Hà Nội: Xây dựng dự án nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao trên không gian thoát lũ

Việc thực hiện một dự án nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao trên không gian thoát lũ bao gồm nhà lưới, nhà liên mái, khu bảo quản, sơ chế, đóng gói sản phẩm, nhà điều hành, kho bãi, trạm nước…có chỉ là đóng 'mấy cái cọc'?

Mất đất canh tác sau 20 năm bám trụ

Theo phản ánh của một số hộ dân đang canh tác tại bãi giữa sông Hồng thuộc xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, Hà Nội, từ những năm 1960, khu bãi giữa sông Hồng là đất hoang. Thấy lãng phí tài nguyên nên các hộ dân trong xã tự ý cùng nhau sang khai phá, sản xuất.

“Trải qua gần 20 năm, chúng tôi cùng nhau khai phá, cải tạo, giữ đất, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với UBND xã và HTX, nhưng nay xã lại lấy đất giao cho cá nhân khác làm dự án. Việc thu hồi đất không có bất kỳ một văn bản nào, mà chỉ thông báo bằng miệng trong cuộc họp dân. Vậy UBND xã làm việc có đúng pháp luật không, trong khi đất đai hoa màu ở đây là miếng cơm manh áo của người dân?”, một người dân bức xúc.

Khu vực đất sẽ bị thu hồi để làm dự án nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao

Khu vực đất sẽ bị thu hồi để làm dự án nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao

Bà Nguyễn Thị Chí (76 tuổi, xã Liên Trung) chia sẻ: “Người dân chúng tôi rất khó khăn để bám trụ trồng cấy ở đây gần 20 năm nhưng nay lại bị lấy đất, giao cho người khác, nên chúng tôi không đồng ý. Những người đồng ý là những người đã bỏ đất bãi này từ nhiều năm trước. Để giữ được đất bãi tới nay, chúng tôi đã phải đấu tranh với chủ lò gạch bên cạnh, ngăn chặn không cho họ múc đất. Chưa kể bao đêm thức canh, chống tàu hút cát. Ấy vậy mà, giờ một người nào đó tự dưng “vẽ” lên dự án, rồi xã đứng ra thu đất của chúng tôi mà không có quyết định gì. Đột ngột bị cắt kế sinh nhai như thế, chúng tôi biết sống sao?”.

Được biết, dự án mà những người dân nhắc tới là “Dự án Sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tại bãi giữa sông Hồng, xã Liên Trung” do ông Phạm Hải Đăng - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội (GFS) lập nên với danh nghĩa cá nhân. Dự án có diện tích 20ha, vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng.

Trong các biên bản họp dân, có 90% người dân đồng ý thực hiện Dự án Sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao trên khu đất tại bãi giữa sông Hồng. Hầu hết những người này đều không còn canh tác gì trên đó. 10% còn lại là 19 hộ dân bám trụ, khai khẩn, canh tác gần 20 năm qua.

Dự án xây dựng không ảnh hưởng tới việc thoát lũ ?

Dù là dự án cá nhân, nhưng trong một số văn bản của UBND huyện Đan Phượng, UBND xã Liên Trung lại “lập lờ” là dự án của Công ty GFS. Chính ông Đăng, khi cắm biển dự án ở khu vực đất bãi giữa cũng để tên chủ đầu tư là Công ty GFS, thay vì cá nhân mình.

Quyết định 1682/QĐ-UBND, ngày 20/4/2018 của UBND huyện Đan Phượng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trên. Địa phương cho phép dự án được làm nhà lưới, nhà liên mái, khu bảo quản, sơ chế, đóng gói sản phẩm và công trình phụ trợ (nhà điều hành, kho bãi, trạm nước…). Trong khi đó, khu vực bãi giữa là không gian thoát lũ sông Hồng, bị cấm xây dựng công trình kiên cố và trồng cây lâu năm.

