Hà Nội 'xắn tay' gỡ đầu ra cho nông sản

Kết nối, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối, khẳng định thương hiệu với người tiêu dùng trong nước…

Đây là kỳ vọng của 400 doanh nghiệp đại diện cho 58 tỉnh, thành tham gia kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành năm 2019.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương tham quan gian hàng tại Hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh thành năm 2019.

Theo ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, chính những hoạt động kết nối đã dẫn dắt được giá thu mua tại các nhà vườn, giúp người nông dân có thu nhập cao trong các mùa vụ.

Quan ngại trung tâm trung chuyển

Mặc dù, các sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận cao, sản lượng bán ra tăng từ 20%-30%, nhiều tỉnh, thành đạt doanh thu kết nối các sản phẩm hàng hóa vào các kênh phân phối trên 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Toản cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện còn có khó khăn vướng mắc. Đơn cử, tại một số tỉnh, sản xuất các mặt hàng nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ. Việc quản lý chất lượng sản phẩm cả trong quá trình trồng trọt và lưu thông, bảo quản, sơ chế còn hạn chế. Còn ít những doanh nghiệp lớn làm đầu mối mua hàng hóa cho bà con nông dân, đơn vị sản xuất…

Bên cạnh đó, các hộ, HTX sản xuất hàng hóa, nông sản vẫn theo tập quán truyền thống. Nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu về đăng ký, kiểm định chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm.... Sự liên kết giữa các cơ sở, đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp phân phối chưa được thường xuyên…

“Điều đáng quan ngại, hiện nay, còn ít doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng có trung tâm trung chuyển, kho hàng lớn để tập trung hàng hóa các nhà cung cấp, phát hàng đến các điểm bán lẻ” ông Toản lưu ý.

Mặt khác, đại diện TP.HN cũng cho hay, việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu về cung - cầu trên thị trường của các doanh nghiệp, các địa phương chưa kịp thời dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu, dư cung lớn ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ...

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đồng tình, hoạt động kết nối cung-cầu tại một số kênh phân phối, các chợ truyền thống chưa hấp dẫn các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Bộ NN&PTNT cần định hướng tốt quy hoạch

Để khắc phục những bất cập trên, bà Nguyễn Thị Mai Anh, PGĐ Trung tâm Xúc tiến, ĐT, TM, DL TP.Hà Nội (HPA) hiến kế: Cần có một giải pháp tổng thể từ sản xuất đến tiêu thụ.

Cụ thể, các tỉnh, thành tiếp tục tập trung chỉ đạo sản xuất nông sản bền vững theo quy hoạch. Sản xuất, cung ứng hàng hóa theo đúng nhu cầu của thị trường; Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất. Đặc biệt xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, VietGHAP, GlobalGAP, HACCP, GMP, sản xuất theo hướng hữu cơ…

Nhiều ý kiến cho rằng, để có nguồn sản phẩm bảo đảm an toàn, chất lượng tốt, truy xuất được nguồn gốc, bảo đảm cung cầu, đáp ứng nhu cầu của người dân, bình ổn thị trường, Bộ NN&PTNT cần tăng cường chỉ đạo, phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố triển khai, định hướng tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chất lượng cao, bảo đảm đủ nguồn cung các sản phẩm an toàn, vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong cả nước nói chung, TP. Hà Nội nói riêng....

Ngoài ra, Sở, ngành các tỉnh, thành thường xuyên tiến hành rà soát danh mục sản phẩm nông sản thực phẩm địa phương cần kết nối vào các kênh phân phối của HN. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trưng bày, kết nối trên các sàn giao dịch thương mại điện tử... Ứng dụng hệ thống phần mềm thông tin điện tử trong quản lý, nhận diện, truy xuất bằng tem điện tử mã QRcode...

Khắc Lãng

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/ha-noi-xan-tay-go-dau-ra-cho-nong-san-161940.html