Hà Nội vẫn quyết thành lập trường chất lượng cao

Trước nhiều ý kiến lo ngại, Hà Nội vẫn quyết tâm thực hiện lộ trình trường chất lượng cao trong trường công lập và bắt đầu công nhận chính thức từ năm học 2014 - 2015.

Trước nhiều ý kiến lo ngại, Hà Nội vẫn quyết tâm thực hiện lộ trình trường chất lượng cao trong trường công lập và bắt đầu công nhận chính thức từ năm học tới.

Nhiều người lo ngại mô hình CLC sẽ khiến học sinh bị phân biệt đối xử - Ảnh: Ngọc Thắng

Ngày 12.3, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức hội nghị xây dựng trường chất lượng cao (CLC) trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội tái khẳng định quyết tâm xây dựng trường CLC và viện dẫn một loạt các cơ sở pháp lý để thực hiện quyết tâm này, trong đó có luật Thủ đô. Theo ông Độ, thành phố đã chỉ đạo 18 trường thí điểm theo mô hình trường CLC, dự kiến năm học 2014-2015 sẽ có 20 trường được thẩm định và đến 2015 sẽ có 35 trường được công nhận trường CLC, trong đó có cả trường ngoài công lập.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông, cho rằng: “Khó khăn nhất hiện nay là chọn một trường công lập để chuyển đổi theo mô hình trường CLC mà không nằm trong tuyến tuyển sinh nào cả, chỉ tuyển sinh theo nguyện vọng của phụ huynh". Bà Hòa cũng đề nghị bên cạnh việc kiểm định theo tiêu chí thì sau một năm hoạt động cũng cần phải lấy đánh giá từ phụ huynh học sinh về mô hình này.

Trong khi đó, ông Thế Minh Khôi, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đan Phượng cho rằng, áp dụng mô hình trường CLC với ngoại thành rất khó vì hiện nay mỗi xã đều chỉ có một trường của từng cấp để đáp ứng nhu cầu giáo dục đại trà. “Cách tốt nhất là xây mới một trường CLC mà trường đó không nằm trong tuyến tuyển sinh của riêng xã nào”, ông Khôi đề nghị, và quả quyết: “Nếu thực hiện ngay trong năm tới thì chỉ có thể xây dựng lớp CLC trong trường bình thường chứ chưa thể xây dựng trường CLC riêng”.

Học phí tối đa 3,2 triệu đồng/tháng

Theo Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong, hiện quận có 3 trường đang thực hiện thí điểm CLC, trong đó có trường công lập và mức thu không đồng đều mà căn cứ từng điều kiện để có mức thu riêng. Trường tiểu học Tràng An và mầm non 20.10 đã xây dựng cơ chế thu chi và được thẩm định; Trường mầm non Bà Triệu dự kiến sẽ thẩm định trong năm 2014.

Tuy nhiên, ông Phong băn khoăn: “Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT, mô hình CLC với mức thu cao chỉ áp dụng với các lớp đầu cấp, các khối khác thì không thực hiện ở một số lớp. Đã triển khai phải đồng bộ trong toàn trường, tránh so bì giữa phụ huynh và giáo viên giữa lớp thường với lớp CLC. Nên chuẩn bị đủ điều kiện của toàn trường thì mới cho triển khai”.

Trước băn khoăn trên, ông Độ khẳng định: “Khi đã được thẩm định và cho thực hiện thì chắc chắn sẽ không có lớp CLC trong trường thường. Đã là trường CLC khi được công nhận là công nhận cả trường chứ không công nhận một vài lớp nên sẽ không có sự khác biệt giữa các học sinh trong một trường”.

Theo ông Độ, trường CLC chỉ thực hiện khi đã đáp ứng nhu cầu học tập cơ bản của tất cả người dân. Cho nên để được công nhận, trên địa bàn ấy phải có ít nhất 2 trường.

Về cơ chế tài chính cho mô hình trường này, quy định của thành phố tối đa là 3,2 triệu/học sinh/tháng. Tuy nhiên, tùy từng trường có thể đặt ra các mức thu khác nhau và không nhất thiết cùng một trường, tất cả các lớp đều có cùng mức thu.

“Ví dụ, trong một trường THPT nhưng lớp 10 có thể cung cấp nhiều dịch vụ hơn thì có thể thu cao hơn so với lớp 11 có dịch vụ ít hơn. Nếu chúng ta thu học phí cao ngay thì học sinh cũng không đến”, ông Độ lý giải, và cho hay: Việc thu chi tài chính cho trường CLC sẽ áp dụng với loại hình trường công lập tự chủ toàn phần. Theo đó, kinh phí ban đầu do nhà nước đầu tư, kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên thì trên 90% sẽ là do người học đóng góp. Từ năm 2016, các trường sẽ tiến tới tự chủ toàn phần.

Tuệ Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/nhip-song-dia-phuong/ha-noi-van-quyet-thanh-lap-truong-chat-luong-cao-86558.html