Hà Nội xây thành phố sáng tạo: dựa trên khoa học công nghệ hay bất động sản?

Tuần đầu tiên của tháng 10.2020 đã có nhiều sự kiện đặc biệt liên quan đến chiến lược quy hoạch xây dựng và đẩy mạnh phát triển Hà Nội. Đó là việc thành phố tổ chức tham vấn cấp cao hướng đến tạo dựng Thành phố sáng tạo. Tân Chủ tịch thành phố - ông Chu Ngọc Anh, thì đưa ra thông điệp 'Cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ'. Còn lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội thì đề xuất bán trụ sở cũ đi để làm vốn đối ứng đầu tư hạ tầng giao thông (1). Vậy Hà Nội sẽ xây thành phố sáng tạo theo cách nào khi những bất cập kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường... là những hệ quả của việc kém sáng tạo trong quy hoạch, quản lý vẫn còn đó?

Sau 10 năm mở rộng, Hà Nội có xanh hơn?

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (được phê duyệt năm 2011), đặt ra mục tiêu “Hà Nội, đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”. Nội dung nổi bật là “Hành lang Xanh” chiếm 40% vùng bảo tồn và 20% phát triển dựa trên bảo tồn. Bản đồ tô màu xanh vào lưu vực thoát lũ Hà Nội, vốn đã được người Pháp lập cách đây 100 năm. Bản vẽ được Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ (AIA) trao bằng khen, với diễn giải: “Họ đã vẽ bằng tay, thể hiện ý tưởng (vẽ ra –TG) một cách sáng tạo”.

Bản Quy hoạch xây dựng Hà Nội được giải thưởng “vẽ đẹp” và thực tế đô thị phát triển theo vết dầu loang: bất động sản bám đường tràn qua Hành làng Xanh.

Bản Quy hoạch xây dựng Hà Nội được giải thưởng “vẽ đẹp” và thực tế đô thị phát triển theo vết dầu loang: bất động sản bám đường tràn qua Hành làng Xanh.

Sau gần 10 năm mở rộng (2011-2020), Hà Nội không “xanh” như bản vẽ khi mà nhà cửa bám theo các trục đường đường lớn như vết dầu loang, cứ thế phình ra. Thành công nhất là các dự án bất động sản xây la liệt trên đất, vốn trước đây đa số diện tích là nông nghiệp, sau đã được chuyển mục đích sử dụng để rồi bán đất xây nhà ở giá vút nếu so với mức giá đền bù. Tài nguyên đất đai, mặt nước ven đô cạn kiệt nhanh chóng, để lại những vấn nạn: giao thông tắc nghẽn, nước thải, rác thải, khí thải ô nhiễm gia tăng, đặc biệt hệ thống thủy lợi được xây dựng bền bỉ qua trăm năm bị chia cắt/đứt gãy trở nên vô dụng trong chốc lát... quỹ đất nông nghiệp dần hoang hóa, thoái biến. Hệ sinh thái tuần hoàn tự nhiên bị phá vỡ.

Không gian xanh duy nhất còn lại không biết vui hay buồn bởi xuất phát từ sự chậm trễ của các quy hoạch liên quan. Đó là “Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình”, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập, trình duyệt 2016 nhưng lại không có quy hoạch thoát lũ cho sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Còn “Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình” của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì “án binh bất động” từ năm 2016 đến nay (đó là chưa kể tới việc đã làm nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn của dự án thoát nước và xử lý nước thải Hà Nội, trị giá 1,5 tỷ USD bởi tiền chi ra nhưng Hà Nội mưa là ngập, ô nhiễm nước sông hồ khắp nơi).

