Hà Nội xây dựng chính quyền đô thị theo hướng nào?

Dự thảo Đề án thí điểm xây dựng chính quyền đô thị ở TP. Hà Nội đưa ra 2 phương án, bỏ HĐND cấp xã, phường, thị trấn; hoặc là bỏ HĐND cấp quận, huyện, xã, phường, được xem là bước thay đổi đột phá trong công tác cải cách hành chính của Thủ đô Hà Nội.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam.

Hai cấp chính quyền, một cấp hành chính

Theo Dự thảo Đề án mô hình chính quyền đô thị, TP. Hà Nội đưa ra hai phương án. Phương án 1, Hà Nội xây dựng mô hình tổ chức 2 cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã), 1 cấp hành chính tại xã, phường, thị trấn. Trong đó, chính quyền thành phố và chính quyền quận, huyện, thị xã về cơ bản giữ nguyên như hiện nay gồm có HĐND và UBND. Về tổ chức chính quyền cấp xã, phường, thị trấn thì không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.

Phương án 2, xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn). Theo đó, tổ chức chính quyền thành phố là cấp chính quyền đầy đủ gồm HĐND-UBND như hiện nay. Tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã là một cấp chính quyền không đầy đủ, không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường; chỉ tổ chức cơ quan hành chính quận, huyện, thị xã theo thiết chế UBND.

Căn cứ ưu điểm, hạn chế của 2 phương án nêu trên, ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội- cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án cho rằng, trong thời điểm hiện nay, việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP. Hà Nội sẽ thực hiện theo phương án 1, đó là, xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp TP và cấp quận huyện); 1 cấp hành chính (tại xã, phường, thị trấn).

Về vai trò hoạt động của HĐND cấp phường, xã hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng HĐND cấp phường, xã đang hoạt động rất hình thức, do đó bỏ HĐND cấp xã, phường là cần thiết, đồng thời nâng cao chất lượng đại biểu HĐND cấp quận, huyện theo tinh thần gọn nhẹ, hiệu quả.

Trong trường hợp nếu còn duy trì hoạt động của HĐND cấp xã, phường thì nên cơ cấu để Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND. Nhiều ý kiến đề nghị, nếu xây dựng chính quyền đô thị, bộ máy chính quyền cần được tổ chức tinh gọn, giảm số lượng cán bộ cấp xã phường; tăng cán bộ chuyên trách; thực hiện khoán chi ở địa phương. Nhưng một vài ý kiến khác cũng cảnh báo khi bỏ HĐND, phải tăng kiểm soát quyền lực qua lăng kính của nhân dân; đồng thời, rà soát, giảm bỏ những tầng lớp trung gian, để gọn đầu mối, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Đồng tình với phương án 1, ông Nguyễn Thế Tuấn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm, quận Long Biên cho biết, nếu bỏ HĐND cấp phường hiện nay với 28 đại biểu, mỗi năm sẽ bớt được phần phụ cấp 130 triệu đồng. Bên cạnh đó, nếu thực hiện kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở phường, tổ dân phố cũng có thể tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm triệu đồng.

Đồng tình với chủ trương bỏ HĐND cấp phường, một lãnh đạo phường ở quận Đống Đa cho rằng, thực tế hiện nay, chất lượng đại biểu HĐND phường rất yếu, chủ yếu là cán bộ hưu trí nên việc giám sát cũng rất hạn chế. Tuy vậy, khi bỏ HĐND thì thành phố cần có phương án cụ thể cho tổ chức thay thế nhiệm vụ, có thể tăng cường cho Mặt trận Tổ quốc cấp phường để thực hiện giám sát.

Ở một khía cạnh khác, bà Nguyễn Thanh Yên, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND phường Trung Tự, quận Đống Đa cho rằng, nếu xây dựng mô hình chính quyền đô thị, hiện vai trò của HĐND cấp phường vẫn rất lớn, đề nghị vẫn tiếp tục hoạt động của HĐND cấp phường trong đó tăng thẩm quyền trách nhiệm cho HĐND phường (nhất là xem xét quyết định những vấn đề quan trọng như kinh tế-xã hội, ngân sách, xây dựng cơ bản); còn lại sẽ tinh gọn bộ máy hoạt động của HĐND, song với các vị trí lãnh đạo chủ chốt vẫn cần giữ và tăng thêm (nếu cần).

“Nếu theo phương án không tổ chức HĐND cấp phường thì sẽ làm xáo trộn bộ máy quản lý nhà nước ở địa phương, mất đi vai trò kiểm soát, giám sát trong tổ chức; hoạt động của chính quyền không phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền. Đặc biệt, sẽ làm mất đi vai trò đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân”, bà Yên nói.

Cải cách mạnh mẽ

Theo ý kiến của ông Tạ Ngọc Tấn, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội không tổ chức chính quyền hoàn chỉnh ở cấp quận, huyện. Sở dĩ như vậy, theo ông Tấn, cấp quận, huyện là cấp trung gian, không trực tiếp quyết ngân sách, không trực tiếp làm việc với dân. Còn theo quan điểm của ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, TP. Hà Nội cần cải cách quyết liệt hơn bằng việc tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình một cấp chính quyền hoàn chỉnh ở thành phố và 2 cấp hành chính. Nghĩa là không tổ chức HĐND cả ở cấp quận và phường.

Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, do sau khi sáp nhập, diện tích của Hà Nội lớn, trong đó có nhiều khu vực ngoại thành, do vậy trước mắt, chúng ta cần phân biệt ra khu vực nội thành và khu vực ngoại thành. Khu vực nội thành, nên tổ chức như phân tích ở trên. Còn khu vực nông thôn, với cấp huyện nên bỏ HĐND, nhưng cấp xã vẫn cần tổ chức HĐND. Bởi bản thân cấp huyện chỉ là cánh tay nối tiếp của TP. Còn mô hình làng xã thì rất bền vững, có truyền thống lịch sử nghìn đời.

Còn theo ông Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, khi thiết kế mô hình chính quyền đô thị cần phù hợp với xu hướng phát triển và quản lý của thế hệ mới. Cụ thể, phải gắn với xã hội số, đô thị thông minh, đồng thời gắn với kinh tế thị trường và đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, theo ông Lý, cơ quan quản lý cần phải phân tích rõ chức năng quản lý nhà nước của chính quyền đô thị và chính quyền địa phương khác nhau như thế nào? Những yêu cầu, nguyên tắc tổ chức, cơ cấu nhân sự... Việc tổ chức cần phải được sắp xếp sao cho hiệu quả, chính quyền đô thị tiêu ít tiền nhưng lại làm được nhiều việc cho dân hơn".

“Đồng thời khi xây dựng và thí điểm mô hình chính quyền đô thị cần làm rõ và đề cao vai trò của nhân dân trong mô hình chính quyền đô thị đó. Cần có tư duy thay đổi mạnh mẽ, nhất là phải có dự báo về xu hướng thay đổi trong nhiều năm tới để tránh tình trạng vừa thí điểm xong lại phải điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn…”, ông Lý nói.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ha-noi-xay-dung-chinh-quyen-do-thi-theo-huong-nao.aspx