Hà Nội triển khai sách giáo khoa mới - Bài cuối: Đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh lớp 10

Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên các trường học trên cả nước triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10.

SGK lớp 1 mới đưa vào sử dụng từ năm học 2020 - 2021 được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành trong toàn quốc với các hệ thống bán lẻ tại địa phương, đảm bảo cung ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời đến các nhà trường, học sinh, giáo viên. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN

SGK lớp 1 mới đưa vào sử dụng từ năm học 2020 - 2021 được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành trong toàn quốc với các hệ thống bán lẻ tại địa phương, đảm bảo cung ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời đến các nhà trường, học sinh, giáo viên. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN

Một trong những điểm mới cơ bản là ngoài các môn học bắt buộc, học sinh được lựa chọn một số môn học. Với mục tiêu triển khai công tác dạy và học chất lượng, đáp ứng nguyện vọng học tập của học sinh, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai chương trình.

Cơ hội học tập chuyên sâu

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 10 phải học một số môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Bên cạnh đó, học sinh được tự chọn một số môn học, chia thành các nhóm môn cơ bản: Nhóm môn Khoa học xã hội (Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật...); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Riêng môn Lịch sử sẽ bao gồm nội dung bắt buộc với tất cả học sinh và nội dung tự chọn, dành cho những học sinh yêu thích môn học này.

Nhiều học sinh cho rằng, việc lựa chọn môn học sẽ tạo cơ hội cho các em tăng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu của môn học mà học sinh yêu thích. Tuy nhiên, một số phụ huynh học sinh lại băn khoăn khi chưa biết kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và quy chế tuyển sinh đại học sẽ thay đổi như thế nào trong những năm tới.

Em Dương Yến Trang, học sinh lớp 10 Trường Trung học Phổ thông Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Em chọn nhóm môn Khoa học xã hội do yêu thích môn Lịch sử và có ý định xét tuyển đại học khối C. Được lựa chọn môn học sẽ giúp em được học nhiều hơn, sâu hơn về môn Lịch sử và hai môn còn lại của khối C”.

Còn em Bùi Chí Công, học sinh lớp 10 Trường Trung học Phổ thông Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình) lại chọn học nhóm môn Khoa học tự nhiên. Công cho biết, em lựa chọn như vậy để có thể học chắc cả hai khối A00 (Toán, Vật lý, Hóa học) và A01 (Toán,Vật lý, Tiếng Anh).

Cùng con lựa chọn nhóm môn Khoa học xã hội song anh Phạm Hải Lương, phụ huynh em Phạm Vân Anh, học sinh lớp 10 Trường Trung học Phổ thông Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) lại băn khoăn khi nghĩ tới việc tuyển sinh đại học khi lứa học sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023 tốt nghiệp Trung học phổ thông.

“Gia đình tôi đã cùng con thảo luận kỹ khi lựa chọn tổ hợp môn học dựa trên năng lực và thế mạnh của con, đồng thời định hướng nghề nghiệp cho con sau này. Tuy nhiên, gia đình cũng rất băn khoăn, liệu quy chế tuyển sinh đại học sẽ thay đổi như thế nào và có phù hợp với việc đổi mới này hay không?”, anh Phạm Hải Lương bày tỏ.

Đáp ứng nguyện vọng học tập

Trong buổi kiểm tra thực tế tại một số trường phổ thông trên địa bàn huyện Mê Linh và có cuộc làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, một số trường học trên địa bàn thành phố hồi tháng 4/2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đánh giá, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã sẵn sàng các điều kiện cơ bản để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 từ năm học 2022 - 2023.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô cần tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết, trong đó lưu ý việc xây dựng các tổ hợp môn phù hợp điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở từng trường. Bên cạnh đó, Hà Nội cần chuẩn bị về đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt chuẩn đào tạo về năng lực, đổi mới sáng tạo theo chuẩn chương trình mới.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, so với cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở, thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa lớp 10 sẽ phức tạp hơn bởi với cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở là kiến thức cơ bản mang tính chất nền tảng nhưng đối với cấp Trung học Phổ thông mục tiêu là định hướng nghề nghiệp.

“Nếu các em lựa chọn các tổ hợp không đều nhau sẽ dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Vì vậy, cần nghiên cứu để làm sao có thể tuyển sinh, xếp lớp phù hợp với điều kiện của nhà trường nhưng đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu của các em trong việc lựa chọn môn học”, ông Phạm Xuân Tiến cho biết.

Về vấn đề này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức một số cuộc hội thảo bàn về giải pháp triển khai khi gặp vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ. Cùng với đó là việc đầu tư trang thiết bị tối thiểu phục vụ các môn học nói chung cùng cơ sở vật chất cho môn học đặc thù như, phòng học Âm nhạc, Mỹ thuật, đủ để đáp ứng nhu cầu khi các em đăng ký tham gia.

Ngay sau khi điểm chuẩn lớp 10 được công bố, với mục tiêu đáp ứng tối đa nguyện vọng học tập của học sinh, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) đã mời phụ huynh và học sinh trúng tuyển tới dự buổi gặp mặt, hướng dẫn lựa chọn chương trình giáo dục lớp 10. Các phụ huynh và học sinh đã được nhà trường giới thiệu về các mô hình lựa chọn môn học. Những thắc mắc của phụ huynh đều được nhà trường giải đáp cặn kẽ, giúp học sinh lựa chọn đúng các mô hình, nhóm môn học phù hợp năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của bản thân.

Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cũng xây dựng các nhóm môn học theo khối tuyển sinh đại học để giúp phụ huynh và học sinh lựa chọn, định hướng nghề nghiệp. Bà Bùi Thùy Linh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy cho biết, các tổ hợp môn học được nhà trường xây dựng theo tiêu chí đảm bảo tính khoa học, phù hợp nhu cầu học tập chung của học sinh. Bên cạnh đó, trường đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên có chất lượng, sẵn sàng sử dụng sách giáo khoa lớp 10 theo Chương trình mới.

Nguyễn Cúc (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/ha-noi-trien-khai-sach-giao-khoa-moi-bai-cuoi-dap-ung-toi-da-nguyen-vong-cua-hoc-sinh-lop-10-20220731073221682.htm