Dọc đường Tố Hữu nhiều nhà cao tầng đang mọc lên, gây lên áp lực rất lớn về giao thông trục Lê Văn Lương – Tố Hữu. Ảnh: Dân Việt

Quy hoạch Giao thông Hà Nội do TEDI lập, Hà Nội trình duyệt 2016 đặt ra mục tiêu trung bình mỗi năm đầu tư 100 nghìn tỷ nhưng thực tế chỉ đạt 3-7 %. Việc vẽ ra quy hoạch mà không rõ nguồn lực công khiến dư luận băn khoăn về năng lực của đơn vị làm tư vấn. Và điều đó đã được chứng minh khia quản trị đầu tư, kiểm soát chi phí kiểu gì mà tất cả các dự án Đường sắt đô thị đã làm và chưa làm bị đội vốn từ 2 đến 9 lần, thậm chí dự án tuyến số 1 và số 2 không thực hiện vẫn phải trả phí tư vấn lên tới 1.800 tỉ đồng; Dự án tuyến số 2A và 3.1 chi ra hàng tỷ USD, làm cả chục năm nay vẫn chưa chạy. Các dự án đường bộ giá thành đắt đỏ đổi lấy đất giá rẻ nên nhà xây ra bán tràn lan mà đường thiếu hụt, tắc nghẽn triền miên .

Nguyên nhân những bất cập đã rõ và thành phố lại một lần nữa đặt hy vọng vào bản quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045 (theo Luật Quy hoạch 2017), nhưng cho đến nay Hà Nội là 1 trong 10 địa phương chưa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch (2).

Còn nhiều việc cần làm

Mới ít hôm đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh cho biết dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy… trong đó có nội dung “cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững”.

Hình ảnh kẹt xe ở Hà Nội. Ảnh: Dân Trí

Bên trên là tuyến metro đội vốn, chậm tiến độ con phía dưới xe cộ ùn tắc lưu niên. Ảnh: Báo Nhân dân

Hà Nội bước sang giai đoạn phát triển mới với nhiều khó khăn thách thức hơn so với trước đây 10 năm: tài nguyên đất dần cạn kiệt, tài nguyên nước cũng suy giảm về khối lượng và chất lượng. Trong khi đó, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến kinh tế toàn cầu suy giảm, ảnh hưởng không nhỏ tới các quốc gia, thành phố và Hà Nội không nằm ngoài vòng xoáy đó…

Tại cuộc tọa đàm cấp cao “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” (3), Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định Hà Nội vẫn còn nhiều việc cần làm để tiếp tục hiện thực hóa danh hiệu Thành phố sáng tạo. Trong đó, cần cân bằng giữa các lợi ích trước mắt và lâu dài, giữa các giá trị truyền thống và hiện đại; thiết kế một hệ sinh thái cho hoạt động đổi mới, sáng tạo; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hệ thống chính sách kinh tế, tạo cơ chế điều hành như thành lập cơ quan điều phối, chủ trì của thành phố để phát huy sự sáng tạo phong phú của doanh nghiệp, người dân cho định hướng phát triển chung của Thủ đô...

Như vậy, để tiến tới Thành phố sáng tạo thì cần phải giải quyết những lực cản, những mô thức chưa sáng tạo trong quả lý, điều hành. Lấy ví dụ như ngành giao thông đô thị Hà Nội (vốn được đầu tư từ Trung ương, vay ODA, ngân sách địa phương…) vẫn đang trông nhiều vào ngân sách hạn hẹp để chi tiêu mà không coi đây là lĩnh vực kinh tế mạnh mẽ, cơ hội đầu tư có lợi nhuận cao. Theo ông Vũ Hà, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết mỗi năm Thành phố dành khoảng 7.000 tỷ đồng ngân sách để xây mới nâng cấp các tuyến đường, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu. Để có nguồn, ngành GTVT gợi ý tiếp tục bán đất, bán nhà công sản. Với cách này, giao thông đôi thị luôn bị hụt hơi với bất động sản, gia tăng sức ép làm giao thông đô thị rối loạn trầm trọng hơn.

