Hà Nội vượt khó, bảo đảm tăng trưởng

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các mặt kinh tế - xã hội, thành phố Hà Nội đã cùng cả nước vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Với nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, thành phố đã vượt khó, đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 3,98% (đang tiếp tục phấn đấu để có thể đạt 4%-4,5%) trong năm 2020, cao gấp 1,54 lần bình quân chung cả nước.

Với nguồn vốn đầu tư công được giải ngân kịp thời, nhiều dự án quan trọng của thành phố Hà Nội đã được khánh thành và đưa vào sử dụng trong năm 2020. Trong ảnh: Cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt đã được đưa vào khai thác sử dụng, mang lại hiệu quả rõ rệt. Ảnh: Viết Thành

Bài đầu: Tăng vốn cho nền kinh tế

Đầu tư công được xác định là động lực thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì vậy, thành phố Hà Nội đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, thành phố chú trọng thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội khác, qua đó, tạo ra nguồn lực tổng hợp, tăng vốn cho nền kinh tế.

Giải pháp quyết liệt

Đầu tư công được coi là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vì vậy, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo tập trung thực hiện kế hoạch đầu tư công với tinh thần nỗ lực cao nhất. Tại Chương trình hành động số 144/CTr-UBND ngày 15-7-2020 của UBND thành phố về tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục, hồ sơ dự án, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo thẩm quyền. Đặc biệt, kết quả giải ngân của từng dự án là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020.

Kế hoạch đầu tư cũng được điều chỉnh linh hoạt; nguồn vốn của các dự án chậm tiến độ được chuyển sang dự án thực hiện nhanh, giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Theo Trưởng phòng Quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Nguyễn Quốc Chương, bên cạnh việc giao ban với giám đốc các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư, UBND thành phố thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thu ngân sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cho từng dự án. Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội cũng đã chủ động kiểm soát chi, đẩy mạnh ứng dụng trực tuyến trong thanh toán, vì vậy cơ bản các dự án được giải ngân ngay khi đủ điều kiện; thậm chí nhiều dự án được thanh toán sớm ngay trong ngày.

Nhờ những giải pháp quyết liệt, ước giải ngân vốn đầu tư phát triển năm 2020 toàn thành phố đạt gần 41.000 tỷ đồng, bằng 93% kế hoạch sau điều chỉnh. Tuy con số trên chưa đạt yêu cầu nhưng là tỷ lệ giải ngân cao nhất từ trước đến nay.

Với nguồn vốn được giải ngân kịp thời, dự kiến, thành phố hoàn thành 127 dự án xây dựng cơ bản cấp thành phố. Nhiều dự án quan trọng đã được khánh thành và đưa vào sử dụng trong năm 2020, như: Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (đường Vành đai 2,5); công trình đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường Vành đai 3..., góp phần giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông, bảo đảm tiết kiệm chi phí.

Cùng với đó, nhiều dự án khác được khởi công, trong đó có dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3. Trong những ngày còn lại của năm 2020, dự kiến nút giao Vành đai 3 - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng sẽ hoàn thành.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao quyết định chủ trương đầu tư cho 5 dự án tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” lần thứ 4, tổ chức tháng 6-2020. Ảnh: Viết Thành

Thu hút nguồn lực đầu tư xã hội

Cùng với đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Hà Nội cũng quan tâm thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội. Điển hình là tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” lần thứ 4, tổ chức tháng 6-2020, Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, ghi nhận đề xuất cho 229 dự án, với tổng vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD); trao 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư 28,6 tỷ USD. Đồng thời, thành phố công bố danh mục 282 dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư với tổng vốn 483.100 tỷ đồng (tương ứng 21,66 tỷ USD) trong các lĩnh vực.

Chuyên gia tài chính, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đánh giá, khi tổ chức hội nghị, Hà Nội đã nhìn thấy cơ hội lớn về thu hút đầu tư trong bối cảnh Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19. Việc tổ chức thành công hội nghị là thắng lợi to lớn, thể hiện tính nhanh nhạy, sắc bén của Hà Nội về môi trường đầu tư và khả năng đầu tư trên địa bàn thành phố trong năm 2020 cũng như những năm tiếp theo. Mặc dù hội nghị mới được tổ chức trong những năm gần đây nhưng dường như đã trở thành “thương hiệu”, “đặc sản” của Thủ đô.

Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga nhìn nhận, từ lâu Hà Nội được coi là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” được tổ chức quy mô và chuyên nghiệp, cho thấy Hà Nội đang có những bước chuẩn bị tốt nhằm thu hút các nhà đầu tư thông qua việc tích cực hỗ trợ, cung cấp thông tin, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi. Đồng thời, hội nghị cũng giúp cộng đồng doanh nghiệp được tiếp thêm sức mạnh và động lực để cống hiến nhiều hơn nữa cho Thủ đô.

(Còn nữa)

Hương - Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/986624/ha-noi-vuot-kho-bao-dam-tang-truong