Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết thêm, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em thấp còi còn ở mức cao 24,3% và có sự chênh lệnh khá lớn giữa các vùng miền, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc; tỷ lệ thừa cân béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh nhất ở các khu vực thành thị, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, ăn mặn, ăn ít rau, thiếu vận động thể lực làm gia tăng nguy cơ bệnh tật, đặc biệt là bệnh không lây nhiễm.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ha-noi-trien-khai-ngay-vi-chat-dinh-duong-nam-2018.aspx