Hà Nội ứng phó với biến đổi khí hậu: Nhiều việc cần làm

Cùng với quá trình đô thị hóa và mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới. Bên cạnh sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, Thủ đô cũng đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực do biến đối khí hậu gây ra. Cụ thể hóa những giải pháp và huy động người dân cùng vào cuộc trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu thời điểm này là hết sức cần thiết.

Chịu nhiều tác động tiêu cực

Theo thống kê, dân số của Thủ đô Hà Nội hiện có khoảng hơn 8 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm gần 50%. Đáng chú ý, với sự góp mặt của 17 khu công nghiệp, trên 1.350 làng nghề, gần 6 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ô tô, Hà Nội mỗi ngày tiêu thụ ước tính trên 40 triệu kwh điện và hàng triệu lít xăng dầu… đây được xem là nguồn phát thải khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu, có tác động tiêu cực đến Thủ đô.

Tại nhiều trục giao thông kết nối với Thủ đô, hiện một bộ phận người dân thiếu ý thức vẫn tập kết rác bừa bãi. Ảnh: Đinh Luyện

Minh chứng cho những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, theo ông Lê Tuấn Định -Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Thời điểm trước năm 1970, tần suất mưa, lụt lớn tại Hà Nội xảy ra từ 15 – 25 năm/lần. Tuy nhiên, trong vòng 60 năm qua, các đợt lũ lụt xảy ra trở nên thường xuyên hơn với tần suất 5 - 7 năm/lần.

Dẫn chứng về vấn đề liên quan, Giáo sư Trần Thục - Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu cho biết, từ năm 1958 đến năm 2014, nhiệt độ Việt Nam tăng 0,62 độ C. Số ngày nắng nóng tăng, số ngày lạnh giảm, mưa cực đoan xuất hiện nhiều. Tình trạng ngập úng phổ biến ở các thành phố lớn... “Mưa bình quân tăng nhưng vào mùa hè thì lại không mưa. Đây là điều chúng ta không mong muốn. Số lượng bão không thay đổi nhưng cường độ của từng cơn lại mạnh và khó lường hơn” - Giáo sư Trần Thục cảnh báo.

Theo ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tác động của biến đổi khí hậu dễ thấy nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng nhiều. Ảnh: Đinh Luyện

Theo tìm hiểu, việc quy hoạch, phát triển Thành phố còn chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn chế trong hiểu biết của cộng đồng dân cư về biến đổi khí hậu… đang là những thách thức không nhỏ đối với Hà Nội khi triển khai các công tác liên quan. Đáng lưu ý, ý thức bảo vệ môi trường của xã hội nói chung, của một bộ phận người dân còn hạn chế. Theo ghi nhận thực tế, trên một số khu vực ngoại thành, thậm chí ven các trục giao thông chính kết nối với Hà Nội như: QL 21B; QL 32; QL 1A cũ… vẫn rải rác xuất hiện tình trạng xả rác bừa bãi. Cá biệt, ở trên địa bàn nội thành, không ít người vẫn thiếu ý thức, không sử dụng nhà vệ sinh công cộng mà “xả” bậy ở công viên, góc phố.

Cụ thể hóa những giải pháp

Khách quan nhìn nhận, trong những năm qua, Thành phố đã tích cực xây dựng các quy định, kế hoạch và hướng dẫn cho các cấp, ngành khác nhau trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, chú trọng phân cấp trách nhiệm cho các Sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã… nhằm chủ động quản lý, thực hiện và giám sát các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

UBND Thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan trong việc xây dựng kế hoạch, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tác động tới Thành phố.

Hà Nội nỗ lực "hồi sinh" sông hồ trên địa bàn. Ảnh: Đinh Luyện

Đặc biệt, các đây ít lâu, Hà Nội ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN đến năm 2025. Theo kế hoạch này, cùng với triển khai xây dựng cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân, Hà Nội sẽ triển khai các hoạt động xây dựng cộng đồng hòa nhập, bình đẳng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; xây dựng cộng đồng bền vững.

Đơn cử như, tăng cường hợp tác khu vực nhằm bảo tồn, quản lý bền vững đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên thiên nhiên; kiểm soát nghiêm ngặt nguồn ô nhiễm trong sản xuất; khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tạo cơ chế khuyến khích các sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường.

Theo tìm hiểu, thời gian tới Thành phố sẽ chú trọng duy tu, duy trì 104 hồ điều hòa, xử lý ô nhiễm tại 122 hồ nội thành. Duy trì và đầu tư xây dựng thêm các nhà máy xử lý nước thải. Phấn đấu đến năm 2019, toàn bộ nước thải các quận nội thành cơ bản được xử lý, nhằm cải thiện nước sông Tô Lịch và sông Nhuệ… Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, giáo dục bảo vệ môi trường tới toàn dân. Tăng cường việc nâng cao năng lực nhằm quản lý bền vững hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên.

Tình trạng ô nhiễm do đốt rác, phế thải... vẫn diễn ra cục bộ tại một số địa phương. Ảnh: Đinh Luyện

Khách quan nhìn nhận, những nỗ lực trên của Hà Nội đã và đang tạo ra những bước chuyển biến đáng kể trong nhận thức về biến đổi khí hậu của các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý và Nhân dân trên địa bàn Thành phố. Từ đây, ý thức bảo vệ môi trường của người Hà Nội dần thay đổi tích cực. Minh chứng dễ thấy nhất là từ chỗ rất ít người quan tâm đến biến đổi khí hậu, đến nay mọi người đã ý thức rằng, biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân gây ra diễn biến thất thường của thời tiết, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và đời sống…

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Hà Nội sẽ triển khai xây dựng thêm 25 công viên và 25 hồ; xây dựng mới các khu tái định cư cho những hộ gia đình thuộc khu vực biến đổi khí hậu và thiên tại; nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới một số công trình phòng chống thiên tai, cùng đó là những giải pháp sử dụng năng lượng hợp lý. Đặc biệt, hiện Hà Nội đang khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng các phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng... đây là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của Thủ đô trong công cuộc

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ha-noi-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-nhieu-viec-can-lam-81279.html