Hà Nội trồng cây nhập mới phải phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng

Trong kế hoạch trồng 400.000 cây xanh năm 2019, lãnh đạo Thành phố Hà Nội yêu cầu duy trì phát triển cây bản địa. Nếu bổ sung giống, loài cây nhập nội mới thì phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đất đai của Hà Nội…

Cây phong lá đỏ rụng sạch lá, khô như chết

Trong 2 năm gần đây, Hà Nội đã triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh và đến nay, mục tiêu này đã hoàn thành vượt mức. Trên nhiều tuyến phố, xây trồng mới phát triển tốt, mang lại màu xanh, bóng mát và được người dân ủng hộ, hoanh nghênh.

Tuy nhiên, không phải là không có những vấn đề khiến người dân Thủ đô quan tâm, có ý kiến. Đơn cử như việc trồng cây lát hoa. Đây là loại cây có nhiều lá và cho bóng mát khá tốt, tuy nhiên cây này có một nhược điểm là lá quá to, khi rụng xuống không thể trôi thoát mà lại bịt miệng cống, đễ gây tắc khi trời mưa.

 Cây Lát hoa vẫn xanh tốt giữa mùa đông

Cây Lát hoa vẫn xanh tốt giữa mùa đông

Nhưng đây là loại cây lá rất to nên khi rụng xuống dễ bịt miệng cống, trời mưa sẽ gây tắc cống, làm cho nước khó thoát nhanh, góp phần gây ngập cục bộ

Đặc biệt đáng chú ý là việc trồng cây phong lá đỏ trên dải phân cách đường Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng. Khi được đưa về trồng, nhiều người đã tỏ ý lo ngại cây khó phát triển được vì đây là giống cây xứ lạnh, trong khi khí hậu ở Hà Nội khá khắc nghiệt với mùa hè nóng 39-40 độ C, còn mùa Đông thì lại gió mùa khô hanh, khiến những cây yếu ớt rất khó phát triển. Trong khi đó, cây phong có lá rất mỏng, mùa hè dễ bị nắng nóng đốt cháy, mùa đông gió mà hanh khô cũng sẽ dễ bị khô quắt.

Hàng cây phong chưa kịp đỏ lá đã rụng hết, khô như chết

Các chuyên gia khi đó cũng đã từng cho rằng, với các loài cây lạ như vậy, nên trồng thử nghiệm một phạm vi nhỏ, ví dụ một góc công viên…, khi thấy phát triển tốt, khẳng định chắc chắn là phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của Hà Nội thì mới đem trồng đại trà. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty công viên cây xanh lúc đó cho biết, cây phong lá đỏ trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh cũng vẫn là dạng thử nghiệm và không dùng ngân sách.

Thực tế đã chứng minh, dù cũng có lúc hàng cây này cũng đã phát triển khá xanh tốt, tuy nhiên, vào mùa mà mọi người mong đợi nhất để được ngắm những hàng cây lá đỏ đẹp tuyệt mà vốn những người chưa được đi đến xứ lạnh chỉ được nhìn qua phim ảnh trời tây – thì nay chỉ là một màu… đen!

Dải phân cách trên phố Nguyễn Chí Thanh trước đây được coi là đẹp nhất Thủ đô thì nay là một màu đen u ám

Lúc này, lá cây phong chưa kịp chuyển màu đỏ đã vội rụng hết, chỉ còn trơ lại thân cây và những cành khẳng khiu, khô đét, không một sức sống. Nếu quan sát trong Thành phố thì không một loại cây nào khác rơi vào tình cảnh này. Những hàng Sấu, cây Xà cừ, phượng… vẫn biếc xanh giữa mùa đông giá lạnh.

Có thể, vào mùa xuân tới, những cây phong này sẽ vẫn nảy mầm xanh trở lại nhưng nhìn chu kỳ sinh trưởng của cây trong vòng 1 năm qua, người dân Hà Nội có vẻ như đã cảm thấy thất vọng, hoặc là hy vọng rất mong manh. Trước đó, khi hàng cây này được trồng xuống trong sự nghi ngờ của nhiều người, lãnh đạo Thành phố đã khẳng định rằng, "một năm nữa chúng ta có thể thấy việc nhiệt đới hóa những cây phong lá đỏ, và chúng vẫn mang màu sắc như khi trồng tại vùng khí hậu châu Âu".

Trồng cây đô thị phải hợp khí hậu, thổ nhưỡng

Năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trồng mới khoảng 400.000 cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường giao thông đô thị Thành phố. Riêng dịp đầu Xuân Kỷ Hợi, Hà Nội đặt kế hoạch trồng khoảng 150.000 cây xanh các loại, trồng mới 70ha rừng, chăm sóc 3.546ha rừng trồng, quản lý bảo vệ tốt 6.483ha rừng góp phần nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng của Thành phố.

Để đạt được các mục tiêu nói trên, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, đơn vị trên địa bàn Thành phố đồng loạt tổ chức phát động phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ_ từ ngày 9/2/2019 (ngày mùng 5 Tết) đến ngày 15/2 (ngày 11 Tết).

Lần này, theo yêu cầu của lãnh đạo Thành phố, việc tổ chức Tết trồng cây phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức. Trồng cây xanh đô thị phải đa dạng về chủng loại, trong đó duy trì phát triển cây bản địa; bổ sung giống, loài cây nhập nội mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đất đai của Hà Nội.

Ngoài ra, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu phải thống nhất về kích cỡ cây, cây trồng phải được bảo vệ, chăm sóc đúng ký thuật. Cây trồng xong giao đơn vị thường xuyên chăm sóc đúng kỹ thuật, bảo vệ không để bị phá hoại.

Thành phố giao Sở Văn hóa, Thể thao gắn phong trào Tết trồng cây với các hoạt động vui xuân, hoạt động lễ hội xuân đảm bảo vui tươi, trang trọng và thiết thực.

Cũng liên quan đến chuyện trồng cây, một vấn đề được nhiều người thắc mắc, đó là việc trồng những cây đã phát triển to chứ không phải là cây nhỏ, cây non. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên VnMedia, việc trồng các cây nhỏ trên đường phố đô thị sẽ khiến mất một thời gian rất dài để cây sinh trưởng cho bóng mát, đồng thời những cây non rất dễ chết. Trong khi đó, những cây to đã được ươm, chăm sóc cẩn thận ở trong các vườn ươm cho đến khi đủ độ lớn thì mang ra trồng sẽ cho tỷ lệ sống rất cao và nhanh chóng có bóng mát. Trên thực tế, trước đây nhiều đường phố được trồng các cây có đường kính nhỏ nên tỷ lệ chết cao, trồng nhiều năm vẫn chưa có bóng mát như cây trồng trên đường Lê Văn Lương kéo dài, đường Tố Hữu...

Xuân Hưng (bài, ảnh)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201902/ha-noi-trong-cay-nhap-moi-phai-phu-hop-khi-hau-tho-nhuong-626468/