'Hạ tầng mềm' ở Đồng Tháp

Hội quán nông dân là một mô hình đặc biệt của tỉnh Đồng Tháp, hình thành và tiệm tiến theo hướng 'của dân, do dân và vì dân'.

Gắn kết cộng đồng

Bức thư pháp “Canh Tân Hội quán” mang chữ ký của Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan treo trang trọng tại trụ sở của hội quán cùng tên. Lãnh đạo cao nhất tỉnh Đồng Tháp là “bà đỡ” cho mô hình hội quán nông dân, khởi nguồn từ sáng kiến của lão nông Lê Thành Lộc, ngụ xã An Nhơn, huyện Châu Thành. Ông Lộc trực tiếp đề xuất với bí thư tỉnh ủy bên lề một cuộc tiếp xúc cử tri. Tháng 6.2016, Canh Tân Hội quán khai trương. Ông Lộc được nhân dân tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm. Ông Hoan về dự, trở thành hội viên chính thức.

Ban chủ nhiệm Canh Tân Hội quán. Ông Lê Thành Lộc (tứ hai, từ phải), chủ nhiệm và cũng là người đề xuất thành lập Canh Tân Hội quán

Hội quán đặt trụ sở tại ngôi miếu Bà - địa chỉ tín ngưỡng cộng đồng duy nhất trên cù lao An Hòa. Chuyện làng, chuyện nhà, chuyện “mần” ăn được thảo luận công khai dưới bóng thần quyền. Mối quan hệ giữa nhiều hội viên có khi là máu mủ ruột rà, có khi là tình láng giềng tối lửa tắt đèn. Loại vốn xã hội này giúp người ta dễ dàng tìm được sự đồng thuận trong nhiều vấn đề mà nhiều khi bàn tay nhà nước không thể hoặc không cần vươn tới. Rủ nhau sửa chữa, nâng cấp những công trình dân sinh ngoài quy hoạch như đường liên ấp, liên thôn. Vệ sinh công cộng. Tình làng nghĩa xóm. Giáo dục con cái, gìn giữ nếp nhà... “Chuyện xóm làng là chuyện của dân”, ông Lê Minh Hoan thừa nhận hội quán đầu tiên ra đời khá “trầy trật”. Lời ra tiếng vào là chuyện dễ hiểu. Ủng hộ cái mới là chấp nhận một hệ số rủi ro, chưa kể “hội” vẫn là một lĩnh vực được xem là nhạy cảm trong tư duy của thượng tầng kiến trúc.

Tính đến tháng 1.2018, hội quán có khoảng 120 hội viên gia nhập trên tinh thần tự nguyện. Ngoài những nông dân thuần túy, hội quán còn có sự góp mặt của cán bộ từ cơ quan ban ngành thuộc chính quyền cơ sở. “Mấy ảnh thấy mình làm được thì xin vô, ủng hộ mình”, ông Lộc cho biết hội quán lập ra để “có tiếng nói”. Ý kiến thống nhất của tập thể truyền tải qua hội quán được chính quyền tiếp thu. Công an đảm bảo an ninh trật tự. Tư pháp giải đáp khúc mắc về pháp lý. Khuyến nông mời những nhà khoa học về nói chuyện, giải đáp, hướng dẫn, nghiên cứu hỗ trợ canh tác cho bà con.

Lão nông Nguyễn Quốc Dũng, một thành viên nòng cốt trong Ban chủ nhiệm Hội quán, cho biết kiến thức tiếp thu từ những nhà khoa học làm thay đổi nhận thức đáng kể của nhiều nông dân cù lao An Hòa, chẳng hạn như khái niệm “sức khỏe của đất”. Đất nuôi cây. Cây nuôi người. Thực chất là người ăn dinh dưỡng của đất. Ăn hoài mà không bồi dưỡng thì đất kiệt sức. Có vay có trả. Thiên nhiên ưu ái cho cù lao khu vực bãi bồi màu mỡ phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông. Sau mùa thu hoạch, người dân mướn ghe bơm đất vào vườn. “Nhờ hội quán mà chúng tôi có cơ hội thảo luận với “mấy thầy”, ông Dũng bày tỏ sự cảm kích đối với những nhà khoa học.

