'Hạ tầng cứng' và 'các chính sách mềm' phát triển thương mại miền núi

Để đánh thức tiềm năng sản xuất, thương mại vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, cần có sự đồng bộ từ chính sách, sự phối hợp gắn kết chặt chẽ theo chuỗi của các chủ thể từ nhà quản lý, đến người sản xuất, doanh nghiệp, để thúc đẩy thương mại khu vực này.

 Thay đổi tư duy sản xuất hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa KT

Thay đổi tư duy sản xuất hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa KT

+ PV: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1162/QĐ-TTg ngày 13/07/2021, phê duyệt chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021- 2025. Ông đánh giá thế nào về mục tiêu và định hướng phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong quyết định này?

+ TS. Nguyễn Minh Phong: Quyết định 1162/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là rất kịp thời, có nhiều điểm đột phá tạo ra kỳ vọng mới cho phát triển thương mại vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Trong đó, với 4 mục tiêu lớn của chương trình; 9 mục tiêu cụ thể và 6 định hướng Quyết định tạo sinh khí mới cho thương mại khu vực này.

Mục tiêu không đơn thuần là tăng về mặt số lượng các sản phẩm, cơ cấu, tỷ trọng, quy mô; mà còn tác động yêu cầu về chất lượng của sản phẩm, để đảm bảo yêu cầu hội nhập. Hơn nữa, chương trình cũng góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân; được tiêu thụ hàng sạch, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe. Đây là một trong những thông điệp quan trọng.

Đồng thời, chương trình giúp thúc đẩy kinh tế của địa phương và đặc biệt là phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa. Góp phần đưa tư duy của người nông dân vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng tư duy thị trường, sản xuất hàng hóa; giảm dần tình trạng sản xuất theo kiểu tự cung, tự cấp, "thừa thì mới bán". Thay được tư duy sản xuất cũng góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong

Với những mục tiêu cụ thể, Chương trình đã bám sát được toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm liên quan đến mục tiêu về sản xuất, đặc biệt là chất lượng hàng hóa, chủng loại; hướng tới khai thác những sản phẩm mang tính đặc thù, thế mạnh của từng địa phương. Đây là một trong những định hướng quan trọng và rất đúng.

Thứ hai, về thông tin, kênh phân phối, vấn đề đặt ra là người dân có hàng hóa tốt, như phải có kênh phân phối tốt. Vì thế, mục tiêu, định hướng phát triển theo chuỗi là rất cần thiết để đảm bảo sự kết nối cung - cầu; giữa thị trường các vùng đồng bào với các thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn nữa. Để đạt được, cần có cơ chế, chính sách phù hợp với thương mại địa phương, bao gồm chợ bán buôn, điểm bán nhỏ hàng hóa; trung tâm dịch vụ thích hợp, bao gồm cả những hợp tác xã, dịch vụ số nông nghiệp.

"Dịch vụ số" có thể nói là một sáng kiến, sẽ trở thành một trong những mô hình mới, kết hợp giữa yêu cầu phải chuyển đổi số trong hợp tác xã, vừa giúp kết nối thương mại. Bên cạnh đó, hoạt động về bảo hộ chỉ dẫn địa lý và bảo vệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu thông qua các sàn thương mại là rất cần thiết.

Phụ nữ dân tộc thiểu số dệt lanh theo hướng sản xuất hàng hóa. Ảnh minh họa KT

+ PV: Để đánh thức được tiềm năng của khu vực miền núi, thì các bộ/ngành, địa phương và doanh nghiệp phải kết nối với nhau như thế nào để phát triển được thương mại khu vực này?

+ TS. Nguyễn Minh Phong: Ngay Quyết định 1162 cũng đã nêu ra việc phối hợp đồng bộ chính sách, yêu cầu phải phân công, phân cấp các bộ ngành cụ thể. Chính sách đưa ra phải đảm bảo sự đồng bộ trên cơ sở phân công chức năng, nhiệm vụ cấp sở, ban ngành. Sự đồng bộ này không chỉ là khép kín trong một đơn vị, mà nó là sự phối hợp nhịp nhàng trong cơ chế đã được quy định rất rõ ràng giữa các bộ, ngành; đồng thời đảm bảo sự cập nhật, phù hợp vơ thực tiễn của từng địa bàn cụ thể. Cụ thể, việc phát triển thương mại miền núi, vùng đồng bào dân tộc ở miền Bắc khác miền Nam.

Tăng cường giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại vùng miền núi. Ảnh minh họa KT

Đồng thời phải tăng cường liên kết vùng; tăng liên kết chuỗi và đặc biệt là phối hợp giữa các chủ thể tham gia trong chuỗi này, bao gồm hộ nông dân, hợp tác xã, các doanh nghiệp và các bộ/ngành. Đặc biệt là với những sàn thương mại điện tử tạo ra một chuỗi với sự kết nối, phân công, phân vai rõ ràng. Qua đó hình thành được những kênh phân phối mới hiệu quả, phù hợp.

Bên cạnh đó, các chính sách phải hướng mạnh vào 2 khâu quan trọng, là "hạ tầng cứng" và "các chính sách mềm" phát triển thương mại miền núi. "Hạ tầng cứng" với các vấn đề giao thông, logictics cho nông nghiệp hiện nay vẫn là một trong những điểm yếu nhất của Việt Nam.

Về "phần mềm" là vấn đề nguồn nhân lực, thông tin thị trường, các dịch vụ, tư vấn, các hỗ trợ kỹ thuật khác, bao gồm cả chỉ dẫn địa lý, bảo hộ sản phẩm. Đặc biệt là yếu tố con người là quan trọng nhất, bao gồm cả người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, người nông dân, hộ gia đình đều cần phải đào tạo, để việc kết nối, phát triển tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ha-tang-cung-va-cac-chinh-sach-mem-phat-trien-thuong-mai-mien-nui-20221020182624065.htm