Ngoài ra, UBND huyện Đan Phượng ủy quyền cho UBND xã Liên Trung ký hợp đồng cho nhà đầu tư thuê đất 20 năm. Trong khi, theo Điều 37 Luật Đất đai 2013, cấp huyện mới được quyền giao, cho thuê đất. Việc giao, cho thuê đất không được ủy quyền.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho biết, trước đây từ năm 1958 đến 1960 khu vực đất bãi giữa sông Hồng bị bỏ hoang nên các hộ dân đã cùng nhau sang khai phá và sản xuất, sau nhiều năm thì mới bắt đầu ổn định.

Đến năm 1992, UBND tỉnh Hà Tây đã có quyết định giao đất (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ) cho 370 hộ dân xã Liên Trung.

Đến năm 2001, 370 hộ dân cùng ủy quyền cho HTX Nông nghiệp dịch vụ Liên Trung đứng ra quản lý khu đất và cho 19 hộ dân khác thuê để sản xuất.

Tuy nhiên, ông Đạt cho rằng: “19 hộ này thuê đất để sản xuất nhưng vẫn không đạt chất lượng kinh tế và thực phẩm mà những hộ này làm ra cũng chưa chắc đảm bảo được việc an toàn vệ sinh thực phẩm”.

“Trước tình trạng trên, xã đã đề xuất với Huyện triển khai dự án công nghệ cao để kêu gọi thu hút các cá nhân, tập thể có năng lực sản xuất. Ông Phạm Hải Đăng là người xin được thuê đất để đầu tư thực hiện dự án nông nghiệp.

Dự án xây dựng không ảnh hưởng tới việc thoát lũ?

Huyện đã có văn bản đề xuất với Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và các cơ quan chức năng về việc chấp nhận thực hiện dự án. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản chấp thuận. Ngay khi có sự đồng ý của Sở NN&PT Nông thôn thì xã đã họp 370 hộ dân để thông báo. 364 hộ dân nhất trí đồng ý cho thuê đất thực hiện dự án với giá 700 nghìn đồng/năm/sào”, Ông Đạt trình bày.

Ngay khi có sự đồng ý của hầu hất các hộ dân, UBND xã Liên Trung đã đứng ra ký hợp đồng cho thuê đất với ông Phạm Hải Đăng.

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Văn Hanh, Chủ tịch UBND xã Liên Trung lại cho rằng, đây là đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, không phải của người dân khai hoang, nên xã lấy lại đất không cần quyết định thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng là hoàn toàn phù hợp.

Đáng chú ý, dù quy định về hành lang thoát lũ ở bãi giữa sông Hồng đã rất rõ ràng nhưng lãnh đạo xã Liên Trung và huyện Đan Phượng đều cho rằng dự án này "không ảnh hưởng".

“Dự án chưa được thực hiện, nhưng nó chỉ là đóng mấy cái cọc lên để lắp màng lưới che chắn, cùng với mấy cái ống tưới nước tự động, phun sương chứ có ảnh hưởng gì tới không gian thoát lũ đâu”, ông Đạt phân trần.

Liệu rằng, việc thực hiện một dự án nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao bao gồm nhà lưới, nhà liên mái, khu bảo quản, sơ chế, đóng gói sản phẩm, nhà điều hành, kho bãi, trạm nước…có chỉ là “mấy cái cọc” như ông Đạt tưởng tượng?!

Đầu năm 2017, trước việc xây dựng tràn lan trên khu vực bãi giữa sông Hồng, gây ảnh hưởng tới không gian thoát lũ, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các sở ngành, địa phương thực hiện rà soát, xử lý các trường hợp sai phạm.

Theo quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016, khu vực bãi giữa sông Hồng được xác định là không gian thoát lũ; Các hoạt động tại khu vực này phải bảo đảm an toàn, nhất là vào mùa lũ và không ảnh hưởng đến chức năng thoát lũ sông Hồng. Do vậy, việc xây dựng công trình kiên cố như: Nhà cấp 4 bằng gạch, nhà khung thép... trồng cây lâu năm đều vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai.

Nguyễn Bá

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/doi-song/ha-noi-xay-dung-du-an-nong-nghiep-huu-co-cong-nghe-cao-tren-khong-gian-thoat-lu-14973.html