Mỗi hội quán được chính quyền tài trợ hai tủ sách kinh tế và pháp luật

Tri thức còn đến từ sách. Mỗi hội quán được chính quyền trang bị hai tủ sách pháp luật và kinh tế. Những lão nông miệt vườn nói ro ro về Khuyến học, Cuộc cách mạng một cọng rơm... thiệt đã lỗ tai. Nghe đâu nhiều đầu sách trong danh mục do đích thân ông “xích lô”, biệt danh của Bí thư Tỉnh ủy, tận tay tuyển lựa.

Ràng buộc lợi ích

Bên cạnh hội quán là Hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa. Xã viên cũng chính là hội viên, tự nguyện tham gia nhờ lợi ích kinh tế thiết thực.

Đầu vào mua chung. Đại diện hợp tác xã mua vật tư nông nghiệp từ nhà máy theo giá sỉ rồi phân phối lại cho xã viên theo nhu cầu. Trong ngôi nhà chung hợp tác, xã viên thống nhất kỹ thuật áp dụng trong suốt quá trình canh tác. Đồng nhất về điều kiện thổ nhưỡng, nông dược, phương thức sản xuất khiến chất lượng sau thu hoạch đồng đều, làm cơ sở để bán chung. Cù lao An Hòa hiện chiếm khoảng 25% diện tích canh tác nhãn của toàn huyện Châu Thành (khoảng 1.000ha), chủ yếu là giống Idor được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận “Nhãn Châu Thành - Đồng Tháp” hồi tháng 6.2016. Vùng nguyên liệu đủ lớn cho phép hợp tác xã bỏ qua mạng lưới thương lái, đàm phán trực tiếp với những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tầm cỡ. Nhãn Châu Thành theo chân nhà buôn đi ra thế giới, trong đó có thị trường Hoa Kỳ. Vượt qua rào cản kỹ thuật của thị trường khó tính này là một sự bảo chứng về chất lượng.

Giống nhãn Idor đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận “Nhãn Châu Thành - Đồng Tháp”

Tiếp cận theo chuỗi giá trị ngành hàng, việc mua chung bán chung cắt bớt một số khâu trung gian. Tiết giảm chi phí hợp lý cải thiện năng lực cạnh tranh. Việc hợp tác làm ăn còn loại bỏ tình trạng vườn ai nấy mần, tranh mua tranh bán... tiềm ẩn xung đột lợi ích.

Từ cù lao An Hòa, mô hình được cổ vũ, lan nhanh khắp vùng đất sen hồng. Chính quyền tài trợ máy chiếu, máy tính kết nối internet. Chủ trương, chính sách mới được cập nhật, thông suốt. Dân tiếp nhận, tương tác, giám sát, phản hồi, kiến nghị kịp thời. Một chuyên gia kinh tế nhiều năm lăn lộn ở đồng bằng sông Cửu Long bình luận lãnh đạo Đồng Tháp khuyến khích “sự thay đổi từ dưới lên” trong quản trị công. Thêm một góc nhìn khác, hội quán đã làm rất tốt chức năng gắn kết, tập hợp quần chúng của các tổ chức chính trị - xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhìn lại đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, Đồng Tháp là địa phương duy nhất tại đồng bằng sông Cửu Long mà nước mặn chưa thể vươn tới. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp. Ngành này cũng đóng góp những sản phẩm chủ lực vào danh mục xuất khẩu của địa phương thời gian gần đây, chẳng hạn như cá tra dẫn đầu cả nước với kim ngạch trên 600 triệu USD/năm, lúa gạo (100 triệu USD/năm)... Cuối năm 2017, gần 23.900 tỉ đồng vốn đầu tư và cam kết đầu tư vào vùng đất sen hồng được công bố tại hội nghị xúc tiến đầu tư tổ chức tại TP.HCM. Mục tiêu chung của địa phương đến 2020 là phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao. Sự bùng nổ của hội quán nông dân có thể được xem như hạ tầng mềm, thuận theo định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương. Theo ông Huỳnh Thanh Sơn, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Đồng Tháp, tính đến ngày 10.3.2018, đã có thêm 37 hội quán được thành lập từ mô hình đầu tiên ở cù lao An Hòa. Con số này chắc chắn chưa dừng lại.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa nông sản quốc gia mà Đồng Tháp là một cấu phần. Thế nhưng mô hình hội quán nông dân vẫn quẩn quanh trong địa giới hành chính của địa phương này. Thừa nhận người khác, khó thế ư?

Bài: Thượng Tùng - Ảnh: Mai Kỳ

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ha-tang-mem-o-dong-thap-13362.html