Hạ tầng giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới

Năm học mới, cô trò Trường Mầm non Bản Phố (huyện Bắc Hà) được học tập trong ngôi trường khang trang còn thơm mùi sơn mới. Đây là 1 trong 20 công trình trường học được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện và cũng là công trình đầu tiên bàn giao trước thềm năm học 2023 - 2024.

Cô giáo Cao Thị Hải Yến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường mới được xây dựng với tổng kinh phí đầu tư 13 tỷ đồng, gồm 2 dãy nhà 2 tầng, 10 phòng học, nhà vệ sinh khép kín và bếp ăn. Với cơ sở vật chất khang trang, năm học 2023 - 2024, trường dự kiến tuyển 385 học sinh. Tin rằng trong ngôi trường mới, giáo viên và học sinh sẽ yên tâm, hứng thú hơn với việc dạy và học.

Những năm qua, huyện Bắc Hà đã ưu tiên lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây mới, tu sửa trường, lớp học. Dự kiến trong tháng 8/2023, toàn huyện có thêm 20 công trình trường, lớp học, nhà ở bán trú hoàn thành và đưa vào phục vụ trong năm học 2023 - 2024. Ông Bùi Văn Tiến, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Hà cho biết: Ngay khi học sinh nghỉ hè, việc chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa, xây mới hệ thống trường, lớp học, nhà ở bán trú cho học sinh, nhà công vụ giáo viên, mua sắm thêm trang - thiết bị phục vụ dạy và học được các trường trên địa bàn huyện nhanh chóng triển khai thực hiện.

Giữa tháng 8, cán bộ, giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Trung Chải (thị xã Sa Pa) đã tất bật dọn khuôn viên, chăm sóc vườn hoa, sắp xếp lại bàn ghế, trang trí lớp học… Thầy giáo Hà Tiến Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2023 - 2024, trường có 777 học sinh, trong đó tại điểm trường chính có 534 học sinh. Để chuẩn bị chu đáo cho năm học mới, trường đã rà soát lại cơ sở vật chất còn thiếu, báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã để lên phương án bổ sung. Sau khi được đầu tư xây dựng thêm 5 phòng học và 1 phòng bộ môn, sẽ chấm dứt tình trạng thiếu phòng học, đủ điều kiện đưa các điểm lẻ về điểm chính cũng như bảo đảm các tiêu chí để công nhận lại trường chuẩn quốc gia.

Ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa cho biết: năm học 2023 - 2024, thị xã sẽ đầu tư 12 danh mục, tổng kinh phí 19 tỷ đồng. Phòng cũng đề xuất chi 4 tỷ đồng để sửa chữa, bảo dưỡng 19 trường, điểm trường bị hư hỏng, xuống cấp. Các trường trên địa bàn thị xã cũng huy động nhiều nguồn lực để sửa chữa, xây dựng mới nhiều phòng học, mua bổ sung bàn ghế, trang - thiết bị dạy học cho năm học mới.

Mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhất là ở vùng cao vẫn còn khó khăn, với 24,1% phòng học chưa được kiên cố, thiếu phòng học bộ môn. Đặc thù giáo dục vùng cao là có nhiều điểm trường lẻ, tuy đã được quy hoạch nhưng hiện vẫn còn 585 điểm trường tiểu học, tỷ lệ học sinh ở điểm trường lẻ chiếm 23,5%, dẫn đến rất khó khăn trong việc tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Để khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học trên địa bàn tỉnh nói chung, vùng cao nói riêng, trong những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; phối hợp với các sở, ngành liên quan tranh thủ các nguồn vốn, hỗ trợ đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, trang - thiết bị phục vụ dạy và học. Hiện tại, các huyện, thị xã, thành phố đang tích cực triển khai đầu tư mua sắm, đảm bảo kịp thời phục vụ cho năm học mới. Về đầu tư xây dựng phòng, lớp học giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã giao 251 công trình, danh mục công trình, với tổng kinh phí hơn 3.100 tỷ đồng. Đến nay, đã có 5 công trình đưa vào khai thác, sử dụng; 141 công trình đang thi công.

Việc chuẩn bị cơ sở vật chất trường, lớp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh cơ bản diễn ra đúng theo kế hoạch. Ngành giáo dục và đào tạo tự tin, sẵn sàng chào đón năm học 2023 - 2024 với quyết tâm cao nhất, thi đua dạy tốt, học tốt, tạo nhiều đột phá, gặt hái thêm nhiều thành tích mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm học mới.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/ha-tang-giao-duc-dap-ung-yeu-cau-doi-moi-post373087.html