Trong khi đó, trong vòng 20 năm (2000-2020), Bangkok (Thái Lan ) đã vượt qua vũng lầy bế tắc của dự án giao thông “Hope Well” do nhà đầu tư nước ngoài bỏ dở để huy động nội lực xây dựng gần 200 km đường sắt đô thị. Ga trung tâm Bang Sue hoàn thành sẽ kết nối giao thông đô thị từ thủ đô tới cả vùng Đông Bắc và liên thông quốc tế. Dự án còn phát triển công nghệ xây dựng, kỹ thuật điện tử và gia tăng giá trị bất động sản cũng như toàn bộ kinh tế - xã hội.

Cũng trong 20 năm (2000-2020), Kualalumpur (Malaysia) đã tiếp nhận dự án KL Monorail do nước ngoài đầu tư bỏ dở để các doanh nghiệp nội địa thực hiện dự án này và toàn bộ hạ tầng giao thông đô thị. Thành phố đã hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị ngầm nổi dài hơn 300 km, góm phần đưa Kulalumpur thành một trong những thành phố hiện đại và giàu bản sắc nhất thế giới.

Thành phố sáng tạo thì hệ thống giao thông phải làm giàu chứ không phải tiêu tốn hết nguồn lực, đẩy thành phố vào cảnh nợ nần, túng thiếu và bị động. Ví dụ như đề xuất làm 50 km đường sắt đô thị tuyến số 3.2 và số 5 hết 4 tỷ USD để đi vào những chỗ ít tiềm năng, công suất vài trăm ngàn lượt hành khách ngày, trong khi phải bán đất công, tài sản công gồm nhà và thoái vốn nhà nước để gom 1 tỷ USD đối ứng là rất phi lý và phi kinh tế. Giao thông đô thị Hà Nội sáng tạo phải trở thành một lĩnh vực kinh kế hấp dẫn, thu hút vốn toàn xã hội, chứ không phải từ vài “đại gia” năng lực tài chính hạn chế, chỉ chăm chăm vẽ ra dự án để vay ngân hàng.

Với những dự án tiềm năng, cư dân Hà Nội thừa khả năng góp vốn để làm ra hàng trăm km đường ưu tiên cho xe Bus nhiên liệu sạch, tốc độ cao, chuyên chở hàng chục triệu lượt hành khách/ngày với chi phí thấp. Thành phố giành tài sản công cho không gian công cộng, đi bộ, bảo tồn và phát huy di sản cảnh quan kiến trúc đô thị. Chỉ cần dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ để tổ chức giao thông thông minh hơn… thì chỉ cần đầu tư nhỏ cũng nâng cấp nhanh chóng giao thông đô thị, lại tạo ra vô vàn cơ hội sinh kế mới.

Điều tích cực là Hà Nội đã nhận ra và định hướng phát triển thành phố “Sáng tạo – Bền vững”. Bởi lẽ chỉ có sáng tạo, Hà Nội mới khai thác tối ưu nguồn tài nguyên có và phát hiện ra tài nguyên mới biến thành động lực mới phát triển thích ứng với khó khăn nhiều mặt và sớm trở thành Thành phố sáng tạo – bền vững kiểu mẫu của ASEAN và tự hào là thành phố bản sắc Việt Nam cùng tiến bước với các thành phố sáng tạo toàn cầu.

Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội

_________________

(1) https://vnmedia.vn/su-kien-va-van-de/202010/thieu-tien-lam-duong-ha-noi-muon-dung-tru-so-cu-lam-von-doi-ung-9bd2bb8/?fbclid=IwAR3HRIbTUga2dzxzrr_O4P00rqwGKHYBY3-z77rcn9jDUn3781jfvOO6Lj4

(2) https://laodong.vn/thoi-su/bi-thu-thanh-uy-ha-noi-don-doc-day-nhanh-tien-do-cac-du-an-trong-diem-840547.ldo

(3) http://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/hien-ke-de-ha-noi-tro-thanh-thanh-pho-sang-tao-564963.html

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ha-noi-xay-thanh-pho-sang-tao-dua-tren-khoa-hoc-cong-nghe-hay-bat-dong-san-25652.html